clock

Doanh Nghiệp

08:37 05-05-2021

Vì sao Vua Cua, Coolmate đều đích thân CEO gọi vốn trên Shark Tank, còn Weehours lại không?

Người đại diện theo pháp luật kiêm CEO của Weehours là một gương mặt rất quen từng xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam mùa 2, đã gọi vốn thành công 5 tỷ đồng...

Vì sao Vua Cua, Coolmate đều đích thân CEO gọi vốn trên Shark Tank, còn Weehours lại không?
 

Shark Tank Việt Nam mùa 4 vừa khởi đầu với 3 startup trong 2 lĩnh vực F&B và bán lẻ thời trang.

Trong 3 startup, thương hiệu mắt kính Weehours được cho là có màn pitch đuối nhất, khi lập luận của các đại diện Weehours khá yếu, dù nhiều bình luận cho rằng có thể startup này cũng không đến nỗi tệ.

Bỏ qua màn định giá gấp 50 lần tài sản của startup và màn tính nhẩm fail không trượt phát nào của Shark Bình, bạn có nhận thấy điều khác thường ở Weehours?

Tập 1 lần này có 3 startup cả thảy. Trong đó, đại diện của Vua Cua là Đoàn Thị Anh Thư - Founder kiêm CEO, đại diện của Coolmate là Phạm Chí Nhu - cũng với chức danh Founder kiêm CEO, nhưng đại diện từ phía thương hiệu kính mắt Weehours chỉ được giới thiệu chung chung là Cofounder!?

CEO thực sự của Weehours là ai?

Weehours là thương hiệu bán lẻ kính mắt trực thuộc CTCP Phát Triển Sản Phẩm Sáng Tạo Việt. Tổng Giám đốc kiêm đại diện theo pháp luật của công ty trên là Nguyễn Quang Thái, sinh năm 1991. Bạn có thấy cái tên này quen quen?

Weehours được Cofounder Bỉnh Đức giới thiệu là "được thiết kế 100% tại Việt Nam". Cụm từ này cũng rất quen, đúng không?

Nội dung giới thiệu này na ná như phần pitching của Curnon - thương hiệu đồng hồ thiết kế tại Việt Nam. Nguyễn Quang Thái - người đại diện kiêm CEO CTCP Phát Triển Sản Phẩm Sáng Tạo Việt (công ty mẹ của Weehours) cũng chính là CEO Curnon từng gọi vốn trên Shark Tank Việt Nam ngày nào.

Vì sao Vua Cua, Coolmate đều đích thân CEO gọi vốn trên Shark Tank, còn Weehours lại không? - Ảnh 1.

Trên website chính thức, Weehours được giới thiệu thuộc CTCP Phát Triển Sản Phẩm Sáng Tạo Việt.

Vì sao Vua Cua, Coolmate đều đích thân CEO gọi vốn trên Shark Tank, còn Weehours lại không? - Ảnh 2.

Người đại diện pháp luật kiêm Tổng Giám đốc của công ty là Founder từng gọi vốn trên Shark Tank Việt Nam mùa trước - Nguyễn Quang Thái

Nguyễn Quang Thái và cộng sự Trịnh Anh Đức xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam cách đây 3 năm, được các Shark tranh giành quyết liệt. Cuối cùng, Curnon đã chọn về với team của Shark Dzung và Shark Louis với số vốn đầu tư 5 tỷ đồng, trong đó 3 tỷ đồng đổi lấy 20% cổ phần, 2 tỷ đồng còn lại là khoản vay chuyển đổi ở mức 25% discount.

Vì sao Vua Cua, Coolmate đều đích thân CEO gọi vốn trên Shark Tank, còn Weehours lại không? - Ảnh 3.

Hình ảnh Nguyễn Quang Thái (phải) và cộng sự Trịnh Anh Đức (trái) gọi vốn trên Shark Tank Việt Nam giữa năm 2018.

Sau khi lên Shark Tank Việt Nam, chưa rõ Curnon được thực rót vốn hay chưa, nhưng thương hiệu này đã nhận được một hiệu ứng truyền thông "thực sự khổng lồ".

Chương trình Shark Tank Việt Nam có màn gọi vốn của Curnon phát sóng lúc 20h30 ngày 18/7/2018. Đến 22h30, lượt truy cập vào website chính thức của Curnon đã tăng lên mức kỷ lục 1.500 lượt truy cập cùng lúc, trong khi traffic trước đó chỉ rơi vào khoảng 15.000 - 20.000/tháng.

Cuối năm 2020, Thái từng chia sẻ kể từ mốc xuất hiện trên Shark Tank Việt Nam, traffic vào website tăng gấp 10, còn doanh số Curnon tăng gấp 7 lần.

Quay trở lại công ty mẹ của Weehours, CTCP Phát Triển Sản Phẩm Sáng Tạo Việt cũng là công ty sở hữu thương hiệu Curnon, được thành lập vào tháng 1/2018 với vốn ban đầu là 1 tỷ đồng. Theo thông tin thay đổi đăng ký kinh doanh vào tháng 7/2018, CTCP Phát Triển Sản Phẩm Sáng Tạo Việt có 4 cổ đông gồm: Nguyễn Quang Thái là cổ đông lớn nhất, chiếm 40,3% cổ phần, Trịnh Anh Đức (31,7%), Đinh Quang Huy (14,5%), Hoàng Quốc Quyền (13,5%).

Thông tin thay đổi đăng ký kinh doanh gần đây nhất là vào tháng 11/2018, vốn điều lệ của CTCP Phát Triển Sản Phẩm Sáng Tạo Việt tăng từ 1 tỷ đồng lên 1,33 tỷ đồng.

Về tình hình kinh doanh của Weehours, hiện thương hiệu này có 2 cửa hàng tại Hà Nội và TPHCM, mỗi cửa hàng của Weehours đều có thể đạt điểm hòa vốn từ 5-7 tháng (sớm hơn so với chuỗi bán lẻ truyền thống vốn mất 1-2 năm). Doanh thu tháng gần nhất trước khi gọi vốn trên truyền hình là 900 triệu đồng, lợi nhuận ở mức 15%, với giá trị một giỏ hàng trung bình là 1 triệu đồng.