clock

Trong Nước

05:27 26-10-2015

Việt Nam cần làm gì để thành công xưởng thế giới?

Trung Quốc là công xưởng, trung tâm thiết kế của thế giới song Việt Nam mới dừng lại ở nơi gia công.

Làn sóng dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang Việt Nam của các thương hiệu lớn được cho là cơ hội để Việt Nam soán ngôi công xưởng thế giới của Trung Quốc. Ảnh: Androidauthority.

Trước khi có những chuẩn bị chi tiết để đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015, theo giới chuyên gia, việc học hỏi mô hình các nước đã thành công là cần thiết.

Ông Dương Đình Giám, Ủy viên BTV Hội Khoa học Kinh tế Việt Nam cho rằng, Trung Quốc trở thành công xưởng của thế giới nhờ 5 nguyên nhân. Những nhân tố này bao gồm chi phí sản xuất, sản phẩm thấp, chất lượng nguồn nhân lực tốt bên cạnh lợi thế lao động giá rẻ.

Ngoài ra, Trung Quốc có đa tầng công nghệ nên sản xuất được các loại hàng hóa với chất lượng khác nhau, tương ứng với giá cả. Dân số đất nước này rất đông và là thị trường quan trọng để các doanh nghiệp tập dượt trước khi tung hàng hóa ra nước ngoài.

Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam, Trung Quốc biết tận dụng ưu thế về chi phí, nguồn nhân lực. Trong khi đó, Đức thành công nhờ xác định được thị trường trọng tâm, xây dựng thương hiệu hàng hóa, chính sách tiền lương hợp lý, ép sinh viên mới ra trường học việc, hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ. Với Mexico, thành công đến từ việc tận dụng được ưu thế, phát triển các ngành thế mạnh.

Đến nay, Trung Quốc được mệnh danh là công xưởng lớn của thế giới. Trong khi đó, Đức trở thành quốc gia hàng đầu về sản xuất máy móc, ôtô. Các hãng sản xuất xe của nước này trải rộng khắp các thị trường, trong đó có Trung Quốc.

Tuy vẫn có những rào cản, vấn đề phát sinh, song quá trình các quốc gia nói trên trở thành công xưởng của thế giới cũng có nhiều vấn đề để Việt Nam học hỏi.

Việt Nam cần làm gì?

Giới lãnh đạo, chuyên gia đánh giá, Việt Nam cũng có cơ hội để trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sau năm 2015 bởi các lợi thế về vị trí địa lý, nguồn nhân lực. Tuy nhiên, thách thức đặt ra rất nhiều.

Ông Dương Đình Giám cho rằng, thách thức này đến từ nhiều yếu tố, trong đó có chất lượng nguồn nhân lực. “Chưa đến 20% trong số 60 triệu người ở độ tuổi lao động được đào tạo. Trong ngành công nghiệp, chất lượng lao động có cao hơn song trình độ trung cấp trở lên chỉ 20%. Phải chăng đó chính là nguyên nhân khiến hàng của Việt Nam chủ yếu gia công?”, ông đặt câu hỏi.

Bên cạnh đó, năng lực công nghệ của doanh nghiệp Việt Nam còn rất kém. Trên 70% công nghệ của doanh nghiệp nhỏ và vừa lạc hậu so với các nước khoảng 40-50 năm. Thống kê khác cho biết, tỷ lệ nhập khẩu công nghệ trên tổng kim ngạch nhập khẩu quốc gia chỉ khoảng 10%, so với mức 40-50% của các nước khác.

Chia sẻ câu hỏi của Zing.vn về việc Việt Nam chủ yếu gia công hàng hóa, ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, cho biết, người Việt và doanh nghiệp Việt rất sáng tạo, song cần thúc đẩy thêm khoa học công nghệ. Bên cạnh đó, việc cần thực hiện là thúc đẩy chế biến, chế tạo tại Việt Nam.

“Chúng ta chỉ sản xuất, chưa là những đơn vị thiết kế trong khi giá trị gia tăng lại được tạo ra ở khâu này. Phương pháp mà chúng ta đang thực hiện chỉ dừng lại ở gia công, nên cần đẩy mạnh cả khâu thiết kế sản phẩm”, ông Nhân nói.

Để Việt Nam trở thành trung tâm chế biến mới của thế giới, ông Nhân cho rằng cần có sự phối hợp giữa Chính phủ, doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp và có những đường hướng chi tiết. Việt Nam có điều kiện, nhưng cần khỏa lấp khoảng trống, phát huy sự ổn định của thị trường, đẩy mạnh khoa học công nghệ. Theo ông, trước đây, định hướng công nghệ đã được đề ra khá tốt song việc thực hiện chưa được tốt.

Theo ông Nguyễn Thiện Nhân, trước mắt, các doanh nghiệp cùng hệ thống định chế cần thống nhất nguyên tắc tiếp cận đâu là mục tiêu, chính sách, ngành nghề tập trung. Sau khi hoàn thiện, đề xuất để đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến, chế tạo mới của thế giới sẽ được trình Chính phủ vào quý IV năm tới.

9 điều kiện tiên quyết để thành "công xưởng thế giới":

- Dân số trẻ

- Hệ thống giáo dục, đào tạo nghề bài bản

- Hệ thống, cơ chế mở để thu hút FDI

- Tính minh bạch cao và định hướng rõ ràng cho các cải cách trung hạn bao gồm cả các doanh nghiệp nhà nước

- Thị trường tài chính đủ mạnh

- Hạ tầng cơ sở, vận tải và thông tin (gồm cả hạ tầng cơ sở điện tử) được thiết kế đồng bộ, tân tiến

- Ổn định về năng lượng

- Môi trường kinh tế vĩ mô ổn định

- Có khoảng cách gần với các nền kinh tế có thu nhập thấp để dễ dàng mở rộng chuỗi cung ứng

Ngân hàng AZN

 

Lan Anh/ Zing