clock

Trong Nước

12:10 23-09-2015

Việt Nam: Điểm sáng thu hút dòng vốn quốc tế

Trong bối cảnh nhiều nền kinh tế mới nổi gặp khó khăn, Việt Nam lại nổi lên như một điểm sáng với những tiến bộ đáng khích lệ về kinh tế.

Theo số liệu của Capital Economics, Việt Nam nằm trong số ít các thị trường đang phát triển có tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2014 cao hơn so với mức bình quân kể từ năm 2010.

Ngoài Việt Nam, Hungary, Cộng hòa Séc, Romania và Ba Lan cũng nằm trong nhóm trên khi các nước Đông Âu này hưởng lợi do giá dầu giảm và kinh tế Đức - thị trường xuất khẩu chủ lực tăng trưởng ổn định.

Tuy vậy, trong khi GDP thực của Romania, Cộng hòa Séc và Hungary giai đoạn 2008-2014 không tăng, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 40%, cao hơn 2 lần so với Ba Lan.

Nhiều chuyên gia tin rằng Việt Nam sẽ tiếp tục thành công. Kinh tế Việt Nam liên tục tăng trưởng, từ 5,2% năm 2012 lên 5,4% năm 2013 và 6% năm 2014. Consensus Economics dự đoán tốc độ tăng trưởng năm nay đạt 6,1% và 6,2% trong năm 2016.

Dominic Scriven, Giám đốc điều hành Dragon Capital, thậm chí dự đoán, kinh tế Việt Nam tăng trưởng 6,5% trong năm nay và “gần 7%” trong năm 2016. “Đây là nền kinh tế duy nhất tôi biết có mức tăng trưởng như vậy”, ông Scriven nói.

Theo giới phân tích, thành công của Việt Nam là nhờ thu hút được các doanh nghiệp, nhà máy sản xuất và công việc cần chi phí lao động thấp từ Trung Quốc.

Gareth Leather, chuyên gia kinh tế về khu vực châu Á tại Capital Economics, cho rằng, mức lương tại Trung Quốc không còn hấp dẫn, cùng với sự thay đổi trong chiến lược xây dựng chuỗi cung ứng của nước này đã khiến các ngành sản xuất như dệt may hay lắp ráp di chuyển sang các khu vực khác, chủ yếu vẫn ở châu Á.

Tuy các nước khác trong khu vực như Bangladesh và Campuchia cũng đang nỗ lực thu hút các doanh nghiệp dịch chuyển từ Trung Quốc, song Việt Nam có lợi thế hơn về địa lý, cũng như hệ thống chính trị ổn định và cách quản lý điều hành có nhiều điểm tương đồng với Trung Quốc.

Bên cạnh đó,, ông Scriven cũng chỉ ra rằng tỷ lệ nữ giới tham gia lực lượng lao động của Việt Nam cao hơn 75% so với các nước Bangladesh và Ấn Độ.

Ông Leather nhận định công nghiệp hóa của Việt Nam sẽ còn tiến xa hơn nữa nhờ nguồn lao động dồi dào từ nông thôn lên thành thị và các nhà máy tìm việc. Điều này khiến chi phí lao động vẫn có thể được duy trì ở mức hấp dẫn.

Việt Nam cũng đang là nước xuất khẩu lớn điện thoại di động và sản phẩm dệt may, mỗi ngành chiếm 1/6 tổng doanh thu, và là nước xuất khẩu sản phẩm giày dép lớn thứ 2 thế giới, theo Dragon Economics.

Mặc dù xuất khẩu cao su Việt Nam đang gặp khó khăn do tăng trưởng kinh tế toàn cầu ảm đạm, nhưng xuất khẩu các hàng hóa khác như gạo, cà phê, tôm, hạt điều và hồ tiêu, tiếp tục tăng trưởng tốt, thậm chí vượt qua các đối thủ trong khu vực những năm qua.

Dù từ đầu năm đến nay, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam chậm lại do thương mại toàn cầu giảm tốc, nhưng kết quả vẫn tốt hơn so với nhiều nền kinh tế khác.

Ông Leather nhận định nền kinh tế Việt Nam là một ngoại lệ khi xuất khẩu của nhiều thị trường mới nổi khác suy giảm qua từng năm, nhưng xuất khẩu Việt Nam - tuy có chậm lại - vẫn tăng trưởng 2 con số.

Số liệu của Trading Economics cho thấy, xuất khẩu tháng 8/2015 của Việt Nam đạt kỷ lục 14,5 tỷ USD, cao hơn nhiều so với mức kỷ lục trước đó 6 tỷ USD năm 2010.

Bất chấp những biến động của kinh tế toàn cầu, ông Scriven dự đoán nền kinh tế Việt Nam còn tăng trưởng mạnh hơn nữa nhờ những hiệp định thương mại tự do với Liên minh Châu Âu (EU) hay Hiệp định Kinh tế Đối tác Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), có thể giúp GDP Việt Nam tăng thêm 1 điểm phần trăm mỗi năm.

Về động thái phá giá nhân dân tệ của Trung Quốc, ông Scriven cho rằng Việt Nam sẽ được hưởng lợi khi thâm hụt thương mại 15% với Trung Quốc khiến giá hàng hóa nguyên vật liệu nhập khẩu rẻ hơn.

Theo Dragon Capital, tốc độ tăng trưởng ổn định đã giúp Việt Nam thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Những năm gần đây, lượng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng mạnh. Thống kê của fDi Markets cho thấy, dù tăng trường chưa thực sự đột phá từ đầu năm đến nay, song Việt Nam vẫn nằm trong số ít các nền kinh tế mới nổi không có suy giảm về đầu tư FDI.

Ngoài ra, Giám đốc Scriven cũng đánh giá rất tích cực về thị trường chứng khoán Việt Nam, hiện vẫn đang thấp hơn 50% so với mức đỉnh lập năm 2007. Chứng khoán Việt Nam hiện được đánh giá là có mức giá hấp dẫn hơn so với các thị trường khác trong khu vực, xét theo hệ số P/E và P/B.

Tăng trưởng kinh tế và giá trị cổ phiếu đang ở mức hấp dẫn sẽ thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam đi lên.

Chính phủ Việt Nam mới đây đã nới room khối ngoại lên 100%, trừ một số ngành nhạy cảm. Như vậy, về lý thuyết, Việt Nam đang trên đà bùng nổ cổ phần hóa - yếu tố then chốt trong công cuộc cải cách kinh tế.

Theo Dragon Capital, khoảng 430 doanh nghiệp với giá trị sổ sách 28 tỷ USD đã, đang và sẽ được cổ phần hóa trong giai đoạn 2014-2016. Tuy nhiên, việc chỉ có 100 công ty với giá trị 3 tỷ USD được cổ phần hóa năm 2014 cùng với tình hình suy giảm thu hút đầu tư nước ngoài tại các quốc gia mới nổi đang khiến nhiều chuyên gia lo ngại về mục tiêu cổ phần hóa 430 doanh nghiệp trên.

Bất chấp điều đó, ông Scriven vẫn tự tin về khả năng hoàn thành kế hoạch của chính phủ Việt Nam. Theo ông, sự chậm trễ trên chủ yếu là do các vướng mắc về thủ tục, pháp lý hơn là do ảnh hưởng từ nền kinh tế.

Mặc dù vậy, kinh tế Việt Nam cũng có những rủi ro. Gareth Leather, chuyên gia kinh tế về khu vực châu Á tại Capital Economics, chỉ ra rằng, trước đây, những yếu kém trong quản lý cùng chính sách nới lỏng tiền tệ đã thúc đẩy làn sóng cho vay vào những dự án kém chất lượng, đẩy tỷ lệ lạm phát lên cao và làm tăng bong bóng tài sản.

Theo ông Leather, hiện nền kinh tế Việt Nam đang trong giai đoạn đầu của việc hình thành các bong bong tài sản, trong khi tài khoản vãng lai của Việt Nam đã chuyển từ mức thặng dư sang thâm hụt 4,4% GDP và dự trữ ngoại hối vẫn ở mức thấp, chỉ tương đương với 3 tháng nhập khẩu tính đến cuối năm 2014.

Bên cạnh đó, Ngân hàng nhà nước Việt Nam đã phải giảm giá tiền đồng vài lần từ đầu năm đến nay với tổng mức giảm 4,4% so với đồng USD. Lạm phát tại Việt Nam cũng có khả năng bùng phát trở lại khiến chính phủ phải nâng lãi suất.

Đặc biệt, với tỷ lệ nợ xấu 15%, ông Leather cảnh báo ngành ngân hàng Việt Nam có thể lặp lại tình trạng tồi tệ như năm 2011.

Ông Scriven cũng thừa nhận việc đầu tư tại Việt Nam không hoàn toàn dễ dàng. Hãng Dragon Capital đã đầu tư vào Việt Nam 21 năm và họ đã có 3 lần gặp khó khăn do khủng hoảng kinh tế. Trong 5 năm gần đây, tình hình tại thị trường Việt Nam không hoàn toàn khả quan như Dragon Capital mong muốn, nhưng những gì mà nền kinh tế Việt Nam đang thể hiện vào lúc này cho thấy việc đầu tư vào đây đã bắt đầu thu được lợi ích như kỳ vọng.

 

Nhật Trường/ Nhipcaudautu.vn