clock

Tài Chính

05:24 12-04-2016

Việt Nam khó giảm còn 15 ngân hàng vào năm 2017

Theo Ngân hàng Thế giới, công cuộc tái cơ cấu ngân hàng tại Việt Nam vừa qua đạt được nhiều tiến bộ, nhưng khó đạt mục tiêu giảm còn 15-17 ngân hàng từ 34 đơn vị vào năm 2017.

Trong Báo cáo tình hình kinh tế Việt Nam 2016 vừa được Ngân hàng Thế giới công bố, cơ quan này đánh giá kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang được duy trì ổn định và bền vững về cơ bản.

Tuy nhiên, với tình trạng nợ công tăng nhanh khi dự trữ ngoại tệ thấp và trong xu thế giảm là đáng quan ngại.

Nợ công Việt Nam tăng nhanh.

Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới, nợ công và nợ Chính phủ bảo lãnh đã đạt mức 62,5% GDP vào năm 2015, trong khi vào năm 2014 mới chỉ là 59,6%.

"Do vậy, khoản nợ này có thể sẽ nhanh chóng chạm trần quy định 65%. Chính phủ cần đưa ra các biện pháp thích hợp để củng cố tình hình tài khoản trung hạn", báo cáo nêu rõ.

Hiện tại, kết quả tái cơ cấu kinh tế của Việt Nam được đánh giá là "lẫn lộn", khi có nhiều mảng đã bắt đầu thực hiện nhưng tốc độ chậm, do thị trường yếu và Chính phủ chần chừ, chưa muốn bán doanh nghiệp làm ăn tốt.

Riêng về việc tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, Ngân hàng Thế giới đánh giá công cuộc này đã đạt được một số tiến bộ, đã thực hiện được một số thương vụ tốt .

Tuy nhiên, với tốc độ hiện tại, mục tiêu chỉ còn 15-17 ngân hàng từ con số 34 đơn vị hiện tại vào năm 2017 là "rất khó thực hiện".

Trong khi đó, nợ xấu giảm vì chuyển dịch sang VAMC, thay vì được xử lý triệt để trong lòng các ngân hàng, nên vẫn tổn tại rủi ro cho nguồn vốn.

theo Zing