clock

Trong Nước

14:46 03-02-2024

Việt Nam sở hữu ‘sản vật’ được Trung Quốc tăng nhập khẩu gấp 34 lần: Thu về hàng trăm triệu USD năm 2023, Campuchia, Mỹ đặc biệt ưa chuộng

Kho báu này của Việt Nam có sản lượng hơn 200.000 tấn mỗi năm.

Việt Nam sở hữu ‘sản vật’ được Trung Quốc tăng nhập khẩu gấp 34 lần: Thu về hàng trăm triệu USD năm 2023, Campuchia, Mỹ đặc biệt ưa chuộng- Ảnh 1.

Ảnh minh họa

Theo số liệu từ Tổng cục Thống kê, Việt Nam sở hữu một ‘kho báu’ dưới nước chính là các nhuyễn thể có vỏ. Hiện có trên 41.500 ha nuôi nhuyễn thể (chủ yếu là nhuyễn thể hai mảnh vỏ) với sản lượng khoảng 265.000 tấn/năm, trong đó nghêu (ngao) đạt 179.000 tấn/năm. Chuỗi giá trị ngành hàng nhuyễn thể đang tạo công ăn việc làm cho khoảng 200.000 lao động.

Theo thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP), Năm 2023, xuất khẩu các sản phẩm nhuyễn thể có vỏ của Việt Nam đạt 127 triệu USD, giảm 12%. Các loài nhuyễn thể có vỏ chủ lực của Việt Nam gồm nghêu chiếm 62% giá trị, ốc chiếm 12%, hàu chiếm 11%, điệp chiếm gần 9%. Ngoài ra, còn có một số loài khác bao gồm sò, hến, bào ngư, vẹm.

Nghêu là sản phẩm có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất trong các sản phẩm nhuyễn thể với gần 79 triệu USD, giảm 17% so với năm 2022. Nghêu hấp đông lạnh (mã HS 16055600) là sản phẩm xuất khẩu chính với giá trị 72 triệu USD. Riêng đối với nghêu hấp đông lạnh tại châu Âu, sản phẩm từ Việt Nam luôn đứng số 1, chiếm thị phần chi phối từ 40-80% ở các thị trường chính.

Việt Nam sở hữu ‘sản vật’ được Trung Quốc tăng nhập khẩu gấp 34 lần: Thu về hàng trăm triệu USD năm 2023, Campuchia, Mỹ đặc biệt ưa chuộng- Ảnh 2.

Nguồn: Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP)

 
 

Nghêu Việt Nam xuất sang 3 thị trường chính là Italy, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha, chiếm tổng cộng 66% tỷ trọng. Mỹ là thị trường nhập khẩu nghêu lớn thứ 4 của Việt Nam, giảm 16%. Đáng chú ý trong năm 2023, xuất khẩu nghêu sang Trung Quốc và Campuchia đã chứng kiến mức tăng đột phá. Cụ thể xuất sang Trung Quốc tăng gấp 34 lần, sang Campuchia tăng gấp gần 16 lần so với năm 2022. Hai nước này nhập khẩu chủ yếu là nghêu lụa sống từ Việt Nam. Ngoài nghêu, Trung Quốc còn nhập ốc hương và hàu sống từ Việt Nam.

Hàu là sản phẩm xuất khẩu có tăng trưởng đột phá trong năm 2023, với mức tăng 56% đạt trên 14 triệu USD, chủ yếu là hàu tươi, ướp lạnh. Trong đó riêng thị trường Đài Loan (TQ) tiêu thụ trên 77% với giá trị gần 11 triệu USD, tăng 26% so với năm 2022. Ngoài ra Việt Nam còn xuất khẩu hàu tươi ướp lạnh sang Lào, Campuchia, Nhật Bản…

Đối với ốc, Việt Nam xuất khẩu chủ yếu là ốc bươu, ốc hương đông lạnh, ngoài ra còn có ốc len, ốc giác và các loại thịt ốc. Năm 2023, xuất khẩu các sản phẩm từ ốc đạt gần 16 triệu USD, giảm 6%. Các thị trường tiêu thụ chính gồm Nhật Bản, Mỹ, Trung Quốc, Hàn Quốc. Theo VASEP, xuất khẩu ốc sang hầu hết các thị trường đều giảm so với năm 2022, trừ Hàn Quốc tăng 47% với sản phẩm chính là ốc bươu và ốc biển.

Theo dự báo của các chuyên gia kinh tế, trong thời gian tới, nhu cầu của thị trường quốc tế đối với mặt hàng nghêu sẽ tiếp tục tăng. Hiện nay, Việt Nam đã xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ sang 56 thị trường, trong đó, 6 thị trường nhập khẩu lớn nhất là EU, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, ASEAN và Trung Quốc chiếm tới 90% tổng giá trị xuất khẩu nhuyễn thể hai mảnh vỏ của Việt Nam. EU là thị trường dẫn đầu, chiếm 66% tổng giá trị xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam.

Theo nhịp sống thị trường