clock

Thị Trường

14:16 29-12-2022

Việt Nam tiêu thụ gần 50 tấn vàng trang sức mỗi năm

Theo Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TP.HCM (SJA), giai đoạn 1991-2021, cả nước sản xuất và tiêu thụ gần 50 tấn vàng trang sức mỹ nghệ mỗi năm. Riêng TP.HCM đã tiêu thụ gần 40 tấn.

Đây là số liệu được Hội Mỹ nghệ Kim hoàn TP.HCM (SJA) tổng hợp từ nhiều nguồn gồm Hội đồng Vàng Thế giới tại Việt Nam, các doanh nghiệp có hàng xuất nhập khẩu… được đưa ra trong báo cáo tổng kết 30 năm hoạt động.

Cụ thể, theo SJA, với mặt hàng vàng trang sức mỹ nghệ, hoạt động sản xuất và tiêu thụ những năm gần đây đều tăng. Trong giai đoạn 1991-2021, cả nước sản xuất và tiêu thụ ước gần 50 tấn vàng trang sức mỹ nghệ mỗi năm. Trong đó, riêng TP.HCM đã tiêu thụ hơn 80%, tương đương khoảng 40 tấn vàng/năm.

Trong hoạt động xuất khẩu, gần đây, doanh thu vàng trang sức từ thị trường này đạt khoảng 20-30 triệu USD/năm. Trong đó, vàng nữ trang Việt Nam được xuất sang nhiều thị trường lớn như Đức, Đan Mạch, Pháp... Riêng với thị trường Mỹ, vàng trang sức chủ yếu được đưa qua bằng con đường gia công tạm nhập tái xuất hoặc xách tay với số lượng không nhiều, với đối tác là Việt kiều.

Theo SJA, hiện năng lực sản xuất của TP.HCM vào khoảng 11 triệu sản phẩm/năm, tương đương gần 40 tấn vàng/năm.

Với mặt hàng vàng nguyên liệu, vàng ký cả nước nhập khẩu và tiêu thụ khoảng 1.000 tấn trong giai đoạn 1991-2012. Riêng TP.HCM tiêu thụ khoảng 80% số lượng vàng nhập khẩu vào Việt Nam, tương đương 800 tấn.

Đánh giá về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng từ năm 1991 đến nay, SJA cho biết từ khi Nghị định 24/2012 của Chính phủ và Thông tư 16/2012 của Ngân hàng Nhà nước về quản lý hoạt động kinh doanh vàng có hiệu lực, công tác quản lý, điều hành hoạt động kinh doanh vàng đã đạt được kết quả tích cực, góp phần ổn định thị trường vàng trong nước.

Với các quy định này, thị trường vàng đã được tổ chức, sắp xếp lại, hoạt động kinh doanh mua, bán vàng miếng diễn ra minh bạch, thông suốt, không còn những cơn sốt giá vàng miếng như trước. Tính hấp dẫn của vàng miếng và hoạt động đầu cơ vào vàng miếng cũng giảm đáng kể, mạng lưới kinh doanh vàng miếng cũng được thu hẹp mạnh.

Theo SJA, hiện nhu cầu vốn để đầu tư nhà xưởng, thiết bị công nghệ và vốn lưu động của các doanh nghiệp vàng trong nước là rất lớn, vào khoảng 32.000 tỷ đồng/năm. Tuy nhiên, nhu cầu vốn này lại gặp nhiều khó khăn, vì các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng trang sức, mỹ nghệ chưa được phép nhập khẩu vàng nguyên liệu và chưa được vay vốn ngân hàng để sản xuất, kinh doanh vàng.

Với thị trường vàng, từ tháng 5/2012 đến nay, việc NHNN không cấp phép cho doanh nghiệp nhập khẩu vàng nguyên liệu 99,99% nhằm chống nhập siêu, chống lạm phát, dẫn đến tình hình sản xuất, kinh doanh vàng bạc đá quý không thuận lợi, giá vàng bạc không bắt nhịp với thị trường thế giới, thoát khỏi dự đoán của các nhà đầu tư, doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh vàng.

Có thời điểm giá vàng trong nước biến động mỗi ngày 5-7 giá, chênh lệch từ 200.000 đồng đến 7 triệu đồng/lượng vàng 99,99%.

Bên cạnh đó, từ cuối năm 2018 đến nay, do dịch bệnh Covid-19 cũng khiến nhiều cơ sở sản xuất, thợ kim hoàn gặp khó khăn, thị trường sụt giảm ảnh hưởng trực tiếp đến doanh nghiệp và thợ kim hoàn.

Điều này dẫn tới không ít doanh nghiệp kinh doanh vàng, thợ kim hoàn đóng cửa, chuyển sang nghề khác, chỉ doanh nghiệp vốn lớn, có kinh nghiệm thị trường, sản xuất sản phẩm hàng loạt, ít chi phí, hạ giá thành mới trụ được, còn các doanh nghiệp nhỏ đều gặp khó khăn.

Trước thực trạng này, SJA cũng kiến nghị cần có các chính sách để thúc đẩy ngành nữ trang phát triển, nhất là phải xem ngành vàng bạc, đá quý là một ngành kinh tế, kỹ thuật, để có chủ trương chiến lược và công cụ quản lý về nguồn nhân lực, thiết bị công nghệ, đầu tư tài chính.

Đặc biệt, SJA cho rằng chính sách tín dụng của ngân hàng phải bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc đá quý.

Theo Zing