Văn Hóa
01:19 15-07-2020Vợ chồng thu nhập 30 triệu/tháng, vay ngân hàng 1 tỷ mua nhà, sau 2 năm phải bán gấp để mua căn hộ ít tiền hơn nhưng mọi việc vẫn không như ý
Riêng việc mua nhà, vợ chồng trẻ phải tính toán thật cẩn thận, đừng để vừa mua nhà đã phải bán gấp vì trả nợ ngân hàng như vợ chồng Minh - Nguyệt.
Anh Minh và chị Nguyệt, 29 tuổi quê ở Nam Định mới kết hôn chỉ gần 3 năm nay. Tuy đều có công ăn việc làm ổn định tại Hà Nội và đang có nhà chung cư nhỏ để ở, song mỗi khi nhắc tới chuyện mua nhà, vợ chồng trẻ này đều lắc đầu và tỏ ý mệt mỏi.
Theo chị Nguyệt tâm sự, 3 năm trước vợ chồng chị kết hôn với nhau. Vì không muốn phải đi ở trọ, lại sẵn có thu nhập ổn định mỗi tháng, nên hai người quyết định mua 1 căn chung cư trả góp: "Mình làm Seo cho một công ty nên lương tháng tầm 12 triệu đồng. Còn chồng cũng làm sale của một công ty dược phẩm, thu nhập của anh khoảng 18 triệu đồng. Tổng thu nhập của 2 đứa được khoảng 30 triệu đồng/tháng".
Thấy có thu nhập ổn định, vợ chồng chị Nguyệt quyết định mua chung cư ở. Tuy nhiên những căn hộ chung cư giá tầm 1 tỷ đổ về thường ở ngoại thành, đi lại khá xa phải mất cả tiếng đồng hồ. Những căn hộ trong nội đô, tiện đi lại thì có giá khoảng hơn 2 tỷ, chưa phù hợp với số tiền đang có của vợ chồng chị.
"Cuối cùng cả 2 quyết định mua 1 căn chung cư 80m2 với giá 2,3 tỷ 3 phòng ngủ tại một quận nội đô Hà Nội. Lúc ấy 2 vợ chồng chỉ nghĩ đơn giản là, 2 đứa sẽ có con nhỏ nên cần bà lên chăm sóc giúp. Rồi em gái chồng cũng lên học đại học ở. Căn 3 phòng ngủ như vậy sẽ tiện lợi cho sinh hoạt hơn", chị Nguyệt nói.
Sau khi quyết định mua chung cư, vợ chồng chị Nguyệt về gom tiền được 500 triệu. Bố mẹ 2 bên nội ngoại mỗi bên hỗ trợ cho 2 con 250 triệu nữa. Tổng vợ chồng chị có 1 tỷ đồng: "Anh rể mình cho vay thêm 300 triệu không tính lãi.
Song anh yêu cầu mỗi tháng vợ chồng mình gửi về quê cho mẹ anh 6 triệu để lo tiền thuốc thang cho bố anh đang bị bệnh ở quê. Số tiền này cứ gửi về vậy cho đến khi hết số tiền 300 triệu kia.
Còn 1 tỷ thì vợ chồng mình vây ngân hàng trong thời hạn 20 năm (240 tháng), lãi suất ưu đãi trong 12 tháng đầu tiên là 8,29%/năm (tương đương 0,69%/tháng); lãi suất sau thời gian ưu đãi là 10,5%/năm (tương đương 0,875%/tháng).
Do đó tổng số tiền lãi khoảng 8,3 triệu đồng và tiền gốc 4,1 triệu. Nói chung vợ chồng mình phải thanh toán hàng tháng tổng cộng dao động từ hơn 11 đến hơn 12 triệu/tháng tùy từng thời điểm".
Từ khi quyết định mua nhà, vợ chồng chị Nguyệt vẫn khá vui vẻ và chưa thấy áp lực: "Ban đầu vợ chồng mình đều nghĩ không sao hết. Hàng tháng trả nợ ngân hàng 12,4 triệu đồng + 6 triệu đồng gửi về quê trả anh rể là 18,4 triệu đồng. Tính ra vợ chồng vẫn còn khoảng hơn 11 triệu để chi tiêu cả gia đình. Dù không quá thoải mái song vẫn sẽ trả nợ tiền nhà được".
Tuy nhiên, mọi dự tính của vợ chồng trẻ này dần bị phá sản trong các tháng tiếp theo khi chị Nguyệt gặp tai nạn, con nhỏ cũng thường xuyên đau yếu: "Vừa trả nợ mua nhà được khoảng 1 năm thì biến cố gia đình ập đến.
Một lần đi làm về, mình bị tai nạn khá nặng. Nằm viện cả tháng khiến vợ chồng mình tốn cả gần 2 trăm triệu đồng. Chưa kể, con nhỏ lại thường xuyên đau ốm, phải đi khám, thuốc thang liên tục rất tốn kém.
Vợ chồng mình liêu xiêu vay mượn người thân và còng lưng trả nợ ngân hàng. Chúng mình cũng nhận ra cả hai không có bất cứ 1 khoản dự phòng nào cho những tình huống bất ngờ như thế này".
Sau khi từ viện về, dù vẫn đi làm nhưng do nợ nần chồng chất nên vợ chồng chị Nguyệt cắt giảm tất cả các khoản chi tiêu:
"Chúng mình không cho con đi du lịch, đi chơi như trước, chi tiêu gia đình cũng cắt giảm thấp nhất. Vợ chồng cũng ra sức đi làm thêm để trả nợ. Quá mệt mỏi và áp lực, sau 2 năm vợ chồng mình quyết định bán căn chung cư đang ở để mua 1 căn hộ rẻ hơn. Cuối cùng chúng mình đã bán căn hộ này với giá 2,3 tỷ".
Ngay khi bán chung cư xong, vợ chồng chị Nguyệt quyết định mua căn hộ 50m2 ở xa trung tâm Hà Nội khoảng 10km với giá 1 tỷ đồng. Số tiền còn lại chị dành trả nợ hết cả gốc và lãi cho ngân hàng, trả nợ cho anh rể: "Trả nợ hết, vợ chồng mình mới thấy bình yên, cuộc sống cũng thoải mái hơn dù sống trong căn hộ chật chội hơn và phải đi làm xa hơn".
Tuy nhiên, dù mới chuyển đổi xuống ở chung cư giá rẻ khoảng 1 năm trở lại đây nhưng chị Nguyệt lại thấy bắt đầu chán ngán.
Nguyên nhân vì chung cư nhà chị Nguyệt có vẻ xuống cấp nhanh chóng khi nước thường xuyên bị rò rỉ, các hạng mục nhìn bên ngoài có vẻ khang trang, đẹp mắt nhưng khi bước vào trong thì thang máy rung lắc, nhiều lúc dừng lại đột ngột, phải đợi lâu 15 phút cho mỗi lần di chuyển, cửa gỗ nứt, các hạng mục bắt đầu bong tróc.
"Sống ở chung cư như này nhiều lúc vừa lo lắng vừa thấy ngán ngẩm quá. Vợ chồng mình đang tìm xem có chỗ nào để mua không nhưng rậm rịch mãi vẫn chưa bán được căn hộ này.
Tuy nhà mình chưa chính thức rao bán nhưng thấy nhiều người tại đây chấp nhận bán giá chênh chỉ vài chục triệu, kèm thêm khuyến mãi nội thất, tặng phí bảo trì… thậm chí bán bằng giá gốc nhưng vẫn không ai ngó ngàng.
Vì thế, mình cứ ngó nghiêng thêm xem sao, nếu có dự án nào sắp ra giá ổn ổn thì bán lỗ một chút mình cũng sẽ phải bán để mua hoặc gom tiền rồi tính sau vậy", chị Nguyệt thở dài.
Chia sẻ về sai lầm mua chung cư, chị Nguyệt lắc đầu: "Nếu có dự định mua nhà chung cư, tốt nhất khi mua, mọi người phải lên kế hoạch cân đối ngân sách tài chính của vợ chồng thật kỹ càng, nhất là bớt lại khoản dự phòng để khi gặp biến cố không rơi vào tình trạng chán nản, áp lực và khó khăn như vợ chồng mình.
Ngoài ra khi mua chung cư, phải tìm hiểu thật tỉ mỉ, đừng nóng vội mà mua phải chung cư xuống cấp quá nhanh do cơ sở hạ tầng tệ, hoặc các chung cư không đảm bảo về an toàn PCCC, điện nước... vì ở những chung cư này cứ thấp thỏm, chưa kể khi bán đi sẽ bị dìm giá hoặc ít khách mua".
Tin liên quan
- Cháy lớn ở Hà Nội, người dân leo lên mái tôn chạy lửa trong đêm
- Đón hè rực rỡ với giải golf SAM Tuyen Lam Summer Championship 2024
- Thứ chất lỏng đắt đỏ nhất thế giới, 1 lít có giá tới 10 triệu USD: Nhắc tên đã thấy nguy hiểm, nhưng được dùng để cứu sống hàng triệu người
- Một nhà hàng ở ngoại thành Hà Nội có view đẹp, báo Mỹ cũng khen hết lời