clock

Tài Chính

01:14 15-07-2020

Vốn hóa TTCK Trung Quốc chuẩn bị cán mốc 10 nghìn tỷ USD lần đầu tiên kể từ thời điểm bong bóng nổ tung

Nhà đầu tư Trung Quốc đã chờ đợi đến 5 năm để vốn hóa thị trường trở lại mức 10 nghìn tỷ USD, đây là cột mốc sẽ đánh dấu đà hồi phục mạnh mẽ sau mức giảm tồi tệ nhất trong lịch sử.

Tin tốt lành ở đây là thị trường chứng khoán Trung Quốc có thể sẽ chạm đến con số này trong tuần này, ngay cả khi chỉ ghi nhận mức tăng chậm – vốn được Bắc Kinh khuyến khích. Theo dữ liệu do Bloomberg tổng hợp vào ngày 13/7, vốn hóa của thị trường chứng khoán Trung Quốc đã chạm mức 9,3 nghìn tỷ USD sau đà tăng phi mã ở tháng này.

Diễn biến tích cực này đã đưa 2 chỉ số lớn lên mức đỉnh hồi năm 2015 và giúp hầu hết các chỉ số tham chiếu tại thị trường nước này trở nên "nóng hơn". Tính theo đồng nội tệ, vốn hóa của thị trường khoán Trung Quốc đã chạm mức kỷ lục là 68 nghìn tỷ CNY.

Tuy nhiên, con số 10 nghìn tỷ USD cũng đánh dấu mức đỉnh của "quả bong bóng" được thổi phồng cách đây 5 năm. Đây là một kỷ niệm đau buồn, chưa nguôi ngoai với các nhà đầu tư. Sự tương đồng giữa hiện tại và năm 2015 đã khiến các nhà hoạch định chính sách lo ngại, theo đó họ đã phải đưa ra những động thái để kiềm chế đà tăng của thị trường.

Các cổ phiếu vốn hóa lớn trên sàn Thượng Hải đã sụt giảm mạnh hôm thứ Sáu, sau khi 2 quỹ đầu tư nhà nước cho biết họ đang có kế hoạch bán cổ phiếu.

Và trong khi các phương tiện truyền thông nhà nước vẫn cổ vũ sự xuất hiện của "con bò", thì một bài bình luận được đăng tải hôm thứ Hai cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của một thị trường chứng khoán với đà tăng "lành mạnh."

Vốn hóa TTCK Trung Quốc chuẩn bị cán mốc 10 nghìn tỷ USD lần đầu tiên kể từ thời điểm bong bóng nổ tung - Ảnh 1.

Vốn hóa của thị trường chứng khoán Trung Quốc chuẩn bị cán mốc 10 nghìn tỷ USD lần đầu tiên kể từ năm 2015.

Bất chấp những lời cảnh báo, sự hứng khởi của nhà đầu tư vẫn ở mức cao. Chỉ số CSI 300 tiếp tục dao động vào đầu phiên 14/7, có lúc tăng tới 0,2%.

Hao Hong đến từ Bocom International Holdings Co. – một trong số ít người dự đoán đúng về sự khởi đầu và đỉnh điểm của đà bùng nổ gần nhất của thị trường chứng khoán Trung Quốc, cho biết thị trường khó có thể chạm mức 10 nghìn tỷ USD ở lần này.

Hong – trưởng phòng nghiên cứu của Bocom, viết trong một lưu ý: "Xu hướng đi lên hiện vẫn còn. Những lời khuyến khích từ giới chức Trung Quốc vẫn là yếu tố thúc đẩy thị trường. Điều này giúp nâng cao tâm lý thị trường, củng cố sự quyết tâm của nhà đầu tư trong nước và hoạt động rót vốn vào các ngành mới, sáng tạo."

Trong khi đó, các nhà phân tích của China International Capital Corp. lại dự đoán rằng thị trường sẽ tăng gấp đôi giá trị sau ít nhất 5 năm.

Tháng 6/2015, vốn hóa của thị trường chứng khoán Trung Quốc lần đầu tiên vượt qua mốc 10 nghìn tỷ USD, khi nhà đầu tư đổ tiền vào cổ phiếu bằng việc sử dụng vốn đi vay. Sự sụp đổ diễn ra trong 3 tháng đã khiến 5,2 nghìn tỷ USD vốn hóa "bốc hơi", khi nhà đầu tư ồ ạt thực hiện giao dịch ký quỹ.

Còn ở lần này, giới chức Trung Quốc dường như muốn thúc đẩy một thị trường tăng giá ổn định. Vốn hóa chạm mức 1,33 nghìn tỷ CNY vào hôm thứ Hai, và tỷ lệ đòn bẩy chỉ bằng một nửa so với mức đỉnh hồi năm 2015, trong khi mức định giá vẫn còn tương đối thấp so với các thị trường khác trên toàn cầu.

Ngoài ra, đà tăng của thị trường chứng khoán Trung Quốc cũng trùng hợp với thời điểm Trung Quốc đưa ra những động thái thúc đẩy sự cải cách của thị trường, chẳng hạn như kế hoạch đưa các cổ phiếu niêm yết trong chỉ số công nghệ Star vào rổ Shanghai Composite Index.

Dẫu vậy, các cổ phiếu "nóng" nhất thị trường Trung Quốc đang gặp biến động ở phiên chiều 14/7, cho thấy đà tăng 1,5 nghìn tỷ USD dường như chưa thể đạt được trong thời gian ngắn. Chỉ số ChiNext đã rớt 3,3% ở phiên này, dẫn đầu đà giảm của các chỉ số tham chiếu lớn.

Dai Ming, một nhà quản lý quỹ tại Hengsheng Asset Management Co., cho hay: "Xu hướng giảm điểm của các quỹ chỉ số lớn là dấu hiệu cho thấy Trung Quốc muốn thị trường hạ nhiệt một chút. Các nhà hoạch định chính sách muốn thấy một thị trường tăng giá từ từ, phù hợp với tốc độ phục hồi kinh tế."