clock

Doanh Nghiệp

09:24 23-02-2023

"Vua gốm sứ" Minh Long: Thị trường Việt Nam khó tính hơn xuất khẩu, muốn giá thấp nhưng chất lượng cao

Bí quyết nào giúp gốm sứ Minh Long không chỉ chinh phục những "ông chủ" trong nước mà còn tạo được vị thế tại các thị trường nổi tiếng như Đức, Pháp, Hà Lan, Tiệp Khắc, Mỹ, Nhật Bản?

 Vua gốm sứ Minh Long: Thị trường Việt Nam khó tính hơn xuất khẩu, muốn giá thấp nhưng chất lượng cao  - Ảnh 1.

"Không ai biết rằng thị trường Việt Nam khó tính hơn thị trường xuất khẩu" , nghệ nhân Lý Ngọc Minh - ông chủ thương hiệu Gốm sứ Minh Long đã chia sẻ như vậy trong chương trình 5W1H.

Ông nhớ lại cuộc gặp gỡ với Giám đốc thương mại của một nhà sản xuất lớn - chuyên sản xuất máy móc, tư vấn công nghệ cho các doanh nghiệp trên toàn thế giới, trong một lần thăm quan máy móc tại Minh Long. 

Sau khi chào hỏi, câu đầu tiên vị này nói với ông Lý Ngọc Minh rằng:"Tôi không hiểu, sao ông Minh chọn cách sản xuất chất lượng cao như chúng tôi. Men của ông trắng hơn, đất của ông tốt hết rồi, những người đang phân loại của ông lại chọn rất khắt khe, chọn loại 1. Nếu là chúng tôi, thì sẽ không giải quyết được, giá thành cao".

Câu chuyện đặt ra là ở một đất nước chưa quá phát triển như Việt Nam, người tiêu dùng là người chủ mua sắm, ngân sách ít mà ông Minh phải làm 2 công việc khó cùng lúc: sản xuất giá thành thấp nhưng chất lượng cao.

 Vua gốm sứ Minh Long: Thị trường Việt Nam khó tính hơn xuất khẩu, muốn giá thấp nhưng chất lượng cao  - Ảnh 2.

Nhà sáng lập gốm sứ Minh Long chỉ kết luận một câu với vị khách: " Là vì mình không có cách khác. Ông chủ (khách hàng) của mình chỉ có nhiêu đó tiền, thị trường muốn vậy, tôi đâu có cách khác".

Để vừa chinh phục những "ông chủ" trong nước, vừa tạo được vị thế tại các thị trường nổi tiếng như Đức, Pháp, Hà Lan, Tiệp Khắc, Mỹ, Nhật Bản thì công nghệ nung một lần lửa trên nhiệt độ 1.380 độ C được coi như "vũ khí" tối quan trọng của Minh Long.

Thắng vì bền trí hơn các "ông lớn"

Trong nghề gốm sứ, nhiệt độ nung tạo ra sự khác biệt. Thời khởi đầu, ông chủ Minh Long tìm hiểu, Đức là quốc gia có công nghệ cao nhất, các doanh nghiệp đốt sản phẩm ở 1.360 độ C, cá biệt một vài hãng nung tới 1.380 độ C. Trong khi đó, các nước khu vực châu Á mới đạt mức trên dưới 1.300 độ C, đốt ra sứ.

"Việc khó làm cho mình tò mò và muốn đeo đuổi. Khi thăm dò từ Nhật, Italia, Pháp, Anh, Đức thì công nghệ nung ở nhiệt độ cao có ít hãng làm được. Nhưng cũng vì thế mà các hãng này được tôn vinh là số 1, như Rosenthal thời điểm đó".

Vì thế mà ông Ngọc Minh chọn chinh phục mức cao nhất, nung ở 1.380 độ C. Nhưng để đạt được nhiệt độ nung 1.380 độ C, cần có lò đốt. Nhà cung cấp khi ấy là Riedhammer, không đơn giản mà bán một cái lò cho khách, không phải ai muốn mua cũng bán. Họ đặt yêu cầu nhà sáng lập Minh Long phải chứng minh sản phẩm của mình đốt ở nhiệt độ lò 1.380 độ C.

 Vua gốm sứ Minh Long: Thị trường Việt Nam khó tính hơn xuất khẩu, muốn giá thấp nhưng chất lượng cao  - Ảnh 3.

Khách tham quan sản phẩm gốm sứ Minh Long tại Hội chợ Ambiente Frankfurt (Ambiente) 2023

Ông Ngọc Minh đi về, bỏ cả năm trời tự làm lò thí nghiệm nhỏ, chỉ nung đúng một chiếc ly. Sau khi thành công, ông gửi cho Riedhammer kiểm tra. Nhưng việc vẫn chưa xong, họ lại yêu cầu làm 10 chiếc ly, "khi nào nó chạy qua chiếc lò 1.380 độ C của hãng, mà nung ra được thì tôi mới sản xuất cho anh". 10 chiếc ly sau đó cũng hoàn thành bài kiểm tra, giúp Minh Long có lò để đốt ở nhiệt độ tiêu chuẩn cao nhất.

Nhưng ấy mới là một nửa hành trình.

Bài toán tiếp theo là làm sao để nung sản phẩm chỉ với một lần lửa. Trong bối cảnh giá ga - nhiên liệu sản xuất liên tục tăng, tiền lương cho người lao động tăng, công nghệ nung một lần lửa là chìa khoá giúp doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng cũng như các loại chi phí.

Trước đó, các hãng gốm sứ, kể cả các hãng lớn, đều phải nung non, nung hai lần lửa. Bốn nhà sản xuất lớn nhất của Đức trong lĩnh vực này, đều muốn chạm đến công nghệ nung một lần lửa. Rosenthal khi ấy mới có khả năng đốt một lần lửa cho ly, tách, những sản phẩm lớn hơn vẫn chưa thể làm được.

Trong cuộc đua tìm kiếm công nghệ, Minh Long cũng thử nghiệm như các công ty khác và cũng gặp khó khăn tương tự. Tuy nhiên, đến năm thứ bảy, thứ tám vẫn chưa tìm ra công nghệ, các "ông lớn" bỏ cuộc. Còn ông Ngọc Minh, dù đến năm thứ tám đã kiệt quệ, vẫn tiếp tục theo đuổi, thí nghiệm. Với vị nghệ nhân, quay về con đường cũ, nung hai lần lửa là tự sát, nếu muốn cạnh tranh với các nước khác.

Đến năm thứ 15, dự án hoàn thành, Minh Long có trong tay công nghệ nung một lần trên nhiệt độ 1.380 độ C, trở thành nhà sản xuất hiếm hoi làm được điều này.

 Vua gốm sứ Minh Long: Thị trường Việt Nam khó tính hơn xuất khẩu, muốn giá thấp nhưng chất lượng cao  - Ảnh 4.

"Các công ty khác, không phải họ dở. Những công ty đó đều có nhiều chuyên gia trong từng lĩnh vực, kỹ sư về đất, kỹ sư về men, về lò và Tổng giám đốc là người điều hành. Khi xảy ra hư hỏng, ai cũng bảo vệ thành tích, lập luận của mình. Ban giám đốc chỉ thấy mỗi năm tiêu mất một số tiền, tiêu hoài đến năm thứ bảy, thứ tám mà chưa xong. Cuối cùng họ dừng lại. Đây là điều tình cờ mà sau này tôi mới biết được.

Còn tôi, tôi kết luận rằng không phải tôi giỏi. Tôi có điều kiện may mắn hơn vì vừa là kỹ sư chuyên môn trong từng lĩnh vực, vừa là tổng công trình sư - vì tôi đâu có khả năng đi thuê ai. Tôi lại vừa làm Tổng giám đốc, vừa là ông chủ. Như vậy lỗ làm sao, tại chuyện gì, tôi đều biết hết. Còn các công ty kia, họ ở trên, đâu có thông cảm được. Họ cắt ngân sách là vì vậy.  Mình không giỏi hơn đối thủ nhưng mình bền trí hơn", nghệ nhân Ngọc Minh bình luận.

Trái ngọt đã về với Minh Long. Nếu như công nghệ đốt trước kia cần 200 nhân công thì công nghệ đốt một lần lửa chỉ cần 60 người làm việc. Chưa hết, với công nghệ nung hai lần lửa: nếu không có máy móc hiện đại tự động, thì cần hai tuần, thậm chí một tháng mới ra sản phẩm; nếu thêm dây chuyền tự động hoá cũng mất một tuần. Còn với công nghệ đốt một lần thì chỉ mất bảy ngày, đặt trên dây chuyền hiện đại rút ngắn còn ba ngày, thậm chí một ngày.

Chia sẻ về hành trình của mình, ông chủ gốm sứ Minh Long bày tỏ: "Tôi là một cậu bé sống ở làng quê. Cái kém may mắn của tôi là người không được đi học, mồ côi rất sớm nên rất tự lập. Chính cuộc đời dạy cho mình rằng không còn cách nào khác, phải tự vươn lên và tự sống với ý nghĩ của mình, với mong muốn và hoài bão của mình”.