clock

Doanh Nghiệp

06:32 08-11-2018

“Vua hồ tiêu Việt Nam” khánh thành nhà máy cà phê ở Sơn La

Sáng nay, ngày 8/11/2018, Công ty CP Phúc Sinh đã chính thức khánh thành nhà máy cà phê đầu tiên ở Sơn La, mang tên Phúc Sinh Sơn La, tại Bản Mạt, Chiềng Mung, Mai Sơn, Sơn La.

Hàng trăm bạn hàng, đối tác đến từ nhiều quốc gia và Việt Nam đã tới tham dự lễ khánh thành.

Nhà máy có tổng số vốn đầu tư trên 100 tỉ đồng, đi vào hoạt động sẽ cung cấp cà phê có chỉ dẫn địa lý Arabica Sơn La, với năng xuất 20.000 tấn cà phê tươi/năm (chiếm 15% tổng sản lượng cà phê toàn Sơn La), xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới và Việt Nam.

Theo ông Phan Minh Thông, Chủ tịch Phúc Sinh Group, Việt Nam vốn đứng thứ 2 thế giới về sản lượng xuất khẩu cà phê Robusta, tuy nhiên nhiều giá trị lớn nhất về cà phê vẫn chưa được khai mở. 

"Arabica của đất Tây Bắc với thương hiệu Blue Sơn La, sở hữu những đặc tính riêng biệt với mùi thơm hương hoa và ít vị đắng nhưng chua thanh, hậu vị ngọt nhẹ của mật ong rừng, hoàn toàn thỏa mãn những tiêu chí khắc khe về hương và vị, có thể xếp vào hàng cà phê đặc biệt - Speciatly Coffee- sánh ngang với những cái tên danh tiếng như Hawaii Konna Coffee và Jamaica Blue Sơn La".

Nhà máy Phúc Sinh Sơn La đạt tiêu chuẩn toàn cầu của BRC, nông trang đạt chuẩn UTZ về việc phát triển bền vững, xây dựng kinh tế đi đôi với bảo vệ đất và môi trường.

Đây cũng là nhà máy thứ 6 chuyên sản xuất cà phê và gia vị của Phúc Sinh ở Việt Nam. Ông Phan Minh Thông, cũng được biết đến với danh hiệu "Vua hồ tiêu Việt Nam". Sản lượng xuất khẩu hồ tiêu của Phúc Sinh chiếm tới 8% tổng lượng hồ tiêu xuất khẩu thế giới.

Có được ngôi vị số 1 trong thị trường hồ tiêu, Phúc Sinh tấn công sang lĩnh vực cà phê. Mỗi năm công ty này xuất khẩu tới 65.000 -70.000 tấn cà phê theo chuẩn châu Âu và Mỹ. Tổng doanh thu xuất khẩu hồ tiêu, cà phê của Phúc Sinh đạt tới 360 triệu USD/năm.

Với việc đưa nhà máy ở Sơn La vào hoạt động, Phúc Sinh vừa hy vọng đẩy mạnh thị trường xuất khẩu vừa đưa sản phẩm cà phê nguyên chất quay lại chiếm lĩnh thị trường nội địa - nơi mà công ty này chỉ mới tiêu thụ được 1% sản lượng so với tổng sản lượng xuất khẩu của chính họ.

 
 

theo Nhịp sống kinh tế