Thế Giới
09:04 18-02-2025Vượt Mỹ, vì sao Trung Quốc chi hơn 800 triệu USD để nhập khẩu một sản vật dưới nước của Việt Nam?
“Sản vật” này của Việt Nam được rất nhiều người Trung Quốc và Mỹ ưa thích.
Đó là tôm .
Theo thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), trong năm 2024, kim ngạch xuất khẩu tôm của nước ta đạt 3,9 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2023. Đáng chú ý, Trung Quốc vừa vượt Mỹ (756 triệu USD) để trở thành thị trường nhập khẩu lớn nhất của tôm Việt Nam, với kim ngạch đạt 843 triệu USD, tăng 39% so với năm 2023.
Vì sao Trung Quốc nhập khẩu nhiều tôm Việt?
Ngay trong nửa đầu tháng 1/2025, kim ngạch xuất khẩu tôm của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 51 triệu USD, tăng 191% so với cùng kỳ năm 2024.
Đặc biệt, trong cơ cấu sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc và Hong Kong (Trung Quốc), tôm loại khác chiếm tỷ trọng 51,7%. Nguyên nhân là do Trung Quốc tăng nhập khẩu tôm hùm từ Việt Nam trong năm 2024. Tôm chân trắng và tôm sú cũng được Trung Quốc tăng nhập khẩu từ Việt Nam, với tỷ trọng lần lượt là 36,1% và 12,2%.
Trong nhóm sản phẩm tôm khác, xuất khẩu tôm hùm Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh trong năm 2024. Theo đó, Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu tôm hùm lớn nhất của Việt Nam, khi chiếm đến 98 – 99%.
Theo số liệu của ITC, kim ngạch nhập khẩu tôm của Trung Quốc trong năm 2024 đạt 6,8 tỷ USD, giảm 10% so với cùng kỳ năm trước đó. Đáng chú ý là chỉ có kim ngạch nhập khẩu tôm từ Việt Nam tăng, trong khi Trung Quốc giảm nhập khẩu từ các nguồn cung còn lại. Cụ thể, về sản phẩm nhập khẩu, trong năm 2024, tôm hùm đá và những loại tôm biển khác là sản phẩm được nhập khẩu nhiều thứ hai vào thị trường Trung Quốc, khi tăng 39% so với năm 2023. Trong khi đó, các sản phẩm tôm nước ấm như tôm chân trắng đông lạnh nhập khẩu vào Trung Quốc lại ghi nhận giảm.
Vì sao các doanh nghiệp nên đẩy mạnh xuất khẩu tôm hùm?
Theo VASEP, trong năm 2024, Việt Nam xuất khẩu trên 10 tỷ USD thủy sản các loại. Trong số đó, tôm và cá tra là hai trụ cột chính, khi lần lượt mang về 4 tỷ USD và 2 tỷ USD.
VASEP đưa ra dự báo rằng, trong năm 2025, ngành thủy sản vẫn duy trì đà tăng trưởng, vì gia tăng nhu cầu từ các thị trường khu vực. Trong đó, riêng với Trung Quốc, nhu cầu về tôm chân trắng hạ nhiệt, bởi vì tầng lớp trung lưu giảm sức mua. Ngược lại, các sản phẩm thủy sản cao cấp như tôm hùm, cá hồi và cua hoàng đế… vẫn có sức tiêu thụ ổn định.
Chính vì vậy, VASEP khuyến cáo rằng các doanh nghiệp Việt Nam nên đẩy mạnh xuất khẩu tôm hùm, đồng thời tăng quảng bá, đưa ra các chương trình kích cầu tiêu thụ tôm chân trắng và tôm sú tại thị trường Trung Quốc.
Trong năm 2024, diện tích nuôi tôm ở Việt Nam đạt trên 740.000 ha, với sản lượng đạt khoảng 1,3 triệu tấn. Trong đó, diện tích nuôi tôm nước lợ ước đạt 737.000 ha, với sản lượng đạt 1.264,3 nghìn tấn, tương ứng với tăng 5,3% so với năm 2023. Sản lượng tôm sú Việt Nam trong năm qua đạt trên 280.000 tấn, đứng đầu thế giới. Theo VASEP, các tỉnh như Sóc Trăng, Cà Mau, Bạc Liêu... là những địa phương đi đầu, khi đóng góp từ 800 - 900 triệu USD cho tổng kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước năm 2024.
Theo các chuyên gia, mặc dù diện tích tôm chỉ tăng khoảng 1,5%/năm nhưng sản lượng tôm tăng mạnh 10%/năm. Thực tế này chứng minh sự cải thiện quy trình nuôi liên tục và có năng suất cao hơn hẳn so với trước.
Ngoài hai thị trường lớn là Mỹ, Trung Quốc, nước ta còn xuất khẩu tôm sang nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ khác như Nhật Bản, EU, Anh, Canada, Australia…
Minh Hằng
Tin liên quan
- Vượt Mỹ, nền kinh tế lớn thứ 12 thế giới tuyên bố sẽ xây trung tâm dữ liệu AI lớn nhất thế giới
- Tập đoàn của Thụy Điển muốn đầu tư nhà máy tái chế phế liệu dệt may 1 tỉ USD ở Bình Định
- Buồn của quốc gia thuộc top đáng sống nhất thế giới: Người dân lũ lượt rời đất nước ở mức cao kỷ lục vì chi phí đắt đỏ, lạm phát kèm suy thoái bao trùm nền kinh tế
- Thái Lan vừa công bố tăng trưởng ảm đạm, Việt Nam đã vượt GDP nước bạn chưa?