clock

CEO Việt

07:49 09-10-2015

Vưu gia - Những người làm nên thương hiệu giày dép Biti's của người Việt

Là một trong những doanh nghiệp gia đình gốc Hoa nổi tiếng bên cạnh những cái tên như Kinh Đô, Thiên Long, Minh Long, Đại Tiến Đồng, Biti’s được gia đình ông Vưu Khải Thành thành lập từ những năm đầu thập niên 80.

Từ năm 1986 đến nay, cùng với biến chuyển của nền kinh tế, hội nhập toàn cầu, những thành phần kinh tế ngoài nhà nước, các công ty gia đình Việt Nam đóng góp lớn vào sự thay đổi bộ mặt kinh tế Việt Nam khi đóng góp cùng những thành phần kinh tế ngoài quốc doanh khác gần 50% GDP cả nước.


Châu Âu gặp khó, tiến quân sang Trung Quốc

Là một trong những doanh nghiệp gia đình gốc Hoa nổi tiếng bên cạnh những cái tên như Kinh Đô, Thiên Long, Minh Long, Đại Tiến Đồng, Biti’s được gia đình ông Vưu Khải Thành thành lập từ những năm đầu thập niên 80.

Tiền thân của Biti’s là 2 tổ hợp sản xuất Bình Tiên và Vạn Thành năm 1982 tại đường Bình Tiên, quận 6, Tp.HCM với 20 công nhân chuyên sản xuất các loại dép cao su đơn giản. Đến năm 1986 hai tổ hợp này sáp nhập lại thành hợp tác xã cao su Bình Tiên chuyên sản xuất giày dép chất lượng cao tiêu thụ trong nước và xuất khẩu sang thị trường Đông Âu và Tây Âu. Cái tên Biti’s là viết tắt của cái tên Bình Tiên này.

Tuy nhiên đến cuối những năm 1980s, Liên Xô và Đông Âu sụp đổ khiến Biti’s cũng mất luôn thị trường chính.Trong khi đó tại thị trường nội địa gặp phải cạnh tranh khốc liệt từ giày dép xốp Thái Lan, Trung Quốc làm bằng chất liệu mới, đẹp, nhẹ và tiện lợi hơn dép cao su Việt Nam.

Ông Thành và vợ là bà Lai Khiêm không bỏ cuộc và quyết định sang Đài Loan tìm cơ hội mới. Tại đây, vợ chồng nhà sáng lập Biti’s nhận thấy loại dép xốp làm bằng hạt nhựa EVA có thể cạnh tranh trực tiếp với dép xốp đang thịnh hành trong nước. Vợ chồng ông quyết định tìm hiểu về công nghệ EVA và mua dây chuyền sản xuất mang về Việt Nam.

Tại thời điểm này, Trung Quốc rất chú trọng và khuyến khích xuất khẩu nhưng thị trường giày dép nội địa lại bỏ ngỏ. Việc cạnh tranh trực tiếp với những sản phẩm Trung Quốc, Thái Lan giá rẻ và đang được ưa chuộng là thử thách lớn và hai vợ chồng ông Thành quyết định táo bạo là xuất khẩu sang thị trường Tây Nam Trung Quốc với sản phẩm chất lượng, có giá cả phải chăng.

Đây không phải là quyết định cảm tính bởi ông Thành vốn là người gốc Hoa, khá am hiểu tính cách, sở thích của người Trung Quốc. Bên cạnh đó Tây Nam Trung Quốc khá gần với Việt Nam, có nhiều nét tương đồng về văn hóa đồng thời là thị trường dễ tính bao gồm nhiều tầng lớp dân cư khác nhau, có thu nhập khác nhau nên nhu cầu rất đa dạng. Người Trung Quốc có thói quen thích mua sắm, dễ bị thu hút bởi những sản phẩm mới lạ, khác biệt trong khi Biti’s có thể làm được điều này. Bà Lai Khiêm, hiện là tổng giám đốc Biti’s cũng từng cho biết “Người Trung Quốc đi bộ rất nhiều nên luôn luôn phải giữ cho đôi bàn chân của mình dễ chịu và thoải mái, về điểm này, sản phẩm của Biti’s đáp ứng được.”

Sau khi lựa chọn thị trường xuất khẩu chính giai đoạn này là Trung Quốc, Biti’s tiến hành chiến lược thâm nhập thị trường bắt đầu từ việc đăng ký và bảo hộ thương hiệu. Những bước đi tiếp theo của công ty này bao gồm: Chính sách một giá, phủ rộng phân phối và quảng cáo thương hiệu. Để người tiêu dùng yên tâm không phải lo trả giá, mua hớ, mua nhầm, Biti’s áp dụng chính sách “một giá” và tạo được hiệu ứng tốt. Với thị trường rộng lớn, Bitt’s tổ chức hệ thống phân phối chân rết từ tổng đại lý đến đại lý kinh doanh để phủ dày và hiện diện khắp nới từ Vân Nam, Trùng Khánh, Quảng Tây, Quảng Đông,… đến cả Bắc Kinh, Thượng Hải.

Với tập quán người dân Trung Quốc thích đi lại, tụ họp tại những nơi đông người như triển lãm, hội chợ và quảng cáo, báo chí dù chi phí cao nhưng hiệu quả không bằng nên Biti’s chọn con đường hội chợ để quảng bá sản phẩm đến người tiêu dùng.

Những chiến lược thông minh và quyết liệt của ban lãnh đạo đã đem về quả ngọt cho Biti’s khi có thời điểm doanh thu bình quân hàng năm tại thị trường Trung Quốc của Biti’s đạt khoảng 30%. Riêng khu vực Tây Nam chiếm tới 80% tổng doanh thu toàn thị trường Trung Quốc.

Cuộc lột xác của người khổng lồ

Cùng với việc thắng lớn tại thị trường Trung Quốc, đầu thập niên 1990 Biti’s chuyển hướng tập trung sang thị trường nội địa và ghi dấu ấn bằng thông điệp quảng cáo nổi tiếng “Nâng niu bàn chân Việt”. Theo chia sẻ của bà Lai Khiêm, riêng sản phẩm dép xốp đã có thời kỳ mỗi gia đình Việt Nam có một đôi. Tính tại thời điểm hiện tại, có tới 70% học sinh mẫu giáo, cấp 1 và cấp 2 trên cả nước sử dụng sản phẩm Biti’s.

Hiện Biti’s đang là một trong những doanh nghiệp da giày hàng đầu Việt Nam chiếm 15% thị trường trong nước với doanh thu nội địa 1.000 tỷ đồng năm 2012. Tốc độ tăng trưởng của thị trường nội địa theo Biti’s chia sẻ đạt mức khoảng 20%/năm.

Bên cạnh việc sản xuất giày dép thương hiệu riêng, Biti’s cũng là doanh nghiệp Việt được nhiều thương hiệu nổi tiếng thế giới lựa chọn làm đối tác gia công như Decathlon, Clarks, Speedo, Skechers, Lotto. Trên cơ sở xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Biti’s cũng thực hiện chiến lược đầu tư mở rộng sang lĩnh vực kinh doanh khác với hai dự án nổi bật là: Tàu lửa Sapaly tuyến Hà Nội- Lào Cai và khách sạng 4 sao Sapaly Hotel Lao Cai.

Với 33 năm trên thương trường, hoạt động kinh doanh của Biti’s trong những năm gần đây đã có những bước chuyển để thoát khỏi tư duy già nua.

Trước đây Biti’s hoàn toàn phụ thuộc vào hệ thống phân phối độc lập (nhà bán lẻ). Tuy nhiên điều này gây bất lợi pha loãng khi các nhà bán lẻ nhập nhiều loại giày dép có xuất xứ khác nhau để bán. Vì vậy trong 3 năm qua, Biti’s xây dựng riêng chuỗi cửa hàng tiếp thị một điểm trên cả nước chuyên kinh doanh chuyên biệt các sản phẩm giày dép chỉ mang thương hiệu Biti’s. Với tốc độ giới thiệu ra thị trường khoảng 40 mẫu/tháng, kênh phân phối này được kỳ vọng sẽ giúp Biti’s củng cố sự hiện diện trên thị trường nội địa.

Không chỉ đầu tư hệ thống phân phối mới, Biti’s còn thực hiện hàng loạt cải cách như áp dụng phần mềm ERP, SAP để quản lý đến lập dự án sản xuất, marketing, xây dựng thương hiệu thời trang cao cấp mang tên Gosto và mới đây là thông tin cho biết công ty này sẽ triển khai bán hàng trực tuyến.

Những bước chuyển mình này của Biti’s đến từ những người kế nghiệp của vợ chồng ông Thành. Con gái đầu của ông bà là Vưu Lệ Quyên sau khi du học Canada trở về nước đảm nhiệm chức vụ phó tổng giám đốc Kỹ thuật và kinh doanh, đồng thời phụ trách nhãn hàng cao cấp mới. Cô con gái thứ hai là Vưu Lệ Minh phụ trách về thiết kế mẫu mã phục vụ xuất khẩu. Con trai út hiện đang du học sau khi về nước cũng được bà Lai Khiêm kỳ vọng là người kế nghiệp sáng giá bên cạnh hai chị gái.

 

Theo Trí Thức Trẻ/ CafeBiz