clock

Thị Trường

06:14 02-10-2015

Xây dựng thương hiệu gạo Việt nhìn từ… thỏi sô cô la Bỉ

“Tôi đưa ra ví dụ về thỏi sô cô la mang thương hiệu Bỉ, được làm từ nguyên liệu là cacao của Việt Nam để các bạn thấy rằng, rõ ràng Việt Nam có cơ hội, có nguồn nguyên liệu nhưng tại sao lại không có thỏi sô cô la mang thương hiệu Việt Nam?" - ông Michael Louis Rosen, Phó Chủ tịch PAN Group đặt câu hỏi.

Chia sẻ trong phiên thảo luận với chủ đề “Đầu tư vào nông nghiệp” tại Diễn đàn đầu tư toàn cầu Việt Nam 2015 mới đây, ông Richard Gilmore - Tổng giám đốc Tập đoàn GIC cho hay, thời gian qua, ngành nông nghiệp Việt Nam có nhiều bước phát triển, đóng góp vào sự phát triển kinh tế của đất nước, góp phần ổn định an ninh lương thực quốc gia.

Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp như gạo, cà phê, hạt tiêu... Tuy nhiên, các ngành này chủ yếu là xuất thô, chưa có thương hiệu trên thế giới và dễ bị tổn thương.

Theo ông Richard, nếu như cách đây vài năm, Việt Nam xuất khẩu gạo với giá 400 USD/tấn thì Ấn Độ xuất khẩu với giá 600 USD/tấn. Như vậy, với giá xuất khẩu trên, người nông dân Ấn Độ đang thu được nhiều tiền hơn nông dân Việt Nam.

“Việt Nam cần phải làm nhiều hơn nữa, đặc biệt tăng cường hiệu quả sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh công tác vận chuyển hàng hóa. Nếu các quốc gia khác như Thái Lan có nhiều sản phẩm, nhãn hiệu thì Việt Nam cũng hoàn toàn tạo ra thương hiệu lớn trên thế giới từ mặt hàng gạo. Việt Nam nên hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài để thu hút đầu tư vào nông nghiệp, tạo giá trị gia tăng cho sản phẩm” - ông Richard nói.

Bên cạnh đó, ông Richard cũng cho rằng, Việt Nam đứng vị trí thứ nhất, thứ hai về xuất khẩu nông sản trên thế giới nhưng ngành nông nghiệp đang phải gặp phải đối mặt khác biệt so với các quốc gia khác. Sự khác biệt này chính là vấn đề hóa chất, thuốc trừ sâu, năng suất lao động thấp, chưa có nhiều áp dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Vấn đề hóa chất, thuốc trừ sâu… khiến gạo Việt Nam mất đi chỗ đứng trên thế giới. Giá gạo xuất khẩu ngày càng giảm. Và hệ quả của nó là người nông dân vốn đã chịu thiệt lại càng thêm khó khăn. Do vậy, để giải quyết vấn đề này cần có sự chung tay của cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp và người nông dân.

Cũng trong phần thảo luận tại Diễn đàn, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Quốc Doanh cho hay, mặc dù không phải là một quốc gia có lợi thế về nông nghiệp nhưng Việt Nam có điều kiện thuận lợi để phát triển ngành lúa gạo và thủy sản.

Tuy nhiên, ngành lúa gạo đang gặp khó khăn khi kim ngạch xuất khẩu liên tục giảm, gạo Việt Nam chịu cạnh tranh gay gắt với các quốc gia xuất khẩu khác. Một trong những nguyên nhân chính của thực trạng này là Việt Nam chưa xây dựng được thương hiệu gạo trên thị trường thế giới.

Ông Doanh lo ngại, trong thời gian tới khi hội nhập sâu rộng hơn, ngành nông nghiệp Việt Nam, đặc biệt là những ngành vốn được coi là thế mạnh sẽ gặp khó khi cạnh tranh gia tăng.

“Tới đây, chúng tôi tập trung tái cơ cấu nông nghiệp, quan tâm đến các ngành hàng có chuỗi giá trị cao, gắn kết các doanh nghiệp lại với nhau, đồng thời xây dựng thương hiệu. Chẳng hạn như mới đây, Chính phủ đã phê duyệt đề án xây dựng thương hiệu gạo Việt Nam. Theo đó, đến năm 2020 có 20% gạo xuất khẩu thương hiệu Việt Nam” – Thứ trưởng Doanh cho biết.

Còn theo ông Michael Louis Rosen - Phó Chủ tịch PAN Group, nông nghiệp là lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam và Việt Nam có nhiều tiềm năng để đầu tư phát triển lâu dài. Nhưng điều quan trọng là làm thế nào để tận dụng được tiềm năng và lợi thế?

Liên quan đến câu chuyện xây dựng thương hiệu cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, ông Michael đưa ra ví dụ về thỏi sô cô la mang thương hiệu Bỉ nhưng có nguồn gốc từ cacao của Việt Nam.

“Tôi đưa ra ví dụ về thỏi sô cô la mang thương hiệu Bỉ, được làm từ nguyên liệu là cacao của Việt Nam để các bạn thấy rằng, rõ ràng Việt Nam có cơ hội, có nguồn nguyên liệu nhưng tại sao lại không có thỏi sô cô la mang thương hiệu Việt Nam? Vấn đề ở đây chính là giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp Việt Nam còn thấp” – ông Michael chia sẻ.

 

Theo Nguyệt Quế

Trí thức trẻ/CafeF