clock

Tài Chính

09:19 20-07-2022

Xe công nghệ "hết thời", taxi truyền thống tìm ra đường sống

TTO - Vay tiền ngân hàng mua xe trả góp để chạy xe công nghệ với kỳ vọng thu nhập "ngon ăn", giờ ngày càng nhiều tài xế tắt app chạy chui hoặc bán xe bỏ nghề vì thu nhập teo tóp.

Taxi đón khách tại sân bay Tân Sơn Nhất - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG
Trong khi đó, taxi truyền thống đang trở mình và có niềm tin chặn đứng đà thua lỗ.
"Một cổ hai tròng" sớm muộn cũng ngộp
Đứng đợi xếp hàng chờ lượt vào đón khách ở sân bay Tân Sơn Nhất (TP.HCM), anh N.T.P. - "lính mới" của hãng taxi - kể lại hành trình bấp bênh với danh nghĩa "đối tác" trước đây. Anh P. tỏ ra tiếc nuối khi đã bỏ ngoài tai sự can ngăn của gia đình, bỏ việc văn phòng lương 7-9 triệu đồng/tháng, vay ngân hàng 700 triệu đồng mua trả góp chiếc Toyota Innova 7 chỗ để chạy xe công nghệ.
Năm 2018, thời gian đầu thu vào khá ổn với khoảng 28-40 triệu đồng/tháng, trừ hết chi phí anh P. còn dư hơn 15-20 triệu đồng/tháng. Nhưng bức tranh màu hồng ngày càng trở nên u ám hơn khi các app tung chiến lược thu hút lượng tài xế với nhiều ưu đãi thưởng doanh thu mỗi tuần, mỗi tháng. Thời điểm đó, tỉ lệ nhận cuốc 80% là nhận thưởng 200.000 đồng/ngày, theo anh P. là khá dễ dàng.
Đến năm 2019, số lượng tài xế chạy xe từ 2-4 bánh ngày càng nhiều, ra đường có lúc toàn thấy xe công nghệ cũng là lúc số cuốc xe giảm dần, tỉ lệ ăn chia với app lại tăng lên khiến thu nhập giảm tương tự. Nhiều tài xế cho biết tỉ lệ "nổ" cuốc giờ giảm gần 50%, tài xế phải "cày" hơn 10-12 tiếng/ngày mới có đủ tiền trả nợ ngân hàng.
"Chạy app bây giờ căng lắm, tài xế như kiểu sai đâu chạy đó chứ không dám hủy cuốc. Nhiều chuyến chạy lỗ cũng cắn răng chấp nhận kẹt xe, cao điểm... chứ hủy cuốc là lại càng ít chuyến. Có chuyến chạy từ TP.HCM tới Bình Dương rồi chạy xe không về" - anh P. nói.
Nhiều tài xế băn khoăn nếu "ôm" xe chạy tiếp thì nợ không biết bao giờ trả xong, còn bán xe phải vay mượn thêm cả trăm triệu đồng mới đủ tiền trả nợ.
Thế nên nhiều tài xế giờ mới ngán cảnh "một cổ hai tròng" với áp lực tiền ngân hàng và các chính sách của hãng xe công nghệ khi các chính sách về việc ưu tiên "nổ" cuốc đã được thay đổi rất nhiều so với trước. Theo đó, tỉ lệ "nổ" cuốc sẽ cao dần theo xếp hạng của đối tác tài xế mà mới mua xe vào nghề, lấy gì thăng hạng.
Anh K. (quận Gò Vấp), trước đây chạy xe công nghệ, nay chuyển sang làm thợ may quần áo, bức xúc với nhiều trường hợp app cắt "cái rụp" khi có phản ảnh không hài lòng của khách hàng. Anh nhớ mãi chuyện có chuyến xe đón ở đường Quang Trung, khách yêu cầu vào hẻm nhưng xe khó lọt vào, thậm chí sẽ xảy ra kẹt xe nên anh K. đề nghị khách ra đầu ngõ.
 
"Chỉ thế thôi mà tôi nhận đánh giá không hài lòng của khách. Công ty khóa ứng dụng ngay với lý do không đạt chất lượng phục vụ và tỉ lệ hủy cuốc có xu hướng gia tăng. Lên công ty phân trần nhưng không nhận được sự hỗ trợ, tôi thấy mình chẳng khác nào đi xin xỏ nên quyết định bán chiếc Toyota Vios giá 300 triệu đồng. Giờ tôi cùng vợ mở tiệm may thấy khỏe hơn" - anh K. nói.
Taxi truyền thống đã có đường sống
Nhiều hành khách quen sử dụng xe công nghệ bắt đầu than phiền tình trạng khó gọi xe vài tháng gần đây. Thời gian chờ xác nhận cuốc xe kéo dài 5-15 phút, thậm chí những ngày mưa lớn không thể gọi được xe dù giá cước đã lên mức cao theo thuật toán của ứng dụng.
"Có hôm cần ra sân bay gấp, mở cả 3 ứng dụng gọi xe và đặt lệnh cùng lúc nhưng nửa giờ trôi qua vẫn không có tài xế nhận cuốc hoặc nhận rồi hủy" - chị Mai Dương (ngụ quận 4) bức xúc kể.
Sức "công phá" của app công nghệ mới hôm nào khiến thị trường vận tải của taxi truyền thống bị chao đảo. Hai ông lớn trong ngành như Vinasun, Mai Linh cũng trầy trật hoạt động cầm cự. Và khi chính taxi truyền thống tìm cách thay đổi về cách thức hoạt động, đa dạng tiện ích thanh toán thì lại tìm ra đường sống.
Anh Hoàng Công Bình - nhân viên điều phối xe của Mai Linh - cho biết hiện tại với app của Mai Linh, khách dễ dàng chọn điểm đến, hiển thị giá cước và nhiều hình thức thanh toán. "Taxi vẫy đón dọc đường hoặc gọi tổng đài là xưa rồi. Giờ tất cả hiển thị trên app, chẳng khác nào như các app xe công nghệ khác" - anh Bình nói.
Chúng tôi đã thử khảo sát giá trên app của các hãng Vinasun, Mai Linh thì kể cả trong các khung giờ cao điểm không hề thay đổi, tính ra rẻ hơn hẳn so với giá đặt xe công nghệ trong khung giờ này. Còn trong những khung giờ vắng thì giá này nhìn chung cao hơn xe công nghệ một chút.
Bà Phạm Thị Tý (quận Bình Thạnh) cho hay đã quay trở lại với taxi truyền thống thay vì đặt xe công nghệ vì giá cước cao bất thường, nhất là khi xuất hiện cụm từ "giá xăng tăng", rồi lại xuất hiện hàng loạt phụ phí như giờ cao điểm, thời tiết xấu... dù không đúng thực tế.
Cuối tuần vừa qua, bà Tý đặt xe công nghệ từ cầu Kinh (khu Thanh Đa) về đường Nơ Trang Long đã giật mình khi thấy giá 62.000 đồng cho quãng đường chưa tới 4km. Mở mục khuyến mãi cũng không có mã nào giảm giá cho chuyến xe. Điều bất ngờ hơn, cùng thời điểm và hành trình như trên, bà Tý vào app của Mai Linh, giá xe 4 chỗ chỉ có 44.000 đồng, 7 chỗ 47.000 đồng.
 
Trên ứng dụng hiển thị khách muốn đi lộ trình linh hoạt, tính theo đồng hồ taxi. Bấm vào đặt xe, tài xế taxi gọi điện xác nhận, 5 phút đã đến đón. Bà Tý chia sẻ suy nghĩ rằng khi các hãng taxi truyền thống có một sự chuyển mình đáng kể về công nghệ và thái độ phục vụ, đảm bảo giá cước ổn định nên từng bước giành lại thị phần.
Kỳ vọng chặn đứng thua lỗ
Thực tế, kết quả kinh doanh của Vinasun đã bắt đầu có những cải thiện. Báo cáo quý 1-2022, doanh thu thuần của công ty đạt 164 tỉ đồng. Các khoản chi phí khác cũng đồng loạt giảm đã giúp công ty lãi ròng gần 12,5 tỉ đồng, trong khi cùng kỳ năm 2021, công ty lỗ hơn 29 tỉ đồng.
Ngoài thay đổi chính sách khoán xe với tài xế, bản thân bộ máy quản lý cũng được tinh gọn để giảm giá cước. Đồng thời, đẩy mạnh các mảng hoạt động phụ trợ như quảng cáo trên taxi..., chuyển mô hình từ trực tiếp đầu tư và quản lý tài xế sang kinh doanh dưới hình thức thương quyền, thanh lý và bán xe trả chậm cho tài xế, phát triển đầu xe hợp tác kinh doanh...
Đại diện Tập đoàn Mai Linh cho biết hiện tại hoạt động kinh doanh taxi của hãng đã có tín hiệu phục hồi và tập đoàn này đang có kế hoạch đầu tư phương tiện, phát triển taxi công nghệ, tăng cường hợp tác kinh doanh, đẩy mạnh dịch vụ bảo dưỡng sửa chữa, logistics, vận chuyển hàng hóa.
"Trong năm nay, Mai Linh đặt mục tiêu chấm dứt đà thua lỗ 4 năm liền với doanh thu thuần hợp nhất đạt 1.673 tỉ và lợi nhuận sau thuế đạt 38 tỉ đồng" - lãnh đạo Mai Linh kỳ vọng.
Theo Công Trung