clock

Tài Chính

06:09 18-09-2015

Xử lý nợ xấu: Vẫn khó

Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) vẫn chưa biến được nợ xấu thành tiền thật để đưa vào nền kinh tế, dù việc thành lập công ty này được xem là một trong những giải pháp quan trọng để xử lý nợ xấu.

Trong 8 tháng đầu năm, VAMC đã mua 77.273 tỷ đồng, dư nợ gốc nội bảng với giá mua 70.554 tỷ đồng và phát hành khoảng 68.000 tỷ đồng trái phiếu đặc biệt, đưa tỷ lệ nợ xấu toàn hệ thống ngân hàng (NH) xuống trên 3%.

Theo tính toán của ông Nguyễn Quốc Hùng - Chủ tịch HĐTV VAMC, 9 tháng đầu năm, nợ xấu có thể về mức 3%.

Có thể nói, việc sửa đổi Nghị định 34 và bổ sung một số điều tại Nghị định 53 là điều kiện cần để xử lý nợ xấu, nhưng chưa đủ để xử lý được những vấn đề liên quan đến tài sản đảm bảo, do vướng mắc với các luật liên quan.

Theo quy định, những đơn vị mua bán nợ phải là đơn vị kinh doanh có điều kiện, có giấy phép kinh doanh.

Tuy nhiên, hiện chưa có đơn vị nào được phép kinh doanh mua bán nợ trên thị trường, ngoài VAMC, DATC, AMC, trong bối cảnh chưa có một thị trường mua bán nợ để thông qua đó xử lý nhanh được các khoản nợ.

Xử lý nợ xấu không sử dụng vốn ngân sách, ông Hùng cho là "một vấn đề khó”. Ông nói, cần một chế tài cụ thể, chẳng hạn, văn bản dưới luật, mới có thể giải quyết các tồn tại và xử lý các khoản nợ VAMC đã mua.

Việc một lượng vốn lớn trong nền kinh tế không được quay vòng đang đe dọa đến an ninh tài chính của hệ thống NH. Nợ xấu chỉ có thể được giải quyết rốt ráo khi các con số về nợ xấu của NH được thống kê chính xác, đầy đủ.

Theo số liệu đăng tải trên trang web của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), tính đến 31/12/2014, nợ xấu đã giảm mạnh, từ trên 4% tháng 6/2014 xuống 3,22%, tính ra con số tuyệt đối là 127.851 tỷ đồng.

Tháng 3/2015, NHNN phân bổ các tổ chức tín dụng phải bán 100.000 tỷ đồng nợ xấu.

Như vậy, số nợ xấu còn lại chỉ là 28.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, tại cuộc họp ở TP.HCM hồi tháng 3/2015, NHNN cho biết, số nợ xấu tuyệt đối không dưới 300.000 tỷ đồng.

Thực tế xử lý nợ xấu gần ba năm qua cho thấy, một khi con số nợ xấu chưa minh bạch thì hiệu quả sẽ rất thấp, dù NHNN có đưa ra nhiều chính sách, biện pháp.

 

 

Nợ xấu vẫn đang là điểm nghẽn của hoạt động tín dụng NH. Chuyên gia tài chính NH, TS. Nguyễn Đại Lai nói rằng, việc xử lý nợ xấu đã và đang tồn đọng tại các ngân hàng thương mại (NHTM) cần phải được điều chỉnh bằng một nghị định của Chính phủ, thậm chí bằng một pháp lệnh hay một luật về việc phân loại nợ xấu và quy chế xử lý nợ xấu theo các cấp độ xử lý công khai.

Theo đó, nếu nợ xấu từ nhóm 4 trở lên khi chạm vượt ngưỡng 2,5 lần vốn tự có của một NHTM thì bất luận NHTM đó thuộc thành phần sở hữu nào đều bị buộc phải bán lại cho NHNN hoặc một định chế tài chính do NHNN chỉ định với giá bằng 0 đồng và giá âm để chủ mới cơ cấu lại theo hướng chuyển đổi quy mô, thảy đổi mô hình tổ chức, thay đổi hội đồng quản trị và bảo vệ người gửi tiền trước khi đủ để đưa lên sàn thị trường tài chính bán, thu hồi vốn cho chủ mới.

Việc xử lý các bên gây ra nợ xấu sẽ được thực hiện đúng nguyên tắc: ai, tổ chức nào gây ra nợ xấu thì người đó, tổ chức đó phải trả giá bằng cả vật chất lẫn trách nhiệm trước pháp luật.

Hiện nay, VAMC chỉ mua lại nợ xấu đối với các NHTM còn có khả năng tồn tại và có nợ xấu dưới ngưỡng bị buộc phải quốc hữu hóa hoặc buộc phải thay chủ sở hữu. Đề xuất này xuất phát từ những bài học thực tiễn còn nguyên giá trị tham khảo trên thế giới.

Ví dụ, do lâm vào khủng hoảng nợ xấu, mất thanh khoản nên chỉ trong 10 ngày, khách hàng gửi tiền vào Washington Mutual Bank đã kéo đến rút ra một khoản tiền kỷ lục, lên tới 16,7 tỷ USD.

Giá cổ phiếu của Washington Mutual Bank tụt xuống thê thảm, từ 30 USD vào tháng 9/2007, xuống chỉ còn 2 USD vào tháng 2/2008.

Vì vậy, ngày 26/9/2008 Washington Mutual Bank buộc phải đệ đơn xin phá sản. Đây là vụ sụp đổ lớn nhất trong lịch sử ngành NH thế giới với số tài sản "bốc hơi" chủ yếu do khách hàng bất động sản không trả được nợ lên tới 307 tỷ USD.

Để cứu vãn các vụ đổ bể NH, TS. Lai cho rằng, các vụ trên đều có các bàn tay hữu hiệu của nhà nước thông qua NH trung ương hoặc thông qua định chế tài chính do NH trung ương chỉ định để "mua đứt" và làm lại trước khi trở lại thương trường hay bán ra thị trường tài chính trong một tư thế mới: chủ mới, thương hiệu mới và không gây ra sự đổ vỡ lan truyền cả hệ thống.

Ông Lai cũng dẫn chứng Chính phủ Mỹ với cách làm dứt khoát, công khai, minh bạch và kịp thời đã thu được những khoản lời khổng lồ nhờ bán lại NH.

Điều quan trọng của giải pháp quốc hữu hóa hoặc đổi chủ 100% sở hữu, thay vì chỉ "mua nợ xấu" NH là người gửi tiền được bảo vệ, tổng thiệt hại xã hội hầu như bằng không và không tổn hại đến ngân sách nhà nước, thậm chí nhà nước còn có lãi lớn sau khi cấu trúc lại NH và bán ra thị trường.

Trong thị trường tài chính, sự "dày đặc" và lộn xộn giữa các định chế tài chính trong một mô hình "NHTM đa năng" cũng góp phần làm cho thị trường tài chính thêm "tối màu", nợ xấu rất cao nhưng cơ chế xử lý lại căn bản là "đuổi theo" mua nợ và trú ẩn nợ hơn là minh bạch hoặc có những chế tài đủ mạnh để răn đe.

Đề xuất của TS. Lai không chỉ nhằm khắc phục méo mó của thị trường tài chính đang là môi trường gây rủi ro và nguy cơ mất an ninh tài chính, ở nước ta mà còn đạt mục tiêu đổi mới, khắc phục tình trạng đan xen quá nhiều cơ chế vận hành trong một nền kinh tế làm suy kiệt các năng lực hấp thụ vốn trong bối cảnh toàn cầu hóa.

 

HẢI VÂN/ DNSG