clock

Thế Giới

11:13 24-09-2015

Xử lý rác như người Singapore

4 nhà máy điện từ rác thải của Singapore đáp ứng gần 3% nhu cầu điện năng của cả nước, còn tỉ lệ tái chế rác ở mức kỷ lục là 60%.

Đối với một đất nước cực kỳ sạch sẽ như Singapore, thậm chí bãi rác địa phương cũng là một công viên sinh thái với những con đường đi bộ xanh sạch và những loài chim di trú. Đó là bởi vì Singapore chỉ chôn 2% lượng rác thải rắn của thành phố, 38% được thiêu để tạo ra điện và 60% lượng rác thải còn lại thì được tái chế.

Quy trình xử lý rác thải của đảo quốc Singapore, với 5,1 triệu dân và diện tích chỉ gấp 3,5 lần diện tích của Washington, D.C., là mô hình đáng để các thành phố lớn khác học hỏi, nhất là khi dân số đô thị tăng nhanh, khiến cho rác thải và ô nhiễm trở thành vấn đề nhức nhối. Theo Ngân hàng Thế giới, các thành phố trên thế giới tạo ra khoảng 1,3 tỉ tấn chất thải rắn mỗi năm - một con số dự kiến sẽ đạt tới 2,2 tỉ tấn vào năm 2025, chủ yếu là do các nước có thu nhập thấp hơn thải ra.

Các thành phố lớn ở châu Á là “mệt mỏi” nhất với vấn đề xử lý rác thải. Tại thủ đô Manila của Philippines, một thành phố 12,9 triệu dân, Smokey Mountain là một trong những bãi chôn rác lớn nhất trên thế giới và là nơi hàng ngàn người bới rác đến đây tìm kế sinh nhai. Những người này phải đối mặt với vô vàn thứ độc thải vì tiếp xúc với rác thải mỗi ngày.

Tại Mumbai, thành phố 12 triệu dân ở Ấn Độ, các bãi chôn rác thường xuyên quá tải, trong khi Jakarta (Indonesia), với 10,3 triệu dân, lại đau đầu với những dòng sông rác. Năm ngoái, thủ đô Bangkok của Thái Lan (có 9,3 triệu người) bị bao phủ bởi sương khói trong nhiều tuần lễ khi các bãi chôn rác ở thành phố này bắt lửa.

 

Singapore ngày trước cũng không phải là một hình ảnh đẹp đẽ. Năm 2000, thành phố này đã tạo ra tới 7.600 tấn rác thải mỗi ngày, gấp gần 6 lần 30 năm trước và các bãi chôn rác trên bờ thì luôn hết chỗ. Nhưng với quy mô nhỏ và nền kinh tế phát triển mạnh, đảo quốc này đã có thể thực hiện các sáng kiến mới một cách nhanh chóng và hiệu quả.

Eugene Tay, Giám đốc tổ chức phi lợi nhuận Zero Waste SG, cho rằng các thành phố lớn châu Âu có thể học nhiều điều từ đảo quốc sư tử. “Họ cần phải nhìn lại và nhấn mạnh vào phần “hạn chế” và “tái chế” của quy trình xử lý rác thải. Vứt bỏ rác chỉ nên xem là một lựa chọn cuối cùng”, ông nói.

Bắt đầu vào năm 2001, Chính phủ Singapore đã triển khai chương trình xử lý rác thải nhằm tăng tỉ lệ tái chế. Họ đã xây dựng một bãi chôn rác ở đảo Semakau trên phần đất lấn biển. Quy trình chọn lọc và tái chế rác thải đã được giới thiệu đến cho cư dân. Một hệ thống thu gom được ra mắt và các trường học, văn phòng, trung tâm mua sắm và các ngành đều tham gia vào chương trình tái chế này. Đến cuối năm 2005, có tới 56% số hộ gia đình Singapore đã góp mặt trong chương trình tái chế rác thải.

Thành phố cũng đã dùng cách thiêu rác, nhờ đó giảm được lượng rác đổ vào các bãi chôn trong khi tạo ra điện năng để sử dụng. Giờ 4 nhà máy điện từ rác thải của Singapore đáp ứng gần 3% nhu cầu điện năng của cả nước. Tỉ lệ tái chế rác hiện ở mức cao mọi thời đại là 60%. Hãy làm một phép so sánh, năm 2013 Mỹ đã đưa tới 53% lượng rác thải rắn vào các bãi chôn rác, tái chế chỉ 34% và chuyển đổi 13% số rác thải thành điện, theo Cơ quan Bảo vệ Môi trường nước này.

Cơ quan Môi trường Quốc gia Singapore cho biết Singapore đang có kế hoạch xây dựng nhà máy thứ 5 biến rác thải thành điện, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2019. Thành phố cũng dự định xây dựng một nhà máy xử lý rác mới mà sẽ quy tất cả mọi hình thức xử lý rác về một mối, cùng với việc xây dựng một nhà máy cải tạo nước, để gia năng hiệu quả điện năng và khôi phục một cách tối ưu nguồn nước thải.

 

Khánh Đoan/ Nhipcaudautu.vn