clock

Trong Nước

10:41 07-08-2018

Xuất khẩu điều giảm cả lượng lẫn giá trị

Giá nhân điều có khả năng sẽ phục hồi trong thời gian tới...

Sau khi tăng mạnh cả lượng và trị giá, kể từ tháng 3/2018 mức tăng đã giảm dần và từ tháng 6/2018 cho đến nay xuất khẩu hạt điều đã suy giảm trở lại. Tuy vậy, theo thông lệ, cứ vào tháng 8 hàng năm khởi động mùa nhập khẩu điều nên có nhiều dự báo cho rằng, giá xuất khẩu nhân điều của Việt Nam có khả năng phục hồi trong thời gian tới do nhu cầu tiêu thụ cuối năm tăng và nguồn cung hạn hẹp.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, khối lượng điều xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm 2018 ước đạt 202 ngàn tấn và 1,94 tỷ USD, tăng 7,4% về khối lượng và tăng 4,86% về giá trị so với cùng kỳ năm 2017. Giá hạt điều xuất khẩu bình quân 6 tháng đầu năm 2018 đạt 9.699 USD/tấn, giảm 0,3% so với cùng kỳ năm 2017.

Trong tháng 6/2018 khối lượng điều xuất khẩu của cả nước chỉ đạt 32,3 ngàn tấn, trị giá 293,1 triệu USD, giảm 11,4% về lượng và giảm 14,1% về trị giá so với tháng 5/2018. Đây là tháng giảm đầu tiên sau khi tăng 3 tháng liên tiếp.

Hoa Kỳ, Hà Lan và Trung Quốc vẫn duy trì là 3 thị trường nhập khẩu điều lớn nhất của Việt Nam chiếm thị phần lần lượt là 38,1%, 12,9% và 10,5% tổng giá trị xuất khẩu hạt điều. Sáu tháng đầu năm 2018, ngoại trừ Hà Lan và Úc, tất cả các thị trường xuất khẩu hạt điều chính của Việt Nam đều tăng mạnh.

Hạt điều của Việt Nam được xuất khẩu tới 27 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Mỹ, Hà Lan, Trung Quốc, Anh là những thị trường chủ lực. Lượng điều xuất khẩu từ các quốc gia này chiếm 64,6% tổng lượng mặt hàng, trong đó, xuất khẩu sang thị trường Mỹ nhiều nhất với 66,4 ngàn tấn và đạt 646,8 triệu USD, tăng 21,53% về lượng và 19,05% trị giá so với cùng kỳ. Giá xuất bình quân 9.738,99 USD/tấn, giảm 2,03%.

Đứng thứ hai sau Mỹ là thị trường Hà Lan đạt 42,8 ngàn tấn, trị giá 218,3 triệu USD. Kế đến là các thị trường Trung Quốc, Anh đạt lần lượt 18,4 ngàn tấn và 7,1 ngàn tấn, trị giá lần lượt là 178 triệu USD và 66,5 triệu USD.

Nhìn chung, nửa đầu năm 2018, xuất khẩu điều sang các thị trường đều có tốc độ tăng trưởng chiếm trên 80%, trong đó phải kể đến các thị trường như: Ukraine, Hy Lạp có tốc độ tăng đột biến, tăng tương ứng gấp 2,75 lần; 1,33 lần về lượng và 3,35 lần; 1,39 lần về trị gia so với cùng kỳ, tuy lượng xuất chỉ đạt 312 tấn và 278 tấn. 

Bên cạnh đó, xuất sang thị trường Philippines cũng có tốc độ tăng mạnh, tăng 94,48% về lượng và 123,11% trị giá, đạt 846 tấn, trị giá 7,7 triệu USD.

Ở chiều ngược lại, xuất sang thị trường Pakistan sụt giảm mạnh 93,49% về lượng và 94,02% về trị giá, chỉ đạt 14 tấn; 131,3 ngàn USD. Giá xuất bình quân sang thị trường này cũng giảm 8,1% chỉ có 9382,43 USD/tấn.

Nguyên nhân khiến xuất khẩu điều trong tháng 6 và 7 khó khăn là do các hợp đồng nhập khẩu điều thô từ một số nước châu Phi bị huỷ, doanh nghiệp thiếu nguyên liệu chế biến cùng với đó là thị trường vào mùa thấp điểm kéo giá xuất khẩu sụt giảm. 

Dù bị các nhà cung cấp nguyên liệu bẻ kèo không thực hiện hợp đồng bán điều thô nhưng đối với các hợp đồng xuất khẩu điều nhân các doanh nghiệp vẫn thực hiện đúng cam kết, do vậy, trong những tháng vừa qua đã có nhiều doanh nghiệp điều rơi vào tình trạng thua lỗ!

Theo các doanh nghiệp điều, hiện nay có nhiều nhà máy chế biến trong nước đang phải đối mặt với tình trạng khó khăn về nguyên liệu. Phần lớn các nhà máy đã bán hết nhân điều trong 5 tháng đầu năm, lượng nhân điều dành cho xuất khẩu không còn nhiều. Giá xuất khẩu nhân điều của Việt Nam hiện chỉ còn 4,1 - 4,3 USD/pound, thấp hơn nhiều so với mức giá cao nhất 5,1 - 5,3 USD/pound cùng kỳ năm 2017.

Cụ thể, giá xuất khẩu bình quân mặt hàng hạt điều trong nửa đầu tháng 6/2018 đạt 9.072 USD/tấn, giảm 3,5% so với nửa đầu tháng 5/2018 và giảm 11,5% so với cùng kỳ năm 2017. Tính từ đầu năm đến nửa đầu tháng 6/2018, giá xuất khẩu bình quân hạt điều đạt 9.761 USD/tấn, tăng 21,5% so với cùng kỳ năm 2017.

Theo các doanh nghiệp, bên cạnh khó khăn về nguồn nguyên liệu và thị trường doanh nghiệp còn gặp khó khăn về vốn, đặc biệt đối với các doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ do sức đề kháng kém mỗi khi thị trường có biến động như những tháng vừa qua, cùng với đó vay vốn ngân hàng đáo hạn dù biết lỗ doanh nghiệp buộc bán để có tiền trả nợ ngân hàng dù biết rằng chỉ cần trụ qua giữa quý III thị trường lại sẽ khởi sắc.

Theo thông lệ, cứ vào tháng 8 hàng năm là khởi động mùa nhập khẩu điều nên có nhiều dự báo cho rằng, giá xuất khẩu nhân điều của Việt Nam có khả năng phục hồi trong thời gian tới do nhu cầu tiêu thụ cuối năm tăng và nguồn cung hạn hẹp. 

Theo yếu tố chu kỳ, giữa quý 3 và quý 4 là thời điểm các nhà nhập khẩu đẩy mạnh mua nhân điều để phục vụ nhu cầu tăng cao trong những tháng cuối năm, và đây cũng là dịp để các doanh nghiệp đẩy mạnh xuất khẩu nhưng trong họ vẫn canh cánh nỗi lo về nguyên liệu. 

 

Quang Trí/ Vneconomy