clock

Thế Giới

06:59 05-11-2015

10 startup “kỳ lân” lớn mạnh nhất Trung Quốc

Những startup tại Trung Quốc cũng được đánh giá rất cao, không thua kém gì những startup tại Thung lũng Silicon.

Thung lũng Silicon được xem là cái nôi của các startup lớn mạnh nhất trên thế giới. Tuy nhiên tại Trung Quốc, đất nước đông dân nhất thế giới, cũng không khó gì để tìm thấy những startup unicorn (startup kỳ lân).

Startup kỳ lân là cụm từ nhằm ám chỉ những startup lớn mạnh được định giá trên 1 tỷ USD. Và hầu hết các startup này tại Trung Quốc bị chi phối và được đầu tư bởi hai gã khổng lồ Alibaba và Tencent.

1. Xiaomi (Giá trị 46 tỷ USD)

Hãng sản xuất smartphone hàng đầu Trung Quốc là công ty công nghệ tư nhân có giá trị lớn thứ hai trên thế giới, chỉ sau Uber. Từ khi ra mắt điện thoại thông minh đầu tiên của mình vào tháng Tám năm 2011, Xiaomi đã đạt được thị phần tại Trung Quốc đại lục và mở rộng sang phát triển phạm vi thiết bị điện tử tiêu rộng lớn hơn.

Trong quý 2 của năm 2015 nó bán được nhiều Smartphones hạng thứ 4 trên thế giới sau Samsung, Applel và Huawei. Người sáng lập và Giám đốc điều hành của công ty là Lei Jun, thuộc nhóm 23 người giàu nhất Trung Quốc theo tạp chí Forbes .

2. Meituan-Dianping (Giá trị 20 tỷ USD)

Đây là một thương vụ sáp nhập lớn trong trong tháng 10 tại Trung Quốc, giữa hai startup Meituan và Dianping. Meituan là một startup bản sao của Groupon, chuyên cung cấp các voucher của những nhà hàng, khu vui chơi giải trí và khách sạn. Startup này được đầu tư bởi Alibaba, đến nay đã có lượng người dùng đạt con số 20 triệu và có chi nhánh tại hơn 1.000 thành phố của Trung Quốc.

Còn Dianping là một startup chuyên đánh giá các nhà hàng, quán ăn giống như Yelp. Công ty cho biết đã hiện diện tại 1.100 thành phố của Trung Quốc và được định giá hơn 4 tỷ USD. Cùng với startup Meituan được định giá 7 tỷ USD, liên minh này trở thành startup có giá trị lớn thứ 2 tại Trung Quốc.

3. Didi Kuaidi (Giá trị 16,5 tỷ USD)

Didi Kuaidi cũng là một liên minh được sáp nhập bởi Didi Dache và Kuaidi Dache, nhằm cạnh tranh với dịch vụ cho đi nhờ xe Uber tại thị trường Trung Quốc. Với việc sáp nhập thành một, Didi Kuaidi đã trở thành startup ứng dụng gọi phương tiện giao thông lớn nhất tại Trung Quốc. Công ty này tuyên bố họ có 6 triệu lượt đi mỗi ngày, cao gấp 6 lần so với Uber.

4. Lufax (Giá trị 10 tỷ USD)

Lufax là một startup tài chính hoạt động trực tuyến trên internet, cung cấp dịch vụ cho vay P2P là sản phẩm duy nhất của mình. Đây là dịch vụ kết nối giữa những người có tiền mặt và những người đang cần vay vốn để đầu tư, còn Lufax chỉ như một người trung gian. Trên mỗi một khoản vay, Lufax sẽ tính phí 4% tổng số tiền.

Startup này còn có một mạng lưới liên kết giữa các quỹ đầu tư, bảo hiểm và các nhà tư vấn tài chính giúp cho mọi giao dịch được thực hiện minh bạch và an toàn nhất. Tính đến đầu năm 2015, đã có 10 triệu người dùng đăng ký dịch vụ của Lufax.

5. Zhong An Online (Giá trị 8 tỷ USD)

Zhong An Online là một startup cung cấp dịch vụ bảo hiểm các tài sản trực tuyến, các tài sản vô hình. Đây là một dịch vụ bảo hiểm còn khá mới mẻ và chưa có nhiều người được tiếp cận, tuy nhiên nó cho thấy tiềm năng phát triển rất lớn.

Đây cũng là một trong ít dự án có sự đầu tư của cả hai gã khổng lồ Alibaba và Tencent. Chính Jack Ma và Pony Ma, chủ tịch của Alibaba và Tencent đã cùng nhau thành lập startup này vào năm 2013.

6. DJI Innovations (Giá trị 8 tỷ USD)

DJI là startup công nghệ chuyên phát triển và chế tạo máy bay không người lái (drone) tích hợp camera và thương hiệu này cũng khá phổ biến trên thế giới. Sự việc mới đây nhất khiến cho cái tên DJI được nhắc đến khá nhiều chính là vụ một chiếc drone của hãng này bay vào bên trong khuôn viên Nhà Trắng. Trong năm 2015, DJI dự kiến đạt doanh thu 1 tỷ USD và bán được 400.000 chiếc drone.

7. VANCL (Giá trị 3 tỷ USD)

Được thành lập cách đây gần một thập kỷ, VANCL là một startup thương mại điện tử chuyên bán lẻ quần áo và các đồ thời trang cho những người trẻ. Giống như thương hiệu Uniqlo của Nhật, VANCL chỉ bán hàng online và không có các cửa hàng bán lẻ.

Được thành lập vào năm 2007, sau một năm startup này đạt được doanh thu 19,1 triệu USD và đến năm 2011 công ty báo cáo đạt doanh thu 1,58 tỷ USD. Đó là sự tăng trưởng đáng kinh ngạc và VANCL cũng đã từng có ý định IPO tại Mỹ, tuy nhiên kế hoạch đó đã không trở thành hiện thực và cho đến nay nó vẫn chỉ là một startup với giá trị khoảng 3 tỷ USD.

8. Ele.me (Giá trị 3 tỷ USD)

Ele.me chính là đối thủ cạnh tranh trực tiếp với Meituan-Dianping của Alibaba, startup này được đầu tư bởi Tencent. Ele.me có nghĩa là “Bạn có đói không?”, một ý tưởng rất hay đối với một dịch vụ giao hàng thực phẩm và bán voucher.

Startup này được xem như là kẻ đi tiên phong trong việc phát triển dịch vụ giao đồ ăn tại Trung Quốc. Hiện tại dịch vụ này có khoảng 40 triệu người sử dụng và hiện diện tại hơn 260 thành phố của Trung Quốc. Ele.me cùng với Meituan của Alibaba và Waimai của Baidu đang tạo ra thế kiềng 3 chân tại thị trường giao đồ ăn của Trung Quốc.

9. Koudai Shopping (Giá trị 1,45 tỷ USD)

Tencent cũng có ý định chen chân vào mảng thương mại điện tử của đế chế Alibaba bằng cách đầu tư vào startup Koudai Shopping. Ứng dụng Koudai Shopping cho phép bất kỳ ai cũng có thể bán hàng trên WeChat và Weibo, biến mạng xã hội và ứng dụng tán gẫu này thành một mô hình thương mại điện tử.

10. Tujia (Giá trị 1 tỷ USD)

Tujia là câu trả lời của Trung Quốc đối với dịch vụ cho ngủ nhờ Airbnb đang rất phổ biến tại Mỹ và Châu Âu. Tuy nhiên khác với Airbnb, nơi bất kỳ ai cũng có thể đăng tải thông tin và cho phép người khác đến ở nhờ. Thì Tujia có một đội ngũ kiểm tra và dọn dẹp những căn hộ được đăng tải để đảm bảo chất lượng tốt nhất.

Mặc dù vậy nếu như so sánh với startup có giá trị 25 tỷ USD ở trên thì thật khập khiễng. Nhưng các nhà đầu tư đánh giá rằng chính yếu tố địa phương sẽ giúp cho Tujia thành công tại thị trường Trung Quốc hơn là Airbnb.

 

Theo Trí Thức Trẻ/GenK