clock

Tài Chính

08:57 03-07-2023

6 tháng đầu năm, người mua vàng đang phải gồng lỗ, trong khi người gửi tiết kiệm nhẹ nhàng hưởng lãi

Cùng là tài sản an toàn, nhưng bức tranh sinh lời của nhà đầu tư vàng và tiết kiệm lại đang rất khác nhau. Chuyên gia cho rằng thời gian tới tiền gửi vẫn sẽ có ưu thế hơn vàng.

6 tháng đầu năm, người mua vàng đang phải gồng lỗ, trong khi người gửi tiết kiệm nhẹ nhàng hưởng lãi - Ảnh 1.

Hôm nay 02/07/2023, vàng SJC được mua vào với giá 66,35 triệu đồng/lượng và bán ra ở mức 67,05 triệu đồng/lượng. Nếu mua vàng hồi đầu năm, nhà đầu tư đang lỗ 350 nghìn đồng/lượng.

Vàng nhẫn tròn trơn 24k sau khi tăng mạnh hồi tháng 5, cũng đã quay đầu lao dốc, hiện giá mua vào còn 55,25 triệu đồng/lượng, bán ra 56,25 triệu đồng/lượng. Nếu mua vàng nhẫn hồi đầu năm và bán ra lúc này, nhà đầu tư có lãi khoảng 1 triệu đồng/lượng, tương đương khoảng 2%. Trong khi đó nếu mua đúng đợt vàng nhẫn tăng trong tháng 5 thì có thể nhà đầu tư đang bị lỗ tới 2 triệu/lượng, tương đương lỗ 4%.

Trên thị trường quốc tế, giá kim loại quý này đang được giao dịch ở mức gần 1.920 USD/Ounce, tăng hơn 5% so với đầu năm.

Mặt khác, theo các thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tháng 12/2022, lãi suất tiền gửi 6-12 tháng chính thức vượt các kỳ hạn dài (trên 12 tháng). Cụ thể, lãi suất tiền gửi bình quân ở các ngân hàng thương mại cao nhất ở kỳ hạn 6-12 tháng là 7,6%; kỳ hạn 12-24 tháng là 7,4%; trên 24 tháng là 7,2%.

Trên thực tế, ở thời điểm ấy, không ít ngân hàng sẵn sàng chi trả lãi suất tiết kiệm lên đến hơn 10%/năm ở các kỳ hạn 6-12 tháng. Điều này đã kích thích nhiều nhà đầu tư đã tham gia gửi tiền ở kỳ hạn 6 tháng. Đến nay các sổ tiết kiệm này đã dần đáo hạn và người gửi tiền đã có thể lãnh những khoản lãi lớn.

6 tháng đầu năm, người mua vàng đang phải gồng lỗ, trong khi người gửi tiết kiệm nhẹ nhàng hưởng lãi - Ảnh 2.

Theo ông Ngô Thành Huấn, Giám Đốc Điều Hành tại công ty Tư vấn tài chính và quản lý gia sản FIDT, vàng và tiền gửi đều là các kênh đầu tư có tính phòng thủ, song xét về dài hạn, kênh tiền gửi đang có nhiều ưu thế hơn so với vàng. Thời gian tới, tiền vẫn sẽ tìm đến vàng nhưng không nhiều như trước.

“Hiện nay, các dịch vụ trực tuyến của ngân hàng đang rất phổ biến. Nhà đầu tư có thể gửi tiết kiệm ngay trên điện thoại hoặc ngân hàng, lãi suất gửi online cũng thường cao hơn so với gửi tại quầy, không phải mất công lưu giữ các loại giấy tờ như trước. Trong khi đó, với vàng vật chất lại nhà đầu tư lại phải tiến hành giao dịch trực tiếp và tốn công lưu giữ.

Ngoài ra, các nghiên cứu của chúng tôi cũng cho thấy, đặc thù về khẩu vị đầu tư của thế hệ người trung lưu trẻ ở Việt Nam đã thay đổi nhiều so với thế hệ trước, nên sức hút của vàng đã giảm đi đáng kể. Hiện đối tượng nắm giữ vàng với mục đích phòng thủ chủ yếu là các nhà đầu tư tuổi trung niên trở lên, phần còn lại thì đang xem vàng như trang sức.

 

Từ 2 yếu tố trên, tôi cho rằng thời gian tới dòng tiền vẫn sẽ tìm đến vàng, song với mục đích đầu tư là không nhiều. Hiện tại, các khách hàng của chúng tôi cũng được khuyến nghị không nắm giữ vàng quá 5% tổng tài sản. Bên cạnh đó, trong dài hạn với ưu điểm thanh khoản nhanh, an toàn, tôi cho rằng trong dài hạn, tiền gửi ngân hàng sẽ là công cụ được đại đa số nhà đầu tư lựa chọn khi có nhu cầu phòng thủ”, ông Huấn đánh giá.

6 tháng đầu năm, người mua vàng đang phải gồng lỗ, trong khi người gửi tiết kiệm nhẹ nhàng hưởng lãi - Ảnh 3.

Ông Ngô Thành Huấn - Giám Đốc Điều Hành, công ty Tư vấn tài chính và quản lý gia sản FIDT

Về xu hướng dòng tiền thời gian tới, ông giám đốc vận hành FIDT cho rằng lãi tiết kiệm suất giảm đã giảm sâu và khiến dòng tiền tạm thời rời khỏi ngân hàng, để tìm đến các kênh có lợi tức cao hơn. Tuy nhiên, trong dài hạn, tiền gửi ngân hàng vẫn là một kênh không thể thiếu trong bức tranh tài chính tổng thể của các nhà đầu,

“Lãi suất huy động đã đạt đỉnh hồi quý 2 và sau đó giảm mạnh. Chúng tôi cho rằng, từ nay cho đến năm 2024, xu hướng này có thể vẫn sẽ tiếp tục, do hạ mặt bằng chi phí vốn vẫn là một trong những nội dung quan trọng trong công tác hỗ trợ nền kinh tế phục hồi của Chính phủ. Lãi suất giảm đã khiến dòng tiền dịch chuyển dần ra khỏi hệ thống ngân hàng.

Một số nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro thấp và vẫn muốn lợi nhuận tốt hơn so với lãi suất tiền gửi hiện tại vẫn ở lại với các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi của ngân hàng. Số khác với khả năng chấp nhận rủi ro cao đã tìm đến các kênh khác có suất sinh lời cao hơn như chứng khoán hay bất động sản.

Thực tế cho thấy, trên thị trường chứng khoán, thanh khoản bình quân mỗi phiên đã tăng hơn 50% so với đầu năm. Hay ở thị trường bất động sản, các phòng công chứng đã ghi nhận nhiều người đến giao dịch nhiều hơn, sự quan tâm của bên mua đã tăng lên trong thời gian gần đây so với 2 quý gần nhất.

Ngoài ra, sau khi các chính sách tiền tệ và tài khóa liên tục được tung ra, các doanh nghiệp đã và đang nhận được môi trường hỗ trợ phù hợp, tiền cũng được đưa vào để tái khởi động hoạt động sản xuất kinh doanh. Khi thị trường xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng nội địa dần phục hồi, tôi cho rằng tình hình của các doanh nghiệp còn có thể tích cực hơn” ông Ngô Thành Huấn dự báo.

Chuyên gia từ FIDT nói thêm, trong một giai đoạn thị trường đi lên sẽ không thể nhanh mà cần có quá trình và cả sự rung lắc. Do đó, nhà đầu tư và các chủ doanh nghiệp cần phải chuẩn bị bức tranh tài chính tổng thể rất kỹ lưỡng và dài hạn. Việc này là để tận dụng và tối ưu những sự thay đổi tích cực từ thị trường trong giai đoạn phục hồi kinh tế. Đồng thời, nên tham khảo ý kiến của các chuyên gia để có thể đảm bảo kế hoạch tài chính hiệu quả và bền vững.