DU LỊCH
14:02 10-11-2015Áp lực nhân lực cho ngành du lịch
Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động du lịch khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) thành lập cuối năm nay có thể khiến nhiều lao động du lịch bị mất việc…
Để tạo điều kiện cho lao động lành nghề di chuyển trong khu vực, từ đó thúc đẩy hoạt động đầu tư và thương mại, các nước ASEAN đã ký kết 8 Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRAs). Theo đó, cho phép chứng chỉ của lao động lành nghề được cấp bởi các cơ quan chức năng tương ứng tại một số quốc gia sẽ được thừa nhận bởi các nước thành viên khác trong khu vực. Trong lĩnh vực du lịch là Thỏa thuận công nhận lẫn nhau về lao động du lịch (MRA-TP).
MRA-TP được xem là nền tảng để tăng cường chuyển dịch lao động trong ngành du lịch giữa các nước ASEAN, cân bằng cung cầu đối với các nghề du lịch. Điều này có nghĩa là những người lao động của Việt Nam có thể sang làm việc tại các nước ASEAN và ngược lại, người lao động trong khối ASEAN có thể sang làm việc tại VN.
Hiện nay, ngành du lịch ASEAN đã xây dựng bộ tiêu chuẩn nghề chung cho 6 nghiệp vụ lễ tân, buồng, bếp, dịch vụ ăn uống, đại lý du lịch và điều hành tour với tổng số 32 chức danh nghề, không bao gồm nghề hướng dẫn viên du lịch. Giáo trình đào tạo nghề chung cũng đã được xây dựng. Một số nước như Indonesia, Malaysia và Thái Lan đã có cơ quan quốc gia cấp chứng chỉ nghiệp vụ du lịch cho người lao động.
Thực tế, việc thực hiện MRA-TP cũng mang lại một số bất lợi. Nhiều chuyên gia trong ngành cho rằng một khi thị trường lao động các nước ASEAN mở cửa, thách thức lớn sẽ đến với chính những người đang làm trong ngành du lịch. Đó là sự cạnh tranh của nguồn nhân lực có trình độ cao hơn đến từ các quốc gia trong khu vực như Philippines, Malaysia, Singapore, Thái Lan hay Indonesia.
Theo Tổng cục Du lịch, từ chỗ chỉ có 12.000 lao động vào năm 1990, đến nay ngành du lịch Việt Nam đã có 1,8 triệu lao động, trong đó lao động trực tiếp là 570.000 người.
Rõ ràng, với sự xuất hiện của nhiều công ty lữ hành cùng với các khu nghỉ dưỡng lớn được xây dựng khắp nơi trong cả nước, du lịch đang đóng một vai trò lớn trong việc tạo việc làm trong xã hội. Tuy nhiên, cũng giống như nhiều lĩnh vực khác, ngành du lịch luôn phải đối mặt với tình trạng thiếu nguồn nhân lực được đào tạo tốt.
Vì vậy, nếu lao động trong nước không nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng thực hành thì họ sẽ thua ngay trên chính sân nhà, hậu quả là sẽ nhiều người mất việc làm. Mặt khác, các doanh nghiệp du lịch ASEAN sẽ có nhiều cơ hội thu hút lao động tay nghề cao của Việt Nam.
Điều này cũng có nghĩa nếu doanh nghiệp du lịch trong nước không đổi mới, không phát triển để giữ chân lao động có tay nghề cao thì rất dễ để xảy ra tình trạng chảy máu chất xám.
Ông Phạm Hà – TGĐ Luxury Travel cho rằng, hầu hết các doangh nghiệp du lịch lữ hành đang thiếu hụt trầm trọng đội ngũ quản lý bậc trung. Khi thị trường lao động mở cửa với ngành này, các doanh nghiệp sẽ có nhiều cơ hội lựa chọn nhân lực hơn. Nhưng điều đó cũng đồng nghĩa, lao động trong nước sẽ có ít cơ hội hơn nếu trình độ ngoại ngữ, kỹ năng chuyên môn không được cải thiện nhanh.
Tuy nhiên, theo ông Hà Văn Siêu – Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Du lịch, thỏa thuận MRA-TP có thể tạo áp lực về việc làm cho lao động trong ngành, nhưng xét về tổng thể, thỏa thuận này có thể cải thiện chất lượng của ngành du lịch.
Thực tế, yếu kém về chất lượng nhân lực cũng đang là rào cản cho sự phát triển của ngành du lịch. Theo ông Siêu, hoạt động xuất, nhập khẩu lao động có thể mang lại một chất lượng dịch vụ tốt hơn, nâng cao năng lực cạnh tranh cho du lịch trong nước.
Một lợi ích nữa là MRA-TP sẽ giúp bổ sung phần lao động thiếu hụt trong ngành du lịch mà Việt Nam đang phải đối mặt. Theo Tổng Cục du lịch, mỗi năm VN cần thêm gần 40.000 lao động nhưng lượng sinh viên chuyên ngành ra trường chỉ khoảng 15.000 người một năm, trong đó chỉ hơn 12% có trình độ cao đẳng, đại học trở lên.
Tin liên quan
- Ai nói đi Phú Quốc là đắt đỏ, dưới đây là những trải nghiệm như người bản địa chỉ tốn chưa tới 100.000 đồng/người
- Sốc chưa: Bay từ TP.HCM đi Bangkok chỉ từ 18.000 đồng
- Hãng hàng không du lịch đầu tiên của Việt Nam chính thức cất cánh ra thế giới
- Vietnam Airlines nối lại 3 đường bay thường lệ giữa Việt Nam và Trung Quốc