clock

DU LỊCH

01:24 27-03-2019

Blogger du lịch nước ngoài nói rằng cà phê Việt Nam sẽ "thay đổi cuộc đời bạn" và đây là những lý do vì sao

Blogger du lịch Emily Kratzmann đã khẳng định trên trang Intrepid Travel (Úc) rằng: "cà phê Việt Nam sẽ thay đổi cuộc đời bạn".

"Nhắc đến cụm từ "cà phê ngon nhất thế giới", nhiều người sẽ nghĩ đến những cốc espresso bé xíu, hoặc những hạt cà phê rang thượng hạng được lẳng trên vai của một nông dân Colombia... tuy nhiên chỉ ở Hà Nội - Việt Nam, tôi mới thưởng thức được cốc cà phê ngon nhất trong mấy năm gần đây" là những gì mà blogger du lịch Emily Kratzmann đã chia sẻ trên trang Intrepid Travel.

"Cà phê Việt Nam sẽ thay đổi cuộc đời bạn".

Trong thực tế, Emily không phải người duy nhất. Nhiều blogger du lịch và hội những người thích du lịch đều đồng tình với ý kiến này, có người còn khẳng định: "Cà phê Việt Nam sẽ là thứ cà phê ngon nhất mà bạn từng thử, không cần bàn cãi".

Trên khắp các diễn đàn hỏi đáp như Quora, Reddit cũng đôi khi có những chủ đề về cà phê Việt Nam, mà những vấn đề xoay quanh thức uống "quốc dân" của chúng ta thường thường là một thắc mắc phổ biến của bạn bè quốc tế: "Cà phê Việt Nam có cái gì mà ngon thế?"

Thắc mắc của bạn bè quốc tế: "Cà phê Việt Nam có gì mà ngon như thế? Là tự nhiên hay là sử dụng hương liệu vậy?"

Hạt cà phê

Nếu là người mê cà phê, hẳn bạn sẽ biết về hai loại hạt cà phê nổi tiếng nhất là Robusta và Arabica. Hai loại này cho cà phê hai kiểu hương vị rất khác: Robusta có nhiều caffein hơn và cho vị đậm hơn, trong khi Arabica được đánh giá cao do có hương thơm đặc trưng, có hậu vị từ chua sang đắng với hàm lượng caffein thấp hơn.

So với Arabica thì Robusta rẻ hơn, ít được ưa chuộng hơn ở các nước phương Tây.

Tuy nhiên, hạt cà phê Robusta ở Việt Nam lại "xưng vương xưng bá" hơn hẳn Arabica. Do văn hoá cà phê ở Việt Nam phủ sóng rộng khắp từ phố lớn về ngõ nhỏ, từ cao cấp đến bình dân nên cà phê Việt Nam thường có giá thành rẻ hơn, do đó Robusta được chuộng hơn. Robusta có ít chất béo và đường hơn Arabica, nên có vị đậm đặc hơn rất nhiều.

Cách pha chế

Robusta ở nước ngoài thường được pha trộn cùng Arabica để đạt được sự hài hoà trong hương vị, chứ hiếm khi đứng một mình. Và nếu có được pha riêng vì cách pha chế ở nước ngoài cũng chú ý làm giảm ít nhiều hương vị quá đậm đặc của Robusta.

Những giọt cà phê được lọc qua bằng phin đều là những giọt cà phê đậm đặc nhất, chứa hết mọi tinh tuý của hạt cà phê, không bỏ sót gì.Tuy nhiên, ở Việt Nam thì ngược lại hoàn toàn. Hầu hết cà phê Việt Nam truyền thống đều là cà phê phin, với thời gian pha chế mất lâu hơn bình thường, nhưng đấy mới là bí quyết khiến cà phê Việt Nam có vị đậm đà như thế.

Mặt khác, trái với latte coffee có phần "nhạt nhoà" mà hầu hết người Việt sẽ không quen, cà phê sữa Việt Nam đậm từ cà phê đến sữa, bởi do sử dụng sữa đặc. Nhiều người uống cà phê đậm không quen có thể "ngất ngư" vì say cà phê, nhưng sau khi "tỉnh táo" lại thì không ai không công nhận sự độc đáo và hấp dẫn của món uống này.

Văn hoá uống cà phê

Văn hoá cà phê cũng là một phần làm nên sự "ngon" của cà phê. Trái với hình ảnh cà phê ở các nước khác, nơi mà người người nhà nhà đều cầm một chiếc ly giấy mua vội rồi vừa đi vừa kiểm tra email hoặc gọi điện cho đối tác, cà phê Việt Nam là thức để chậm rãi "chiêm nghiệm".

Uống một ly cà phê ở Việt Nam, người ta có thể mất từ 30 phút đến... 1 giờ đồng hồ hoặc hơn. Đơn giản là phải mất từ 10 đến 15 phút chờ cà phê phin "nhỏ giọt", rồi chậm rãi ngồi trò chuyện cùng bạn bè.

Người Việt uống cà phê là để thưởng thức, chứ hiếm khi uống vội để đi làm, chính vì thế mà hương vị cũng được cảm nhận rõ ràng hơn rất nhiều.

Sự sáng tạo

Trước cả khi Starbucks đến Việt Nam với nhiều món uống nhiều hương vị, người Việt Nam đã nghĩ ra nhiều loại cà phê khác nhau như cà phê trứng, cà phê cốt dừa, cà phê muối...

Những hương vị này khác các hãng cà phê lớn ở chỗ không làm mất vị cà phê, vẫn lấy cà phê làm chủ đạo mà khéo léo lợi dụng các nguyên liệu khác để trợ vị cho cà phê.

 
 

theo Trí Thức Trẻ