clock

Tài Chính

06:25 11-11-2015

Cần hành lang pháp lý hoàn chỉnh cho vay tiêu dùng

Năm 2016 được dự báo là năm bùng nổ của tín dụng tiêu dùng ở Việt Nam. Tuy nhiên, nhiều lo ngại cho rằng, các tổ chức tín dụng có khai thác được tiềm năng này hay để "tín dụng đen" thắng thế? Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, cần phải có hành lang pháp lý hoàn chỉnh để thị trường vay tiêu dùng phát triển lành mạnh.

* Ở vùng nông thôn, khái niệm "tín dụng tiêu dùng" còn khá xa lạ với người dân, vì sao vậy thưa ông?

- Việc các công ty tài chính (CTTC) tham gia thị trường cho vay tiêu dùng góp phần quan trọng ngăn chặn nạn "tín dụng đen", đặc biệt ở vùng sâu vùng xa. Tuy nhiên, điều này chỉ có thể xảy ra khi tạo điều kiện để tài chính tiêu dùng phát triển.

Trong đó, việc cho các CTTC được mở rộng mạng lưới ở địa phương là yếu tố quan trọng. Ngược lại, nếu cứ hành xử như hiện nay, có thể các CTTC không thể tập trung phát triển mà còn phải lo cạnh tranh với "tín dụng đen" dài dài.

* Giả sử, trước khi có chính sách hỗ trợ, các CTTC đành "bó tay" với "tín dụng đen"?

- Nhìn vào con số thống kê của 7 năm qua, tổng dư nợ cho vay tiêu dùng ở Việt Nam có mức tăng trưởng trung bình 20%/năm. Tỷ lệ cho vay tiêu dùng/GDP đạt 6,4%. Tín dụng tiêu dùng chiếm khoảng 5,6% tổng tín dụng.

Tỷ lệ cho vay tiêu dùng/tiêu dùng cuối cùng 7,3%. Dư nợ cho vay tiêu dùng bình quân xấp xỉ 1,5 triệu đồng/người. Tuy có tốc độ tăng trưởng trong mấy năm qua, nhưng mức dư nợ cho vay tiêu dùng của Việt Nam còn quá thấp so với trung bình của thế giới.

Qua các con số trên có thể khẳng định việc cho vay tiêu dùng của các tổ chức tín dụng vẫn có đất sống. Vì vậy, các CTTC dù không được hỗ trợ vẫn sống khỏe vì tiềm năng của thị trường còn chưa khai thác hết. Tuy nhiên, tôi cho rằng lĩnh vực này vẫn cần có sự tham gia hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý để thực hiện mục tiêu lớn hơn, đó là đẩy lùi tín dụng đen ra khỏi xã hội.

* Theo ông thì việc cho vay tín dụng tiêu dùng của các CTTC hiện nay đã hoàn hảo chưa, khi mà người dân vẫn còn chịu lãi quá cao?

- Nhiều người vay kiện cáo các CTTC vấn đề chính là lãi suất cao và hợp đồng không rõ ràng. Tuy nhiên, cần hiểu rằng, hoạt động của các CTTC đã được quy định khá cụ thể trong Luật các tổ chức tín dụng năm 2010 và Nghị định số 39/2014/NĐ-CP ngày 7/5/2014 của Chính phủ.

Tuy nhiên, hiện tại và trong tương lai, chắc chắn tín dụng tiêu dùng sẽ còn phát triển. Khi CTTC tăng, buộc phải cạnh tranh để đưa ra các sản phẩm tín dụng lãi suất thấp hơn thông qua việc kết hợp tiêu thụ sản phẩm thương mại trong liên kết kinh doanh với các nhà sản xuất. Từ đó, người tiêu dùng có thể tiếp cận được khoản vay rẻ hơn khi có nhu cầu vay tiêu dùng.

Để thị trường phát triển đúng hướng, thời gian tới, tôi cho rằng, cần xây dựng hành lang pháp lý hoàn chỉnh, theo hướng khuyến khích phát triển mảng hoạt động cho vay tiêu dùng với các món vay nhỏ, phục vụ cho đời sống nhân dân.

* Cảm ơn ông!

HOÀNG LONG/ DNSG