DOANH NHÂN
14:14 21-12-2024"Tôi không làm nữa đâu, đòi hỏi nhiều quá": CEO Canifa kể chuyện bị "mắng" khi chọn lối đi khó trong ngành thời trang
Bị yêu cầu tuân thủ nhiều tiêu chuẩn, một nhà cung cấp đã phản ứng khá gay gắt với CEO Đoàn Thị Bích Ngọc. Nhưng điều thú vị là về sau, chính người đó trở thành bạn đồng hành bền vững của Canifa.
Nói đến kinh doanh và thời trang giai đoạn hậu COVID-19, hầu hết mọi người sẽ nghĩ đến “rủi ro” và “khó khăn”. Thế nhưng, khi được hỏi về những “chông gai” trong công việc, bà Đoàn Thị Bích Ngọc, Tổng giám đốc thương hiệu Canifa, phải mất một lúc lâu để… suy nghĩ. Và câu trả lời khá bất ngờ: “Tôi cảm thấy mình bị lạc quan quá rồi, chẳng thấy có gì là khó khăn. Tôi tâm niệm mình lựa chọn và sẽ hết mình với nó”.
Từ chiếc áo len được “tái sử dụng” tới cánh đồng bông nước Mỹ
Quay trở lại những ngày còn nhỏ, bà Đoàn Thị Bích Ngọc vẫn còn nhớ như in cái lạnh của những năm 80. Những chiếc áo len mới có thể coi như món đồ xa xỉ với những đứa trẻ thời bấy giờ. Qua mỗi mùa, những đứa trẻ cứ thế lớn lên, chiếc áo cũ không thể mặc vừa. Giải pháp của các bà mẹ thời đó là gỡ những chiếc áo len cũ ra, rồi đan lại thành một chiếc mới. Trùng hợp, tạo ra vòng đời dài hơn cho sản phẩm, phát triển bền vững cũng chính là “kim chỉ nam” của Canifa từ những ngày đầu thành lập.
Nếu như thuật ngữ “thời trang bền vững” mới được nhắc đến nhiều trong những năm gần đây, thì Canifa đã biến nó thành xương sống trong suốt hơn 30 năm qua. Ngay từ khi thành lập, Canifa đã xác định theo đuổi sứ mệnh thúc đẩy thời trang bền vững để không chỉ mang lại “niềm vui mặc đẹp cho hàng triệu cho gia đình Việt” mà còn góp phần bảo vệ môi trường, giảm thiểu các tác động tiêu cực đến từ ngành công nghiệp thời trang, thể hiện trách nhiệm của một doanh nghiệp đối với xã hội.
Để làm được điều này, Canifa xác định phải xây dựng một hệ sinh thái bền vững. Thương hiệu ưu tiên lựa chọn các đơn vị cung cấp trong chuỗi giá trị bền vững mà mình hướng đến, từ nguyên vật liệu đến sản xuất, sáng tạo. “Đội ngũ nhân viên Canifa cũng rất phấn khích và thích thú khi được làm nghề một cách sâu sắc. Với các đối tác, chúng tôi định hướng không chỉ là quan hệ thương mại đơn thuần mà còn là tìm hiểu sâu về cái nguồn gốc xuất xứ, về sản phẩm, về nguyên vật liệu để từ đấy kể chuyện cùng với khách hàng”, bà Đoàn Thị Bích Ngọc cho hay.
Bà và những người cộng sự của mình đã đi đến nhiều nơi trên thế giới để tận mắt hiểu được cách tạo ra sợi vải. Bà nói đùa rằng “ở đâu tạo ra nguyên vật liệu, ở đâu có công nghệ thì chúng tôi lên đường thôi”. Trong hành trình đó, cánh đồng bông ở Mỹ là một trong những nơi đã níu chân bà. Nữ Tổng giám đốc nhớ lại: “Đối tác đã phải thốt lên rằng, ‘bà có thực sự muốn sang Mỹ chỉ để đến cánh đồng bông, đến nhà máy hay không?’. Tôi bảo “Đúng rồi”. Họ không tin, vẫn cố hỏi tôi có chắc chắn không? Tôi quả quyết: ‘Chắc chắn là như vậy’. Tôi khao khát được tìm hiểu, để tự tin đem đến cho người tiêu dùng những câu chuyện thực tế. Đó là niềm hạnh phúc trong nghề mà không gì có thể sánh nổi.”
Bà đã tận mắt nhìn thấy mảnh đất nơi có cây bông kết trái, những gia đình hàng trăm năm làm nghề, câu chuyện cha truyền con nối, để rồi đưa nguồn nguyên liệu đó về Việt Nam.
“Tôi không làm với Canifa nữa đâu, đòi hỏi nhiều quá”
Thực tế là, bông không phải nguyên liệu duy nhất được sử dụng tại Canifa. Ngành thời trang nói chung sẽ có ba nhóm nguyên vật liệu cơ bản. Nguyên vật liệu phổ biến nhất làm từ dầu mỏ, tức là polyester, ni lông… Nguyên liệu thứ hai là từ các loại cây, ví dụ như bông hoặc tre, lanh... Nguyên liệu thứ ba là từ động vật như cừu, dê, tằm…
Đi theo thời trang bền vững đồng nghĩa với việc phải đáp ứng được nhiều yêu cầu khắt khe… Canifa cũng không ngoại lệ. Thương hiệu chú trọng vào xuất xứ và quy trình sản xuất của nguyên vật liệu, lựa chọn các nhà cung cấp cam kết giảm thiểu tác động xấu đến môi trường. Đơn vị cung ứng phải tuân thủ các quy định xử lý nước thải, cam kết hạn chế gây hại đến hệ sinh thái, đảm bảo tính bền vững trong suốt vòng đời sản phẩm.
Nữ CEO còn nhớ, những ngày đầu, bà nhận được cuộc gọi từ một nhà cung cấp. Họ nói: “Anh không làm với em, không làm với Canifa nữa đâu, bởi vì bọn em đòi hỏi nhiều quá.” Từ 2014, Canifa đã đi đầu, sở hữu chứng chỉ về tiêu chuẩn hàng đầu thế giới OE-Kotex. Trong bước tiến mới cùng sự khai trương của nhà máy vào năm 2018 đạt chứng chỉ LEED, Canifa chuyển sang sử dụng các nguồn nguyên liệu chất lượng cao được chứng nhận Cotton USA - nguyên liệu bông chất lượng cao, được trồng tại Mỹ, bảo đảm các tiêu chuẩn về bền vững đã được sử dụng trước đó như sợi cà phê, sợi ngô….
Chẳng ai có thể ngờ người từng từ chối hợp tác sau này lại trở thành người bạn đồng hành lâu bền và thấu hiểu nhất của Canifa. Lý do rất đơn giản, đã làm quen và hiểu rồi thì việc hợp tác sẽ rất suôn sẻ.
Hiện nay đối với các dòng sản phẩm có chứng nhận quốc tế như Oeko-Tex hay Disney, Canifa sẵn sàng hợp tác với các nhà cung cấp để xây dựng và hoàn thiện quy trình kiểm soát chất lượng. Ngoài việc duy trì mối quan hệ hợp tác với các nhà cung cấp cũ đã đạt 100% các tiêu chuẩn và chứng nhận của Canifa, công ty cũng luôn tìm kiếm các đối tác gia công mới có đủ năng lực và đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, để mang lại những sản phẩm thời trang bền vững và chất lượng cho khách hàng.
Bà Ngọc tự tin khẳng định: “Thực ra chúng tôi không chỉ là một thương hiệu thời trang hay một nhà sản xuất mà là một hệ sinh thái của nền công nghiệp thời trang. Chúng tôi bắt đầu từ nghiên cứu cho đến sản xuất, xây dựng thương hiệu và xúc tiến bán hàng. Canifa không phải đơn vị thương mại hay chuyên sản xuất. 30 năm không phải là một khoảng thời gian ngắn. Khoảng thời gian đó giúp chúng tôi hiểu rõ con đường mình đi (theo đuổi thời trang bền vững) thuận lợi và khó khăn như thế nào.”
Muốn bền vững phải bền bỉ
Có thể nói, nhiều tiêu chuẩn, nhiều vật liệu tốt, nhiều câu chuyện được gói trong sản phẩm của Canifa, nhưng vấn đề là làm thế nào để khách hàng tiếp nhận được câu chuyện đó khi điều ưu tiên đối với họ dường như luôn là hình thức và giá tiền.
Ngay từ đầu, Canifa đã chọn hai thứ. Một là sản xuất tại Việt Nam. Thứ hai là cố gắng để tỉ lệ nguồn cung cấp từ Việt Nam nhiều nhất có thể. Ước tính, hiện tại, khoảng 70% đối tác cung cấp của Canifa là đơn vị trong nước. Điều này mất khá nhiều thời gian, vì các nhà cung cấp phải hoàn thiện về công nghệ và sản xuất số lượng lớn, từ đó tối ưu chất lượng và giá thành.
“Keyword của chúng tôi là bền bỉ. Chúng tôi buộc phải bền bỉ”, Tổng giám đốc Canifa cho hay.
Đại diện Canifa cho biết, nhãn hàng nỗ lực xây dựng một thương hiệu thời trang chuẩn quốc tế của người Việt. Sản phẩm của Canifa cần hướng đến nhiều đối tượng khách hàng, đảm bảo mọi người đều có thể tiếp cận nhưng vẫn phải giữ vững tiêu chuẩn chất lượng cao, mang đến cho người tiêu dùng những sản phẩm chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế, đáp ứng các tiêu chí đảm bảo an toàn, mang lại sự thoải mái mà vẫn phải thân thiện với môi trường.
Canifa cũng đặc biệt chú trọng vào việc truyền tải tới khách hàng về tầm quan trọng của việc lựa chọn sản phẩm có trách nhiệm, không chỉ là về thời trang mà còn ở khía cạnh xã hội và môi trường. Nhờ vào việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế, tối ưu hóa chuỗi cung ứng, và cam kết “làm thật, nói thật,” Canifa đã xây dựng được một cộng đồng khách hàng trung thành, tin tưởng vào chất lượng quốc tế và giá trị Việt Nam của sản phẩm.
Kết quả đạt được |
Thùy Anh
Tin liên quan
- "Tôi không làm nữa đâu, đòi hỏi nhiều quá": CEO Canifa kể chuyện bị "mắng" khi chọn lối đi khó trong ngành thời trang
- TS. Cấn Văn Lực: "Đi làm 24 năm, gần hết đời công chức mua được mỗi cái nhà, còn nuôi ai?"
- Con trai thứ hai của tỷ phú Phạm Nhật Vượng giữ nhiều vai trò quan trọng ở Vingroup: Là những vị trí nào?
- Chủ tịch Nguyễn Đức Tài: 10 năm nữa các shop online mới có dịch vụ hậu mãi "ngon lành"