clock

Thế Giới

07:17 04-11-2015

Chính khách Nhật nào làm nên vụ IPO lớn nhất thế giới năm 2015?

Trên thực tế, quá trình chuẩn bị cho việc IPO tập đoàn bưu chính lớn nhất Nhật đã được khởi động từ cách đây hơn 10 năm và có công rất lớn của cựu Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi.

Ngày hôm nay, sau khi tiếng chuông của Sở giao dịch chứng khoán Tokyo reo 15 lần, cổ phiếu của tập đoàn Japan Post Holdings, Japan Post Bank và Japan Post Insurance sẽ chính thức được bán ra thị trường. Đây là đợt IPO có giá trị lớn nhất thế giới trong năm 2015. Cấu trúc của tập đoàn bưu chính lớn nhất của Nhật sẽ thay đổi vĩnh viễn.

Ở thời điểm hiện tại, chắc hẳn chính quyền của Thủ tướng Nhật Shinzo Abe đang rất hài lòng. Chỉ 2 tuần sau khi họ thắng lợi với TPP và mang đến nguồn sinh khí mới cho kinh tế Nhật, đợt IPO lần này dự kiến cũng sẽ mang lại nhiều thay đổi lớn tích cực. Đợt IPO của Japan Post dự kiến sẽ mang về khoảng 11,5 tỷ USD,và là đợt IPO lớn nhất tại Nhật trong hơn 2 thập kỷ.

Theo ông Gavin Parry, giám đốc điều hành tại Parry International Trading, đợt IPO lần này mang đến một điểm cộng quan trọng cho chính quyền của ông Abe và chương trình kích thích kinh tế Abenomics.

Bởi vì đợt IPO lần này nhắm đến các nhà đầu tư cá nhân, nếu nhà đầu tư cá nhân thu lợi được từ việc mua cổ phiếu của Japan Post, chắc chắn họ sẽ tiêu dùng nhiều hơn. Trong bối cảnh tiêu dùng tại Nhật đã sụt giảm liên tiếp nhiều tháng qua khiến chính phủ của ông Abe lo lắng, khả năng sắp có thêm một cú huých tiêu dùng là yếu tố đáng để lưu tâm.

Tổ chức có lịch sử 144 năm tuổi này có vị thế cực kỳ quan trọng đối với đời sống của người Nhật. Đây là thương hiệu được tin tưởng nhất nước Nhật, ngân hàng lớn nhất và đồng thời là tổ chức đã tạo lập chính sách cho ngành bảo hiểm Nhật. Chính sách cổ phần hóa tập đoàn bưu chính Nhật đã là khiến biết bao nhiêu chính trị gia Nhật tranh cãi nảy lửa trong suốt hơn 2 thập kỷ qua.

Ngài thủ tướng đặt cược cả sự nghiệp chính trị vào Japan Post

Chính trị gia đi đầu trong kế hoạch cải tổ Japan Post chính là Cựu Thủ tướng Nhật Junichiro Koizumi. Ông được coi như một trong những nhà cải cách nổi bật nhất của nước Nhật thời kỳ hậu Chiến tranh Thế giới thứ Hai. Để có thể khởi động được quá trình chuẩn bị cho việc cổ phần hóa, ông đã chấp nhận đặt cược cả uy tín và sự nghiệp chính trị của mình.

Theo giáo sư Yuko Kawamoto thuộc đại học Waseda, hơn một thế kỷ sau, kiểu hoạt động của Japan Post vẫn mang tính chất quan liêu của thời kỳ phong kiến Nhật, chính vì thế Cựu Thủ tướng Koizumi đã quyết tâm thay đổi điều này.

Từ năm 2004, ông đã bổ nhiệm người đồng sự của mình tại đại học Keio - ông Heizō Takenaka vào vị trí Bộ trưởng Cải cách ngành Bưu điện để chuẩn bị cho quá trình tư nhân hóa Japan Post. Ông Heizō Takenaka từng được đánh giá cao về kinh nghiệm trong giải quyết cuộc khủng hoảng ngành ngân hàng Nhật trước đó.

Năm 2005, cuộc bầu cử tại Nhật diễn ra. Lần đầu tiên trong 50 năm, Đảng Dân chủ Tự do (LDP) bị chia rẽ nghiêm trọng cũng chính bởi vì chương trình cổ phần hóa Japan Post do ông Koizumi khởi xướng.

Khi đó, những chính trị gia hiện đại như ông Koizumi muốn rằng “những việc gì mà tư nhân làm tốt hơn thì nên để tư nhân làm” thế nhưng giới chính trị gia già vào bảo thủ trong đảng LDP đã không nghĩ như vậy, chính vì vậy, họ đã phản đối Koizumi đến cùng.

Theo nhiều chuyên gia bình luận chính trị, khi đó ông Koizumi như đã bị “đâm từ sau lưng”. Dù muốn cải tổ nhưng ông Koizumi đã không thể làm được bởi sự bảo thủ trong chính đảng của ông còn quá lớn. Ngoài ra, kế hoạch tư hữu hóa Japan Post cũng vấp phải sự phản ứng của nhiều cử tri nông thôn, những người lo sợ về khả năng khi Japan Post bị tái cơ cấu sau IPO sẽ khiến số chi nhánh tại các vùng nông thôn giảm, việc tiếp cận với dịch vụ ngân hàng và bưu điện của họ sẽ chịu nhiều hạn chế.

Sự kháng cự đối với kế hoạch cổ phần hóa Japan Post lên cao đến nỗi từ sau cuộc bầu cử năm 2005 cho đến năm 2009 khi ông Koizumi rời ghế Thủ tướng Nhật, tỷ lệ ủng hộ của người Nhật đối với đảng LDP giảm không ngừng. Năm 2009, Đảng Dân chủ Nhật đã chiến thắng đảng LDP của ông Koizumi bởi trong chiến dịch tranh cử của mình, họ đã không nhắc một từ nào đến cổ phần hóa Japan Post. Và khi đảng mới lên nắm quyền, kế hoạch IPO Japan Post đã bị gạt sang một bên.

Như vậy có thể nói, trong nhiệm kỳ của mình, ông Koizumi đã không IPO được Japan Post nhưng theo ý kiến của nhiều chuyên gia, chính quyền của Thủ tướng đương nhiệm Shinzo Abe đã được hưởng lợi rất nhiều từ sự chuẩn bị của ông Koizumi cách đây hơn 10 năm.

Quá trình vượt qua các cản trở để cổ phần hóa Japan Post của ông Abe được đánh giá là khá ngoạn mục, theo nhận xét của Jesper Koll, một chiến lược gia cao cấp tại quỹ đầu tư Wisdom Tree Investments tại Tokyo.

Cũng theo ông Koll, bối cảnh chính trị hiện nay tại Nhật thuận lợi cho ông Abe nhiều hơn rất nhiều so với người tiền nhiệm Koizumi cách đây 1 thập kỷ bởi nhiều chính trị gia bảo thủ của thời kỳ đó đã về hưu. Ngoài ra, tính cách mạnh mẽ và quyết liệt của ông Abe cũng đã giúp ông phần nào trong việc đưa kế hoạch IPO Japan Post đến thành công.

Những con số ấn tượng nhất của đợt IPO của Japan Post

1,44 nghìn tỷ yên

Đây là số tiền dự kiến thu được từ đợt IPO của Japan Post, tính theo đôla Mỹ nó tương đương khoảng xấp xỉ 12 tỷ USD. Đây là đợt IPO lớn nhất nước Nhật trong thế kỷ 21 và lớn nhất thế giới trong năm 2015.

24.464 chi nhánh

Japan Post có số lượng chi nhánh nhiều hơn tất cả các ngân hàng lớn nhất ở Nhật cộng lại. Japan Post có nhiệm vụ đảm bảo dịch vụ bưu chính trên toàn quốc, kể cả những vùng xa xôi nhất. Chính vì vậy Japan Post sẽ không thể cắt giảm được chi phí bằng cách giảm số lượng chi nhánh hay sa thải bớt người trong tổng số 200 nghìn nhân viên làm việc toàn thời gian cố định.

18,2 tỷ bức thư, bưu phẩm, bưu thiếp

Trong năm tài khóa kết thúc vào 31/3/2015, người Nhật đã gửi 18,2 tỷ bức thư, bưu phẩm, bưu thiếp. Con số này nếu nhìn qua có vẻ cao thế nhưng thực ra so với 7 năm trước, nó đã thấp hơn đến 3 tỷ. Nguyên nhân chính khiến số lượng thư, bưu phẩm, bưu thiếp giảm là bởi sự phát triển bùng nổ của email, tin nhắn và mạng xã hội.

Trong bối cảnh đó, Japan Post đang tập trung định hướng phát triển vào hoạt động vận tải và mở rộng tại các thị trường nước ngoài. Mới đây, Japan Post đã mua lại công ty vận tải Toll Holdings với giá 4,6 tỷ USD, đây là vụ thâu tóm lớn nhất trong lịch sử tập đoàn.

178 nghìn tỷ yên

Với tổng tiền gửi 178 nghìn tỷ yên, tức tương đương 1,5 nghìn tỷ USD, Japan Post có lượng tiền gửi cao hơn bất kỳ ngân hàng nào của Nhật. Việc tập đoàn này làm gì với khối tiền gửi trên là điều mà các ngân hàng khác và thị trường tài chính Nhật đặc biệt quan tâm. Japan Post đã đầu tư hơn một nửa số tiền trên vào trái phiếu chính phủ Nhật.

Bộ phận ngân hàng trực thuộc Japan Post đã xin phép để cung cấp dịch vụ tín dụng cho người dân mua nhà và doanh nghiệp, nếu được cấp phép, chắc chắn ngành tín dụng truyền thống của Nhật sẽ chịu rất nhiều áp lực.

Không chỉ có vậy, các nhà hoạch định chính sách Nhật còn còn đang tính đến việc cho phép nâng mức trần gửi tiền gửi tiết kiệm của người dân tại Japan Post lên trên 10 triệu yên. Nếu đề xuất này được chấp thuận, chắc chắn hệ thống nhận tiền gửi của các ngân hàng Nhật truyền thống sẽ đối diện với nhiều thách thức.

Hiện nay, hệ thống ngân hàng truyền thống của Nhật có 113 ngân hàng với tổng số 13.763 chi nhánh.

23%

Lợi nhuận trong năm tài khóa vừa qua của Japan Post đã giảm 23% do nguồn thu từ trái phiếu chính phủ Nhật giảm khi lợi suất đi xuống. Lợi nhuận của tập đoàn Japan Post hiện nay chủ yếu đến từ mảng ngân hàng và bảo hiểm, mảng bưu chính đóng góp lợi nhuận thấp nhất so với các mảng khác.

86.500 chiếc xe máy

Hiện nay, các nhân viên của Japan Post đang sử dụng khoảng 86.500 chiếc xe máy để chuyển thư, bưu phẩm, hàng hóa hàng ngày.

79 tuổi

Đây chính là số tuổi của ông Taizo Nishimuro, chủ tịch tập đoàn Japan Post Holdings. Trước đây ông từng đảm nhiệm chức vụ CEO của tập đoàn Toshiba. Ông được chính phủ Nhật đưa vào vị trí chủ tịch Japan Post cách đây 2 năm với nhiệm vụ giám sát quá trình IPO tập đoàn. Nay khi nhiệm vụ đã hoàn tất, chưa rõ ông sẽ tại vị đến khi nào.

Ngọc Thúy/ Trí Thức Trẻ