clock

Trong Nước

08:25 06-08-2024

Chưa đầy 6 năm nữa, hai tỉnh giàu giáp TP HCM có thể lên thành phố trực thuộc trung ương

Nếu hai tỉnh này lên thành phố trực thuộc trung ương đúng kế hoạch, đến năm 2030, Đông Nam Bộ sẽ có 3 thành phố trung ương và 3 tỉnh.

Nội dung chính

  • Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu xác định đến năm 2030 sẽ trờ thành hoặc đủ tiêu chuẩn thành phố trực thuộc trung ương.
  • Đây là hai tỉnh có kinh tế phát triển top đầu cả nước.

Hiện nay, vùng Đông Nam Bộ (hay miền Đông) có các địa phương Thành phố Hồ Chí Minh và 5 tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai và Tây Ninh. Trong đó, TP HCM là thành phố trực thuộc trung ương (đô thị loại đặc biệt).

Theo quy hoạch các tỉnh thành trên đã được phê duyệt thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, có hai tỉnh là Bà Rịa - Vũng Tàu và Bình Dương định hướng trở thành hoặc đủ tiêu chuẩn thành phố trực thuộc trung ương. Các địa phương còn lại vẫn duy trì và phát triển tiềm năng kinh tế nhưng không có định hướng là thành phố trung ương.

Đến năm 2030, Bà Rịa - Vũng Tàu đủ tiêu chuẩn TP trung ương

Cụ thể, tại Quy hoạch tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh này "đến năm 2030 cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương".

Theo đó, quy hoạch nêu mục tiêu tổng quát rằng xây dựng tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát triển toàn diện, trở thành một trong những khu vực động lực phát triển quan trọng của Vùng Đông Nam Bộ, là trung tâm kinh tế biển quốc gia và nằm trong nhóm 5 địa phương phát triển kinh tế biển hàng đầu của cả nước, đến năm 2030 cơ bản đủ tiêu chuẩn của thành phố trực thuộc Trung ương, cơ cấu đô thị đa trung tâm, kết cấu hạ tầng giao thông đa phương thức.

Bà Rịa - Vũng Tàu đặt mục tiêu duy trì nhóm 10 địa phương có quy mô GRDP và tổng thu ngân sách nhà nước cao nhất cả nước.

Đồng thời, duy trì vững chắc vị trí trong nhóm 10 địa phương có quy mô GRDP và tổng thu ngân sách nhà nước cao nhất cả nước; phát triển kinh tế hài hòa với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống người dân và bảo vệ môi trường, quản lý và sử dụng hiệu quả tài nguyên, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ.

Còn đến năm 2050, Bà Rịa - Vũng Tàu là trung tâm kinh tế biển quốc gia; trung tâm dịch vụ hàng hải của khu vực Đông Nam Á; trung tâm du lịch chất lượng cao đẳng cấp quốc tế; một trong những trung tâm công nghiệp lớn của Vùng Đông Nam Bộ.

Địa phương sẽ có hệ thống kết cấu hạ tầng hoàn thiện, hiện đại; môi trường sống an toàn, trong lành, chất lượng cao; xã hội phát triển hài hòa với thiên nhiên, kinh tế phát triển hiệu quả theo hướng kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, kinh tế carbon thấp và thực hiện mục tiêu đạt phát thải ròng bằng "0".

Bình Dương sẽ trở thành TP trung ương vào năm 2030

"Đến năm 2030, Bình Dương sẽ trở thành thành phố trực thuộc Trung ương", Quy hoạch tỉnh Bình Dương thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 xác định.

Đồng thời, đến năm 2030, Bình Dương là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á; dẫn đầu về khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, trung tâm công nghiệp dịch vụ hiện đại; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội

 
Đến năm 2030, Bình Dương là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của khu vực Đông Nam Á.

Và hệ thống đô thị phát triển đồng bộ, hiện đại, thông minh, bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu, môi trường sinh thái được bảo vệ. Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, xây dựng xã hội phồn vinh, văn minh hiện đại; bảo đảm quốc phòng - an ninh và trật tự an toàn xã hội.

Tầm nhìn đến năm 2050, xây dựng Bình Dương trở thành trung tâm đô thị, công nghiệp, dịch vụ hiện đại, mang tầm khu vực và quốc tế, là một trong những đầu tàu thúc đẩy phát triển kinh tế quốc gia với động lực tăng trưởng chính là công nghiệp, dịch vụ, đổi mới sáng tạo, có cơ sở kinh tế vững chắc, sức cạnh tranh cao; người dân được hưởng thụ chất lượng cuộc sống cao, có mức thu nhập tương đương các nước phát triển.

Kinh tế Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu ra sao?

Hiện Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu là hai địa phương có kinh tế phát triển top đầu cả nước.

Năm 2023, tổng sản phẩm trong tỉnh Bình Dương (GRDP) ước tăng 5,97% so với cùng kỳ. GRDP bình quân đầu người đạt 172 triệu đồng/năm. Xuất siêu đạt khoảng 8,8 tỷ USD, với kim ngạch xuất khẩu đạt 30,9 tỷ USD, kim ngạch nhập khẩu ước đạt 22,1 tỷ USD. Tổng thu ngân sách ước đạt 73.258 tỷ đồng.

Tỉnh Bình Dương thu hút được 1,5 tỷ USD vốn FDI trong năm 2023. Lũy kế đến đầu năm 2024, Bình Dương đứng thứ 2 cả nước, chỉ sau TP HCM, về thu hút vốn đầu tư nước ngoài với 4.219 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 40,31 tỷ USD.

Cũng trong năm 2023, quy mô GRDP của tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu ước đạt 366.456 tỷ đồng và GRDP bình quân đầu người là 308,7 triệu đồng/người/năm, giảm 5,47% so năm 2022. Nếu trừ dầu khí, ước tính GRDP của tỉnh năm 2023 theo giá so sánh năm 2010 là 122.939,6 tỷ đồng, tăng 5,75% so với cùng kỳ năm trước.

Năm 2023, Bà Rịa-Vũng Tàu thu hút thêm khoảng 61.600 tỷ đồng vốn đầu tư mới và và vốn tăng thêm của các dự án, tương đương 2,52 tỷ USD, tăng hơn 26% so với năm 2022 và đạt gần 149% kế hoạch năm; trong đó, thu hút FDI đạt trên 1,4 tỷ USD, tăng 92% so với năm 2022.

 

Dy Khoa