clock

Thế Giới

13:08 13-12-2024

Chuyên gia kinh tế Campuchia: "Chúng tôi đủ khả năng trả nợ"

Đến 99% nợ công của Campuchia là nợ nước ngoài.

Tờ Khmer Times dẫn báo cáo từ Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia cho biết, tính đến cuối quý 3 năm 2024, Campuchia có tổng nợ công là 11,78 tỷ USD và vẫn duy trì ở mức bền vững và rủi ro thấp.

Báo cáo cho biết, trong số này có tới 99% hoặc 11,67 tỷ USD là nợ công nước ngoài (bao gồm 64% từ các đối tác phát triển (DP) song phương và còn lại từ các DP đa phương) và 1% hoặc 115 triệu USD là nợ công trong nước.

Cơ cấu nợ công bao gồm 45% là USD, 19% là SDR, 12% là JPY, 11% là CNY, 8% là EUR và 5% là các loại tiền tệ địa phương và các loại tiền tệ khác.

Từ quý 1 đến quý 3 năm 2024, các khoản vay mới được ký kết với các DP đạt 1,07 tỷ USD, tương đương 786,68 triệu SDR, chiếm 46% mức trần theo luật định (1,7 tỷ SDR).

 
Đến cuối quý 3 năm 2024, Campuchia có tổng nợ công là 11,78 tỷ USD.

Trong đó, Quyền rút vốn đặc biệt (Special Drawing Rights – SDR) là một tài sản dự trữ quốc tế có lãi suất được Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tạo ra vào năm 1969 để bổ sung cho các tài sản dự trữ khác của các nước thành viên. SDR được dùng như một đơn vị hạch toán của IMF và một số tổ chức quốc tế khác.

Theo đó, 38% được ký kết với các DP song phương và 62% với các DP đa phương. Số tiền vay tăng khoảng 7% so với cùng kỳ năm ngoái.

“Nhìn chung, tất cả các khoản vay đều có mức ưu đãi cao với thành phần tài trợ trung bình khoảng 47%”, theo báo cáo. Mục đích của các khoản vay mới này là tài trợ cho các dự án đầu tư công trong các lĩnh vực ưu tiên nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế bền vững dài hạn và tăng năng suất/sản xuất kinh tế của Campuchia.

Tất cả các chỉ số nợ chính trong năm 2024 đều thấp hơn nhiều so với ngưỡng. Giá trị hiện tại của nợ công và nợ nước ngoài được công khai bảo lãnh so với Tổng sản phẩm trong nước (GDP) là 19% so với ngưỡng 40%.

 
Mục đích của các khoản vay mới này là tài trợ cho các dự án đầu tư công của Campuchia. Ảnh minh hoạ.

Phát biểu về báo cáo, Aun Pornmoniroth, Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế và Tài chính Campuchia, cho biết tính bền vững của nợ công Campuchia là nhờ hệ thống quản lý nợ công vững mạnh.

Điều này bao gồm khuôn khổ pháp lý toàn diện, các chính sách, chiến lược và quy trình được xác định rõ ràng để quản lý mọi khía cạnh của quá trình vận hành, năng lực thể chế được nâng cao, nguồn nhân lực đủ mạnh và hệ thống CNTT tiên tiến để quản lý hoạt động và lưu trữ dữ liệu.

Campuchia dự kiến vay đến 2,7 tỷ USD

Pornmoniroth cho biết việc thực hiện nghiêm ngặt và cẩn thận các biện pháp chiến lược được nêu trong Chiến lược quản lý nợ công sẽ nâng cao khả năng vay nợ của Campuchia.

“Điều này sẽ cho phép Chính phủ Hoàng gia đảm bảo nguồn tài chính bổ sung để hỗ trợ đầu tư công vào các lĩnh vực ưu tiên, qua đó thúc đẩy đa dạng hóa nền kinh tế và khả năng cạnh tranh.

Những nỗ lực này tạo thành nền tảng để duy trì tăng trưởng kinh tế cao và toàn diện, hướng tới mốc quan trọng năm 2030 và Tầm nhìn Campuchia 2050”, ông nói.

Seun Sam, Chuyên gia phân tích chính sách tại Học viện Hoàng gia Campuchia, nói với tờ Khmer Times rằng năng lực kinh tế của Campuchia vẫn đủ để trả các nghĩa vụ cho các đối tác phát triển và các nước cho vay.

 
Chuyên gia của Campuchia cho rằng năng lực kinh tế của nước này vẫn đủ để trả các nghĩa vụ nợ.

“Campuchia là một quốc gia đang phát triển và chúng tôi cần nguồn tài trợ từ nhiều nguồn khác nhau, chẳng hạn như các nhà tài trợ và các đối tác phát triển khác, để phát triển đất nước”, ông Seun Sam nói.

Và cho biết thêm: “ Nợ công 11,78 tỷ USD là con số lớn, nhưng xét về khả năng tạo ra doanh thu của Campuchia thì vẫn ở mức có thể quản lý được ”.

Tháng 8/2024, Chính phủ Campuchia đã công bố chiến lược quản lý nợ công toàn diện trong năm năm từ năm 2024 đến năm 2028, phác thảo kế hoạch của chính phủ nhằm sử dụng nợ công cho nhiều dự án cơ sở hạ tầng khác nhau.

Theo chiến lược này, chính phủ Campuchia sẽ vay từ 2,3 tỷ đến 2,7 tỷ USD (tương đương từ 1,7 tỷ đến 2,5 tỷ Quyền rút vốn đặc biệt) hàng năm từ các tổ chức tài chính nước ngoài và các đối tác phát triển.

 

Dy Khoa