Thế Giới
09:48 26-01-2024Chuyện lạ ở quốc gia giàu bậc nhất thế giới: Cầm hơn 500 triệu đồng mua được ‘biệt thự gỗ’ 5 phòng ngủ, dân địa phương lắc đầu ‘cũ ta mới người’
Người dân địa phương coi những căn nhà này là gánh nặng, trong khi người nước ngoài coi đây là món hời.
Nhật Bản có hàng triệu ngôi nhà nông thôn bị bỏ hoang đang được rao bán. Đây là một món hời đối với người nước ngoài khi họ chỉ cần bỏ ra khoảng 23.000 USD là có thể sở hữu một ngôi nhà. Nhưng đằng sau tình trạng dư thừa này là cả một sự thay đổi trong văn hoá Nhật Bản.
Theo Khảo sát Nhà ở và Đất đai năm 2018 của nước này, Nhật Bản có hơn 8,5 triệu ngôi nhà bỏ hoang, hay còn gọi là akiya. Một số tổ chức khác như Viện nghiên cứu Nomura tính toán con số này lên đến gần 11 triệu căn. Viện dự đoán vào năm 2033, số akiya có thể vượt 30% số gia đình Nhật Bản.
Đối với người nước ngoài muốn thay đổi môi trường sống, akiya là một cơ hội tốt. Một số người ngoại quốc thậm chí mua nhà trống ở Nhật Bản để làm giàu bằng cách cho thuê lại.
Lý do tại sao mọi người mua chúng rất dễ hiểu: Vì chúng rẻ. Nhưng quá nhiều căn nhà bị bỏ trống trong thời gian dài sẽ là một vấn đề phức tạp.
Văn phòng của Business Insider tại Singapore đã đưa tin về vấn đề “thị trấn ma” của Nhật Bản vào năm 2021. Họ nhận thấy cốt lõi vấn đề là dân số Nhật Bản liên tục dịch chuyển vào các thành phố trong nhiều thập kỷ, để lại những vùng nông thông trống vắng.
Ngoài ra còn có vấn đề về dân số ngày càng giảm. Năm 2022 là năm thứ 7 liên tiếp tỷ lệ sinh của Nhật Bản giảm, xuống còn 1,26 ca sinh trên một phụ nữ.
Tại sao người Nhật không mua nhà hoang?
Theo nhà kinh tế trưởng Richard Koo tại Viện nghiên cứu Nomura, người Nhật thích xây nhà mới hơn mua nhà đã qua sử dụng. Họ cũng bận tâm đến an toàn kết cấu của căn nhà. Vì thời điểm Luật Tiêu chuẩn Xây dựng sửa đổi năm 1981, nhiều akiya xây trước đó chống chịu động đất kém.
Ngoài ra, phần lớn thanh niên Nhật Bản không muốn sống ở nông thôn, vì cơ hội phát triển còn nhiều hạn chế. Nghiên cứu sinh Natasha Durie của Trường Nhân chủng học và Bảo tàng Dân tộc học thuộc Đại học Oxford đang nghiên cứu thực địa tại Nhật Bản. Cô cho biết một số người trẻ Nhật Bản có mua và cải tạo akiya. Nhưng hầu hết người dân địa phương vẫn chưa sẵn sàng tự mình làm điều đó, vì họ thích những thứ mới hơn.
Vậy tại sao chính phủ Nhật Bản không phá bỏ những akiya này?
Vì theo luật về quyền sở hữu của Nhật Bản, trước năm 2015, chính phủ không có quyền yêu cầu chủ sở hữu akiya về cách quản lý nhà của họ. Việc xác định chủ nhân của ngôi nhà bỏ trống cũng rất khó khăn và mất thời gian. Vì vậy, akiya cứ thế tồn tại trong nhiều năm mà không bị phá dỡ.
Cải tạo vẫn rẻ hơn mua mới
Đối với một số người nước ngoài, việc cải tạo akiya Nhật Bản vẫn rẻ hơn là mua bất động sản tại quê hương họ.
Theo Hiệp hội Bất động sản Canada, giá chuẩn cho một căn hộ ở vùng đô thị Vancouver là 1.168.700 đô la Canada, tương đương 866.620 USD, vào tháng 12/2023.
Anh Eric McAskill, người lớn lên ở Vancouver, đã mua một căn akiya lớn với 5 phòng ngủ vào tháng 9/2023 với giá 23.600 USD (khoảng 580 triệu VNĐ). Anh chi thêm 7.400 USD để cải tạo căn nhà và vẫn còn dư 7.400 USD để chi tiêu.
Anh Jaya Thursfield và vợ đã chuyển từ Anh đến Nhật Bản và mua một akiya trị giá 30.000 USD ở tỉnh Ibaraki vào năm 2019. Họ đã chi tới 150.000 USD để cải tạo căn nhà, nhưng vẫn xem đây là nơi có giá cả phải chăng hơn việc mua một ngôi nhà ở London.
Kurosawa và Joey Stockermans là những người không đủ tiền mua nhà ở quê hương Bắc Mỹ, vì thế họ đã mua một akiya với giá 42.000 USD vào tháng 6/2023 để làm nơi nghỉ dưỡng và cho thuê.
Tuy nhiên, nhu cầu mua akiya từ người nước ngoài không thay đổi được quan điểm của người dân địa phương. Nhiều người thậm chí còn không biết người nước ngoài quan tâm đến những ngôi nhà bỏ hoang này.
Theo Nhịp Sống Thị Trường
Tin liên quan
- Báo Singapore nói về chính sách “chưa từng có” cho các trung tâm tài chính sắp hình thành của Việt Nam
- Ác mộng tại 1 công ty TMĐT nổi tiếng: Nhân viên không được biết tên thật, làm cùng ngành sau khi nghỉ việc sẽ phải bồi thường, có người mất hơn 24 tỷ đồng
- Ứng cử viên thủ tướng Đức muốn mở lại đường ống khí đốt Nga, nói lệnh trừng phạt Moscow đang ‘kết liễu’ doanh nghiệp Đức và làm giàu cho Mỹ
- Mỹ trừng phạt Nga thêm gói mới, một loạt quốc gia mừng thầm vì sắp trúng lớn: Nắm trọn thị trường màu mỡ châu Á, bán dầu với giá ngày một đắt đỏ