clock

Tài Chính

06:46 29-12-2015

Cơ chế tỷ giá mới: Ba cấu phần với 8 đồng tiền?

Dự kiến “chỉ số VND-Index” sẽ có rổ tham chiếu với 8 đồng tiền. Hiện chưa có thông tin cụ thể về 8 đồng tiền này, nhưng được ước định là đồng tiền của các đối tác thương mại, đầu tư, vay nợ có ảnh hưởng nhất đối với Việt Nam.

Quan điểm và lựa chọn của Ngân hàng Nhà nước cơ bản đã xác định: không làm theo cách cũ như từ cuối năm 2011 đến nay. Theo đó, dự kiến năm 2016 sẽ không có một “cam kết cứng” về biến động tỷ giá. Cơ chế điều hành tỷ giá tới đây sẽ linh hoạt và thị trường hơn.

Như thông tin đã gợi mở từ Thống đốc Nguyễn Văn Bình, cơ chế mới có tỷ giá trung tâm sẽ linh hoạt, tăng giảm hàng ngày để phản ánh thị trường sát thực hơn.

Vấn đề còn lại là kỹ thuật. Cụ thể, việc xác định tỷ giá trung tâm tới đây sẽ như thế nào?

Tại buổi thảo luận với các chuyên gia chiều 28/12, Ngân hàng Nhà nước cũng đã đưa ra nội dung cơ bản của cơ chế mới, với trọng tâm là xác định tỷ giá trung tâm nói trên.

Theo đó, tỷ giá trung tâm này sẽ bao gồm ba cấu phần: rổ các đồng tiền, cung - cầu ngoại tệ trên thị trường, các cân đối vĩ mô.

Ở cấu phần thứ nhất, dự kiến “chỉ số VND-Index” sẽ có rổ tham chiếu với 8 đồng tiền. Hiện chưa có thông tin cụ thể về 8 đồng tiền này, nhưng được ước định là đồng tiền của các đối tác thương mại, đầu tư, vay nợ có ảnh hưởng nhất đối với Việt Nam.

Liên quan, việc xác định tỷ trọng của mỗi đồng tiền trong rổ hiện cũng chưa được công bố.

Cấu phần thứ hai được xác định là cung - cầu ngoại tệ trên thị trường. Một kênh phản ánh mối quan hệ này là tỷ giá bình quân liên ngân hàng của ngày liền trước.

Cấu phần thứ ba là các cân đối vĩ mô. Cấu phần này có thể hiểu nó mang dáng dấp như cách làm của một số ngân hàng trung ương trên thế giới, như trước các quyết định điều chỉnh lãi suất Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đều phân tích kỹ lưỡng các chỉ báo về lạm phát, việc làm…

Với ba cấu phần trên, hàng ngày trước giờ giao dịch, Ngân hàng Nhà nước sẽ tính toán để đưa ra mức tỷ giá trung tâm để thị trường căn vào và giao dịch. Mức tỷ giá trung tâm đó sẽ thay đổi khi các tham số thay đổi.

Theo ý kiến của một chuyên gia, trong ba cấu phần trên, có thể thấy hai cầu phần đầu là “cứng”, khi công bố cụ thể các tham số kỹ thuật thì các thành viên trên thị trường đều có thể chủ động tự tính toán. Cầu phần còn lại là các cân đối vĩ mô, được xem là khá “mềm” và có thể nằm ở sự chủ động trong điều hành của Ngân hàng Nhà nước.

Chuyên gia này cũng băn khoăn rằng, một cầu phần “mềm” trong cơ chế trên cần được hiểu như thế nào. Bởi lẽ, trong những tình huống bất thường vẫn xẩy ra trên thế giới, một trong 8 đồng tiền của rổ tính “VND-Index” có biến động rất mạnh, bất thường, thì việc giảm chấn cho thị trường trong nước sẽ như thế nào?

Nói cách khác, cơ chế mới của tỷ giá có truyền dẫn nguyên vẹn những tác động của những biến cố bên ngoài vào thị trường trong nước hay không?

Theo chuyên gia trên, chìa khóa nằm trong tay Ngân hàng Nhà nước, khi xác định và tính toán các cấu phần đó để đưa ra mức tỷ giá trung tâm hàng ngày.

Hiện Ngân hàng Nhà nước vẫn đang tiếp tục hoàn thiện cơ chế mới, trên cơ sở thảo luận với các ngân hàng thương mại, các chuyên gia, trước khi công bố chính thức tới thị trường.

Và điểm đang có ý kiến khác nhau là nếu áp dụng cơ chế mới thì vào lúc nào thì phù hợp?

Về cơ bản, cơ chế mới được nhiều chuyên gia ủng hộ khi tăng tính thị trường, linh hoạt hơn. Cùng đó, một khuyến nghị liên quan là thị trường cần phát triển hơn nữa các sản phẩm phái sinh.

Còn với người dân thông thường, việc đoán định tỷ giá tới đây, nếu áp dụng cơ chế mới, sẽ đòi hỏi chuyên môn hơn trong tính toán các tham số trong cấu phần của “chỉ số VND-Index” nói trên, thay vì chờ đợi các lần điều chỉnh của Ngân hàng Nhà nước như thời gian qua.

 Minh Đức/ VnEconomy