clock

Trong Nước

12:02 05-10-2015

Cơ hội và sức ép với hiệp định TPP thế kỷ

Khi TPP đồng thời đề ra một bộ tiêu chuẩn rất cao về thương mại nhưng đòi hỏi thuế quan giảm rất sâu, Việt Nam sẽ phải đối mặt với sức ép cạnh tranh trên mọi ngành sản xuất.

Là quốc gia có xuất phát điểm thấp nhất khi tham gia TPP, cơ hội của Việt Nam khi chung sân chơi với Mỹ, Nhật, Canada... từng được mổ xẻ khá nhiều. Thậm chí, viện Peterson và đại sứ Mỹ tại Việt Nam còn khẳng định, Việt Nam sẽ là nước có lợi nhiều nhất từ TPP bởi chúng ta là nước nghèo nhất, và hàng hóa (về nguyên tắc) sẽ không còn phải chịu những rào cản thuế quan khi xâm nhập thị trường của các đối tác này.

Ở một khía cạnh khác, Việt Nam cũng phải đối mặt với những khó khăn mà một quốc gia có nền sản xuất còn kém phát triển khi gia nhập một hiệp định thương mại tự do lớn. Kể từ vòng đàm phán thất bại vào ngày 1/8 đến khi TPP đang đến mốc được thông qua, hàng loạt vấn đề cạnh tranh đã đến với Việt Nam, và những thách thức đều là không nhỏ.

Đại sứ Việt Nam tại Mỹ, ông Phạm Quang Vinh, cho rằng, TPP là hiệp định thương mại Thế kỷ thực sự là đúng nghĩa. Bởi lẽ, hiệp định này đồng thời đề ra một bộ tiêu chuẩn rất cao, cả về thương mại, kỹ thuật, IP (sở hữu trí tuệ), môi trường, lao động trong khi lại cho phép thuế quan giảm về rất sâu (gần như bằng 0).

Ngay trước thềm TPP được ký kết, Việt Nam đã phải đối mặt với hàng loạt vụ kiện chống bán phá giá trong ngành công nghiệp tôn thép từ Australia và Malaysia, trong khi vẫn chịu thuế chống bán phá giá tôm, cá ba sa tại Mỹ. Xuất khẩu gặp khó, thuế nhập khẩu lại đứng trước áp lực giảm dần theo lộ trình, ngành sản xuất trong nước của Việt Nam sẽ phải đối mặt với một thời kỳ "phát triển dồn ép chưa từng có", như lời của Chuyên gia kinh tế trưởng Ngân hàng Thế giới Sandeep Mahajan cảnh báo tại Diễn đàn Kinh tế mùa thu 2015.

.Dệt may không phải là ngành duy nhất của Việt Nam chịu sức ép khi tham giá TPP. Ảnh: Hoàng Hà.

Là ngành bản lề, mũi nhọn và ưu tiên hàng đầu của Việt Nam tại TPP, nông nghiệp phải chịu sức ép lớn nhất. Ngay cả Chính phủ cũng từng yêu cầu đoàn đàm phán đặc biệt quan tâm tới những lợi ích của Việt Nam trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm mở thêm thị trường cho xuất khẩu nông sản. "Riêng những ngành có khả năng cạnh tranh thấp cần được thực hiện bảo hộ hợp lý nhằm có thêm thời gian cơ cấu lại và nâng cao hiệu quả", Bộ trưởng, Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ Nguyễn Văn Nên từng chia sẻ.

Tuy nhiên, nhìn lại sự việc gà Mỹ giá rẻ tràn ngập thị trường Việt Nam, chen chân vào siêu thị và đánh bật nền sản xuất nội địa, ngay cả những người lạc quan nhất cũng thấy lo lắng. Theo số liệu của Hiệp hội chăn nuôi gia cầm, tổng đàn tại Việt Nam trong năm 2014 đạt hơn 328 triệu con, trong đó riêng gà là 243 triệu con, đứng thứ 21 trên thế giới. Gà xuất chuồng có giá bán trung bình hơn 25.000 đồng/kg, đến tay người tiêu dùng đội lên 70.000 đồng, nhưng mức lãi mà người nuôi thu lại chỉ là 2.000 đồng một con.

Trong khi đó, lượng thịt gà nhập khẩu vào Việt Nam 6 tháng đầu năm 2015, theo báo cáo của Tổng cục Hải quan lên tới 70.000 tấn, với giá chỉ 20.000 đồng/kg. Các sản phẩm này đang hưởng thuế suất nhập khẩu ưu đãi 20-40%, và không chịu thuế VAT. Như vậy, nếu tính cả phí hải quan và thuế, mỗi kg gà nhập khẩu khi đến tay người dùng chỉ có giá khoảng 30.000 đồng, rẻ hơn một nửa so với giá trong nước.

Nếu tham gia TPP, giá gà nhập khẩu từ Mỹ sẽ là 20.000 đồng, trong khi thịt gà Việt khó vào các nước khác nếu xét đến vấn đề nguồn gốc. Bởi Việt Nam hiện nhập khẩu hàng tỷ USD thức ăn chăn nuôi từ Argentina, Trung Quốc - những nước không thuộc TPP.

Trong khi dệt may, da giày là những ngành dễ dàng nhìn thấy cái khó của Việt Nam trong quy định xuất xứ thì ôtô hay các ngành sản xuất điện tử lại đang đứng ở một ngã tư đường, vừa có cơ hội, vừa có thách thức.

Hiệp hội ôtô Việt Nam từng cho rằng với TPP, các doanh nghiệp trong nước có thể chen chân vào chuỗi cung ứng linh kiện cho Mỹ, Nhật (hiện Nhật đang nhập linh kiện chủ yếu từ Thái Lan). Tuy nhiên, với thuế quan giảm xuống 0%, sản xuất trong nước cũng sẽ đứng trước sức ép cạnh tranh với hàng nhập khẩu nguyên chiếc, bởi người tiêu dùng khi đó được tiếp cận với sản phẩm nhập ngoại có mức giá rẻ hơn nhiều.

Ông Ngô Chung Khanh, Phó vụ trưởng vụ Chính sách Đa biên, Bộ Công Thương đánh giá, TPP là một hiệp định tham vọng, nguy hiểm cũng rất lớn, với nhiều điều mới mẻ hơn hẳn WTO. "WTO là cơ chế đã có sẵn hàng chục năm rồi, còn TPP là một cơ chế vừa đàm phán và vừa xây dựng nên có những điều rất mới mà chúng ta cũng không biết, không thể hình dung ra được là có thể áp dụng thành công ở Việt Nam hay không", ông nói.

Theo Hạ Minh

Zing