Trong Nước
08:06 30-10-2024Đột phá: Từ tỉnh thuần nông trở thành trung tâm công nghiệp, thu hút đầu tư nước ngoài đứng đầu cả nước
Đây là tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam nhưng thời điểm hiện tại, có nhiều chỉ tiêu nằm trong top dẫn đầu cả nước.
Bắc Ninh nằm ở phía Đông Bắc Thủ đô Hà Nội, thuộc khu vực Đồng bằng sông Hồng, là tỉnh có diện tích nhỏ nhất Việt Nam.
Năm 1997, tỉnh được tái lập với 8 đô thị, trong đó 1 đô thị loại IV và 7 đô thị loại V. Đến nay, sau 27 năm, toàn tỉnh có 1 đô thị loại I (thành phố Bắc Ninh), 1 đô thị loại III (thành phố Từ Sơn), 3 đô thị loại IV và 4 đô thị loại V.
Tại Hội nghị thông tin tình hình kinh tế - xã hội 9 tháng đầu năm 2024 và công tác chuẩn bị Đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030 diễn ra hôm 28/10, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Xuân Lợi chia sẻ, sau 27 năm tái lập tỉnh, Bắc Ninh đã có bước phát triển đột phá, từ tỉnh thuần nông trở thành trung tâm công nghiệp của cả nước với nhiều chỉ tiêu nằm trong top dẫn đầu.
9 tháng qua, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh có nhiều chuyển biến tích cực, tổng sản phẩm GRDP tăng 5,52% so với cùng kỳ năm 2023; chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 7,5%; hoạt động thương mại dịch vụ tăng 9,1%; thu ngân sách tăng 20,5%. Đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài đạt trên 4,5 tỷ USD, đứng đầu cả nước.
Theo thông tin trên Báo Bắc Ninh, Bắc Ninh hiện có 16 khu công nghiệp (KCN) tập trung đã được phê duyệt quy hoạch, trong đó 12 KCN đã đi vào hoạt động; 15 KCN đã được thành lập; tỷ lệ lấp đầy trên diện tích đất công nghiệp cho thuê theo quy hoạch đạt trên 60%.
Các KCN tập trung Bắc Ninh hiện có gần 1.400 dự án hoạt động, tạo ra hơn 80% giá trị sản xuất công nghiệp toàn tỉnh; giá trị kim ngạch xuất nhập khẩu luôn tăng trưởng cao, ổn định (khoảng 90% giá trị xuất khẩu toàn tỉnh).
Đến nay, Ban quản lý các KCN Bắc Ninh đã cấp đăng ký đầu tư cho khoảng 1.450 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt gần 26 tỷ USD, đến từ 37 quốc gia, vùng lãnh thổ (toàn tỉnh có hơn 2.400 dự án thuộc 41 quốc gia, vùng lãnh thổ). Trong đó có nhiều dự án quy mô lớn, tập đoàn đa quốc gia như Samsung, Canon, Foxcon, Goertek,…
Đặc biệt, tỉnh thu hút thành công các dự án công nghệ cao, công nghệ mới như sản xuất chip bán dẫn, bản mạch điện tử như: Amkor Technology, Victory… Chất lượng các dự án ngày càng được nâng cao, suất đầu tư tính trên số dự án khoảng 13,67 triệu USD/dự án và khoảng 11,19 triệu USD/ha.
Về định hướng phát triển, Bắc Ninh phấn đấu trước năm 2030, tỉnh có 4 thành phố, 2 thị xã, 2 huyện. Qua đó, phấn đấu hoàn thành các tiêu chí đô thị loại I vào năm 2027 (nhân kỷ niệm 30 năm tái lập tỉnh) và trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trước năm 2030.
Bắc Ninh tập trung cao và triển khai có hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050; Quy hoạch chung đô thị Bắc Ninh đến 2045 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trọng tâm, là triển khai có hiệu quả 25/26 Quy hoạch phân khu đã được UBND tỉnh phê duyệt để kịp thời đẩy mạnh xúc tiến, thu hút đầu tư phát triển các khu đô thị, thương mại, dịch vụ, không gian văn hóa du lịch, trung tâm thương mại cấp vùng; cảng cạn (ICD), Logistics có quy mô lớn; phát triển hạ tầng giao thông đường sắt đô thị, giao thông ngầm; giao thông kết nối nội vùng, liên vùng.
Các dự án phải kể đến Dự án Đường Vành đai 4; Dự án Sân Bay Gia Bình; Dự án Cầu Kênh Vàng..), khu công nghiệp theo hướng chuyển đổi xanh, chuyển đổi số, tuần hoàn, bền vững. Cùng với đó, nâng cao các tiện ích đô thị; tạo sự kết nối trong tỉnh, đẩy mạnh liên kết vùng với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng.
Pha Lê