clock

Tài Chính

09:36 30-07-2022

Có nên cấm ngân hàng cho vay góp vốn, hợp tác đầu tư?

Theo VCCI, việc cấm các tổ chức tín dụng cho vay góp vốn, hợp tác đầu tư là đi ngược với chủ trương phát triển kinh tế tư nhân...

Ảnh minh họa

Ngân hàng Nhà nước đang lấy ý kiến Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 39/2016/TT-NHNN về hoạt động cho vay của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Theo đó, một trong những nội dung quan trọng tại Dự thảo là bổ sung quy định cấm các tổ chức tín dụng cho vay để khách hàng góp vốn, hợp tác đầu tư, kinh doanh (kể cả trường hợp vốn góp hình thành và không hình thành nên vốn điều lệ của bên nhận vốn góp) hoặc để nhận chuyển nhượng phần vốn góp tại công ty khác.

Tại bản thuyết minh của cơ quan soạn thảo, lý do chính dẫn đến đề xuất trên là bởi khoản tiền này sẽ được chuyển cho bên nhận vốn góp, nguồn trả nợ phụ thuộc vào tình hình sản xuất kinh doanh năng lực tài chính của bên nhận vốn góp mà các tổ chức tín dụng khó có thể kiểm tra, giám sát.

Thông tư 39/2016/TT-NHNN là một văn bản “xương sống” đối với hoạt động cho vay khách hàng của các tổ chức tín dụng. Do đó, bất cứ một điều chỉnh nào cũng sẽ gây tác động đến việc cấp vốn cho thị trường.

Tuy nhiên, sau khi tham vấn ý kiến của các doanh nghiệp và chuyên gia, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho rằng lý do mà ban soạn thảo đưa ra không đủ để cấm hoàn toàn tất cả hoạt động cho vay để góp vốn, hợp tác đầu tư kinh doanh, nhận chuyển nhượng phần vốn góp.

“Quy định này không phù hợp với nguyên tắc quản trị của các tập đoàn, nhóm công ty mẹ - con. Thực tế, khi triển khai một dự án kinh doanh, các tập đoàn hoặc nhóm công ty thường không trực tiếp vận hành dự án mà thành lập công ty con để thực hiện dự án đó.

Đây là phương thức thực hiện dự án quen thuộc và hiệu quả, giúp giảm rủi ro cho công ty mẹ và có tính thanh khoản cao hơn khi tái cấu trúc doanh nghiệp. Trong trường hợp đó, công ty con rất khó vay vốn do đây là doanh nghiệp mới thành lập. Công ty mẹ có tín nhiệm cao hơn thường giữ vai trò huy động vốn để cấp cho công ty con”, VCCI đánh giá.

Thậm chí, theo VCCI, quy định của Dự thảo như vậy vô hình chung sẽ cản trở mô hình quản trị hiện đại này, khiến các doanh nghiệp ngần ngại đầu tư vào các lĩnh vực mới và không khuyến khích hình thành các tập đoàn kinh tế đa ngành, không phù hợp với chủ trương tại Nghị quyết 10-NQ-TW về phát triển kinh tế tư nhân.

Trên thực tế, đúng là trong một số trường hợp, việc kiểm tra, giám sát các khoản vay để góp vốn, mua cổ phần khó khăn hơn các khoản vay khác. Tuy nhiên, có rất nhiều biện pháp có thể thực hiện nhằm khắc phục vấn đề này. Các tổ chức tín dụng và khách hàng hoàn toàn có thể chủ động thoả thuận về hình thức kiểm tra, giám sát cho phù hợp, ví dụ khách hàng và công ty con phải cung cấp thông tin cho tổ chức tín dụng về tình hình sản xuất kinh doanh, khả năng tài chính để trả nợ.

Do vậy, VCCI kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nên quy định điều kiện để tổ chức tín dụng thực hiện khi triển khai các nghiệp vụ nhằm kiểm soát rủi ro, thay vì quy định tới đây sẽ cấm không cho vay đối với hoạt động góp vốn, hợp tác đầu tư, kinh doanh, nhận chuyển nhượng phần vốn góp.

Theo VnEconomy