Trong Nước
13:17 03-11-2015Cựu CEO FPT: Nhiều người Việt vẫn thích nói việc lớn, mà ít làm việc nhỏ
“Chúng ta vẫn đang thích nói việc lớn. Để tìm kiếm những bài học điển hình trong quá trình toàn cầu hóa, không nhất thiết phải đến các quốc gia quá chênh lệch như Mỹ, Anh. Hãy học hỏi từ chính các nước trong khu vực như Philippines, Thái Lan, vì học từ một nước trình độ ngang mình thì học rất nhanh và áp dụng được ngay”, cựu CEO FPT chia sẻ.
Học hỏi chọn nước ngang cơ, xuất khẩu chọn nước chưa phát triển
“Để tìm kiếm những bài học điển hình trong quá trình toàn cầu hóa, chúng ta thường sang Mỹ, Anh… So với những nước có mức độ chênh lệch quá cao như vậy thì rõ ràng chúng ta rất thua kém”, ông Nguyễn Thành Nam – Phó Chủ tịch HĐQT ĐH FPT, Cựu CEO FPT, cho biết tại Hội thảo “Hỗ trợ Doanh nghiệp Quản trị theo chuẩn toàn cầu” diễn ra cuối tuần trước.
“Thay vì sang Mỹ, Anh, các bạn có thể sang Ấn Độ, Philippines, Thái Lan… học hỏi, vì học từ một nước trình độ ngang mình thì học rất nhanh. Có rất nhiều bài học từ họ mà chúng ta có thể áp dụng ngay lập tức”.
Ông Nam lấy ví dụ, liên quan đến hoạt động nghiên cứu khoa học, Việt Nam yêu cầu người thực hiện một số nghiên cứu nhất định phải có bài viết trên tạp chí chuyên ngành quốc tế - câu chuyện không dễ khi tính chọn lọc của các tạp chí này rất cao.
Trong khi đó, ở Thái Lan, yêu cầu này cũng được đặt ra nhưng lời giải vô cùng đơn giản.
Một số trường đại học Thái Lan liên kết với một số trường tại Indonesia và các trường khác trong khu vực lập ra một tạp chí khoa học – nơi đăng tải (có chọn lọc, nhưng tính khốc liệt thấp hơn) bài viết của các nghiên cứu sinh các trường trên.
“Rõ ràng, việc này không hề ảnh hưởng đến chất lượng của các nghiên cứu khoa học mà lời giải lại rất dễ”, ông Nam nói.
Liên quan đến việc mở rộng thị trường ra toàn cầu, ông Nam cho biết: Không phải ngẫu nhiên mà những doanh nghiệp lớn như FPT và Viettel lại chọn các thị trường chưa phát triển.
“Nói đến xuất khẩu, chúng ta vẫn thích thị trường Nhật, Mỹ… Những thị trường đó cực cạnh tranh. Viettel lần đầu bước chân ra toàn cầu đã “đi” Haiti – một nước chỉ có hơn 10 triệu dân và thời điểm Viettel bước vào nước này lại vừa trải qua một cơn bão khủng khiếp. Bước vào nước họ vào thời điểm đấy họ rất quý”, ông Nam kể.
“Những nước được nhắc đến nhiều thì đừng đi! “Kiếm ăn” ở nơi ai cũng biết thì làm được gì? FPT thành công nhất là ở Bangladesh”.
Thành công của FPT mà ông Nam nhắc đến là việc ký kết dự án “Cung cấp, triển khai và bảo hành, bảo trì hệ thống ứng dụng quản lý thuế VAT (IVAS)” với trị giá 33,6 triệu USD - hợp đồng công nghệ thông tin lớn nhất từ trước đến nay của Bangladesh và bằng 1/10 tổng kim ngạch thương mại trong 6 tháng đầu năm 2015 (310 triệu USD) giữa 2 quốc gia Việt Nam – Bangladesh.
“Thị trường Singapore trông dễ nhưng thực ra rất khó, khi ai cũng “tiến quân” vì cho rằng dễ. “Đại quân” đánh Singapore thì đang sa lầy. Tiểu quân sang đánh du kích lại quá đông. Doanh nghiệp của các bạn còn bé, thời gian không cho phép được thử, “đánh” thị trường nào phải “trúng” ngay”, ông Nam nhắn nhủ.
Dùng đàn bầu cạnh tranh với đàn piano
"Đàn bầu ở quê nhà Việt Nam thì không giá trị lắm. Nhưng nếu chúng ta phải đi ra nước ngoài, điều gì để thể hiện chúng ta là người Việt?" - ông Nam hỏi.
"Chúng ta học piano bao nhiêu năm để chơi giỏi như người phương Tây? Muốn hội nhập thì ta phải là ta. Đừng gồng mình lên vì đó không phải sở trường của chúng ta.
Những người dùng đàn bầu chơi được nhạc Tây rất ít, nhưng những người đánh được thì rất đắt khách. Chúng ta cứ coi chúng ta là đàn bầu còn doanh nghiệp nước ngoài là đàn piano. Hãy chơi theo cách của chúng ta".
Ông Hà Nguyên – Viện trưởng Viện Quản trị Kinh doanh FSB cho biết: “Có đường đi rất rõ ràng cho các doanh nghiệp Việt để thành công trên thị trường toàn cầu. Những mô hình quản trị chuẩn quốc tế sẽ như một loại ngôn ngữ chung, là cách để doanh nghiệp dùng thứ nhạc cụ sở trường của mình “đánh” được nhiều thị trường».