clock

Thế Giới

09:45 17-11-2015

Dầu mỏ "nuôi dưỡng" khủng bố Hồi giáo như thế nào?

Theo ước tính, sản lượng dầu mỏ từ những vùng mà ISIS kiểm soát lên tới khoảng 34.000 – 40.000 thùng mỗi ngày. Với giá bán từ 20 đến 45 USD/thùng, trung bình ISIS có thể kiếm 1,5 triệu USD mỗi ngày.

Ở vùng đất gần với mỏ dầu al-Omar thuộc miền Đông Syria, trong khi những chiếc máy bay chiến đấu bay lượn trên bầu trời, những chiếc xe tải xếp thành hàng dài tới 6km. Một số tài xế đã đợi tới 1 tháng để lấy được dầu.

Những quầy bán falafel (món khai vị làm từ đậu xanh, dầu ô liu, vừng, nước chanh và tỏi rất phổ biến ở Lebanon và Isarael) cùng với các quán trà đã mọc lên như nấm để phục vụ các tài xế. Đôi lúc những chiếc xe tải bị bỏ lại không có người canh gác trong vài tuần lễ.

Đây là mảnh đất của ISIS – tổ chức Hồi giáo đang kiểm soát những vùng đất mới được thám hiểm ở biên giới giữa Syria và Iraq. Hoạt động trao đổi dầu mỏ đã được coi là mục tiêu lớn nhất mà liên minh quân sự quốc tế nhắm vào để chống lại ISIS. Tuy nhiên, hoạt động này vẫn tiếp diễn mà không gặp bất cử cản trở nào. Dầu mỏ là “vàng đen” đang tài trợ cho lá cờ màu đen của ISIS, là nhiên liệu cho cỗ máy chiến tranh của ISIS.

Hơn 1 năm sau khi Tổng thống Mỹ Barack Obama triển khai liên minh quốc tế chống lại ISIS, hoạt động mua bán dầu mỏ ở al-Omar và ít nhất 8 mỏ dầu khác đang trở thành biểu tượng cho tình thế tiến thoái lưỡng nan mà chiến dịch của ông Obama đang gặp phải: làm thế nào ngăn cản ISIS mà không làm xáo trộn cuộc sống của 10 triệu dân đang sống ở những khu vực mà ISIS kiểm soát.

Trước sức sống mãnh liệt của ISIS và sự yếu ớt của chiến dịch do Mỹ dẫn đầu, Nga cũng đã triển khai chiến dịch của riêng mình và can thiệp mạnh mẽ vào Syria. Tuy nhiên, bất chấp mọi nỗ lực, nhiều cuộc phỏng vấn với các lái buôn người Syria và các kỹ sư dầu mỏ cũng như các quan chức tình báo phương Tây và chuyên gia dầu mỏ đều cho thấy sự hoạt động mạnh mẽ của một tổ chức gần giống với một tập đoàn dầu mỏ nhà nước. Hơn nữa, tập đoàn ấy còn lớn mạnh cả về quy mô và sự tinh thông.

Theo ước tính, sản lượng dầu mỏ từ những vùng mà ISIS kiểm soát lên tới khoảng 34.000 – 40.000 thùng mỗi ngày. Với giá bán từ 20 đến 45 USD/thùng, trung bình ISIS có thể kiếm 1,5 triệu USD mỗi ngày. “Đó là tình cảnh dở khóc dở cười”, một chỉ huy của lực lượng nổi dậy ở Syria ở Aleppo đang mua dầu diesel từ ISIS nói. Dù trực tiếp chống lại ISIS ngoài chiến trường, họ không có lựa chọn nào khác.

Dầu mỏ - vũ khí chiến lược

IS đã phát triển chiến lược dầu mỏ từ cách đây rất lâu. Những phần tử thánh chiến nhìn thấy dầu mỏ là chỗ nương tựa cho Nhà nước Hồi giáo. IS xác định đây là nền tảng cho sự sống còn của phong trào nổi dậy và quan trọng hơn dầu mỏ chính là nguồn tài chính cho tham vọng của mình.

Hầu hết các mỏ dầu mà ISIS kiểm soát nằm ở miền Đông giàu dầu mỏ của Syria. ISIS thành lập căn cứ ở đây từ năm 2013, ngay sau khi rút khỏi vùng Tây Bắc vốn là nơi quan trọng về vị trí chiến lược nhưng lại không có dầu. Sau đó khu vực này được sử dụng để tăng cường kiểm soát ở toàn bộ miền Đông Syria sau khi bị tấn công ở Mosul năm 2014.

Khi đẩy mạnh hoạt động ở miền Bắc Iraq và chiếm lại Mosul, ISIS cũng giành quyền kiểm soát đối với các mỏ dầu ở tỉnh Kirkuk. Theo người dân địa phương, chỉ vài ngày sau khi chiếm đóng, chúng đã cử quân đội bảo vệ các giếng dầu và nhiều kỹ sư được gửi đến để bắt đầu hoạt động khai thác và chuyển dầu ra thị trường.

“Mọi thứ đã sẵn sàng. Chúng có người phụ trách về mặt tài chính, có kỹ thuật viên điều chỉnh quá trình khai thác và trữ dầu. Chúng mang đến hàng trăm xe tải”, một trưởng thôn ở Hawija (gần Kirkuk) cho biết. Trung bình mỗi ngày có khoảng 150 xe tải được bơm đầy dầu, mỗi xe chở số dầu trị giá khoảng 10.000 USD.

Hồi tháng 4, ISIS để mất những mỏ dầu này vào tay quân đội Iraq. Tuy nhiên, trong vòng 10 tháng kiểm soát vùng đất này, chúng đã thu về khoảng 450 triệu USD.

Trong khi mạng lưới khủng bố al-Qaeda phụ thuộc vào tiền tài trợ từ nước ngoài, ISIS có được sức mạnh tài chính nhờ vị thế là đơn vị khai thác dầu mỏ độc quyền ở những vùng mà chúng kiểm soát. Dù không thể xuất khẩu, chúng vẫn sống tốt nhờ thị trường khổng lồ ở Syria và Iraq.

Theo Trí thức trẻ/CafeF/FT