clock

Thế Giới

07:23 03-12-2015

Đế chế dầu mỏ bí mật tại Syria và Thổ Nhĩ Kỳ

IS bán dầu thô cho thương nhân với giá 20-25 USD mỗi thùng. Khi những người này vận chuyển dầu tới Thổ Nhĩ Kỳ, giá được đẩy vọt lên mức hơn 100 USD/thùng.

Các xe tải chở dầu của IS tại Syria cháy sau một cuộc không kích của Mỹ trong tháng 11. Ảnh: New York Times

Hôm 30/11, trong cuộc họp báo bên lề Hội nghị thượng đỉnh về Biến đổi khí hậu lần thứ 21 tại Paris, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố Thổ Nhĩ Kỳ quyết định bắn chiến đấu cơ Su-24 của Nga hôm 24/11 vì Ankara muốn bảo vệ những đường dẫn dầu tới Thổ Nhĩ Kỳ từ các giếng dầu do IS kiểm soát.

Lời cáo buộc của ông Putin hàm ý rằng, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ chẳng những thông đồng trong việc mua, bán dầu trái phép trong những vùng mà IS kiểm soát trên lãnh thổ Syria, mà còn dính líu tới hoạt động này sâu tới mức họ sẵn sàng tạo ra một khủng hoảng quốc tế để bảo vệ các đường ống, BBC lập luận.

Bằng cách nêu nghi vấn về giao dịch dầu giữa chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và IS, nhà lãnh đạo Nga có cơ hội lái sự chú ý của dư luận tới những quan điểm của ông trong cuộc đấu khẩu với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Điều này đồng thời hợp pháp hóa những cuộc không kích của Nga trên các vùng thuộc Syria nhưng chịu sự quản lý của các nhóm phiến quân mà Ankara hậu thuẫn.

Bản đồ mô tả các đường ống dẫn dầu tại Syria và Iraq. Đồ họa: BBC
Bản đồ mô tả các đường ống dẫn dầu tại Syria và Iraq. Đồ họa: BBC

Giao dịch bí mật

Xung đột tại Syria thúc đẩy sự ra đời của một nền kinh tế thời chiến với quy mô lớn. Trong nền kinh tế ấy, nhiều bên thực hiện các giao dịch bí mật, mặc dù họ có thể là kẻ thù trên chiến trường.

Buôn lậu dầu và xăng từ Syria vào Thổ Nhĩ Kỳ là hoạt động đã diễn ra từ nhiều thập kỷ. Thương nhân và quan chức an ninh hưởng lợi từ sự chênh lệch giá do chính sách trợ giá dầu ở Syria.

Hoạt động buôn lậu phát triển mạnh hơn từ khi nội chiến bùng nổ tại Syria. Vào năm 2014, IS chiếm phần lớn giếng dầu và nhà máy lọc dầu dọc theo sông Eupharates.

Sản lượng từ những giếng dầu và nhà máy mà IS kiểm soát chiếm khoảng 1/3 tổng sản lượng dầu của Syria trước chiến tranh. Người Kurd quản lý những giếng dầu và nhà máy lọc dầu còn lại.

Dầu từ lãnh thổ IS kiểm soát phải vượt qua nhiều khâu trước khi tới người sử dụng cuối cùng.

Rất có thể doanh nhân, quan chức hải quan và điệp viên Thổ Nhĩ Kỳ liên quan tới hoạt động giao dịch dầu mỏ với IS. Song quy mô của toàn bộ hoạt động giao dịch rất nhỏ so với nền kinh tế năng lượng của Thổ Nhĩ Kỳ (nơi Nga là đối tác năng lượng lớn nhất). Ngoài ra, phần lớn đối tượng tham gia giao dịch đều ở trong lãnh thổ Syria.

Chất lượng xăng, dầu từ các mỏ của IS khá thấp, song nhiều người dân Syria vẫn phải mua vì họ không còn nguồn cung nào khác. Ảnh: BBC
Chất lượng xăng, dầu từ các mỏ của IS khá thấp, song nhiều người dân Syria vẫn phải mua vì họ không còn nguồn cung nào khác. Ảnh: BBC

Lợi nhuận từ dầu giảm mạnh

Trong giai đoạn giữa năm 2015, những mỏ dầu IS kiểm soát sản xuất từ 30.000 tới 40.000 thùng mỗi ngày, theo kết quả tính toán từ nhiều nguồn.

Chuỗi cung cấp bắt đầu từ việc IS bán dầu thô cho doanh nhân để họ vận chuyển tới các nhà máy lọc dầu trong lãnh thổ IS quản lý.

Xăng và dầu diesel từ những nhà máy lọc sẽ được bán trên khắp lãnh thổ Syria và Iraq. Doanh nhân đưa cả hàng qua biên giới để bán ở nước ngoài, chủ yếu là Thổ Nhĩ Kỳ.

Chất lượng xăng và dầu diesel tương đối thấp, song nhiều khách hàng, đặc biệt là những người trong khu vực do phiến quân kiểm soát, hầu như chẳng còn lựa chọn khác. Nếu mua dầu theo giá quốc tế, họ sẽ phải trả khoản tiền khá lớn.

IS hưởng lợi từ việc bán dầu thô, đồng thời vẫn thu thuế từ mọi giao dịch trong chuỗi cung cấp.

Tuy nhiên, lợi nhuận từ giao dịch dầu bất hợp pháp tại Syria giảm mạnh do giá dầu thế giới lao dốc hồi tháng 10/2014.

Giá dầu thô tại giếng dao động từ 20 tới 25 USD mỗi thùng trong khoảng giữa năm 2014. Nếu được vận chuyển tới Thổ Nhĩ Kỳ, giá mỗi thùng sẽ vọt lên mức hơn 100 USD, mang lại lợi nhuận kếch sù cho những người liên quan tới chuỗi cung ứng.

Nhưng trong thời kỳ mà giá đang ở mức thấp như hiện nay, những người bán xăng, dầu chất lượng thấp ở Syria chỉ có lãi nếu giá tại giếng giảm hơn nữa. Đối với IS, yêu cầu của họ trở nên vô nghĩa trên phương diện thương mại.

Từ giữa tháng 10/2015, hoạt động sản xuất và bán dầu của IS lao đao do các chiến đấu cơ của Mỹ và Pháp bắt đầu tấn công các giếng dầu và xe tải chở dầu. Lực lượng chiến binh người Kurd và Arab cũng chiếm một mỏ dầu từ IS tại tỉnh Hassakeh ở phía nam.

Sự phụ thuộc về kinh tế

Thổ Nhĩ Kỳ cần khoảng 720.000 thùng dầu mỗi ngày để phục vụ hoạt động của nền kinh tế. Ankara phụ thuộc gần như hoàn toàn vào nguồn dầu từ bên ngoài để đáp ứng nhu cầu nhiên liệu trong nước. Hiện tại Nga là nước cung cấp nhiều xăng, dầu nhất cho Thổ Nhĩ Kỳ.

Trong năm 2014, Nga cũng cung cấp khoảng 27 tỷ m3 khí đốt cho Thổ Nhĩ Kỳ, tương đương khoảng 56% lượng khí đốt mà Ankara tiêu thụ.

Nga là nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất sang Thổ Nhĩ Kỳ với tổng kim ngạch lên tới 25,3 tỷ USD, tương đương hơn 10% kim ngạch nhập khẩu của Thổ Nhĩ Kỳ.

Với tình hình thực tế như thế, nếu dầu là một trong những yếu tố để giới cầm quyền Thổ Nhĩ Kỳ xem xét để bắn phi cơ Su-24 của Nga, rõ ràng Ankara có lý do hợp lý để khai hỏa, BBC nhận định.

- Phần lớn mỏ dầu mà IS kiểm soát nằm ở phía đông Syria

- Doanh thu từ bán dầu, xăng của IS lên tới 1-3 triệu USD mỗi ngày trong năm 2014, theo con số từ nhiều nguồn.

- Vào những tháng giữa năm 2015, các giếng dầu do IS kiểm soát sản xuất 30.000 - 40.000 thùng mỗi ngày.

- IS bán dầu thô, đồng thời thu thuế từ mọi hoạt động trong chuỗi cung ứng dầu và các sản phẩm liên quan.

Theo Zing