Thị Trường
08:18 05-08-2022Dẹp tình trạng “giá lên nhanh, xuống chậm”
(PLO)- Giá hàng hóa giảm theo giá xăng có độ trễ nhất định nhưng không thể trễ hàng tháng, thậm chí mấy tháng được.
Chiều 4-8, cổng thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm: “Xăng dầu giảm giá, hàng hóa không giảm: Thực trạng và giải pháp”. Cuộc tọa đàm diễn ra trong bối cảnh giá xăng dầu đã có bốn kỳ giảm liên tiếp, từ mức trên 33.000 đồng/lít về sát mốc 24.600 đồng/lít. Thế nhưng mặt bằng giá cả hàng hóa, dịch vụ hiện vẫn giữ giá, neo cao.
Có độ trễ nhưng không nên trễ quá
Lý giải về nguyên nhân, Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) Đinh Thị Nương cho rằng một số mặt hàng chịu ảnh hưởng tác động của giá xăng dầu khi điều chỉnh giảm cần có thời gian, độ trễ.
“Độ trễ này để các đơn vị sản xuất, kinh doanh, nhất là các đơn vị có mặt hàng chịu tác động trực tiếp của giá xăng dầu rà soát lại các yếu tố chi phí hình thành giá, từ đó mới xác định giá bán giảm theo giá xăng dầu” - bà Nương nói.
Đồng tình với quan điểm trên, tuy nhiên chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng “còn có một số nguyên nhân khác”. Theo ông Lực, thông thường các doanh nghiệp tính toán: Khi giá xăng dầu giảm, nếu giảm ngay giá mặt hàng khác có liên quan, họ lại sợ rằng sau này tăng lên sẽ cực kỳ khó.
“Tôi cho rằng đó là sự thận trọng nhưng không đủ thuyết phục” - ông Lực nói và nhấn mạnh “nước lên thì thuyền lên, nước xuống thì thuyền xuống”. Đồng ý có độ trễ nhưng không thể là hàng tháng hay mấy tháng được mà chỉ sau một vài tuần, ta phải điều chỉnh ngay.
Ông cũng nhấn mạnh tới ý kiến phản ánh của người dân. Theo đó, người dân có quyền phản ánh với các cơ quan chức năng nếu thấy giá xăng dầu giảm mà giá vận tải, giá một số mặt hàng vẫn như cũ. “Tôi cũng mong các cơ quan chức năng phải có các biện pháp xử lý kịp thời, không thì người dân cảm thấy nản lòng, kiến nghị nhiều mà không được xử lý” - ông Lực nói.
Trả lời câu hỏi vì sao khi xăng dầu giảm liên tiếp nhưng giá dịch vụ vận tải không hề suy chuyển, thậm chí còn đang có dấu hiệu leo thang, Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) Trần Bảo Ngọc cho hay: Có nhiều yếu tố để hình thành nên giá thành vận tải nói riêng, hay giá thành dịch vụ nói chung.
Khi có một yếu tố biến động, những đơn vị kinh doanh đều phải tính toán lại. Ông dẫn chứng hãng taxi phải thực hiện kê khai giá với Sở GTVT, phải điều chỉnh đồng hồ tính tiền, in lại tờ niêm yết giá... “Những cái đó cũng có độ trễ, cần một khoảng thời gian nhất định” - ông Ngọc nói.
Không làm ăn chộp giật
Vấn đề giá là vấn đề hết sức quan trọng, động chạm đến doanh nghiệp và người tiêu dùng. Các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất, kinh doanh dịch vụ cần xây dựng thương hiệu của mình, trong đó có thương hiệu về đạo đức, giao dịch, chia sẻ lợi nhuận hợp lý, không chỉ biết giành phần thắng cho mình.
Tôi cho đó là tâm đức cao nhất của người kinh doanh và như vậy sức sống của doanh nghiệp sẽ bền lâu. Chúng ta không làm ăn chộp giật. Chuyên gia VŨ VINH PHÚ
Tuy nhiên, ông Ngọc đồng tình với quan điểm cho rằng không nên trễ quá. “Khi nhiên liệu, một yếu tố chiếm đến 30%-40% trong tổng chi phí các yếu tố cấu thành nên giá dịch vụ vận tải, đã giảm rồi mà anh lại chưa kịp giảm hoặc giảm chậm thì không đúng” - ông Ngọc nói tiếp.
Có thể bị thu hồi phù hiệu nếu “chỉ có tăng, không có giảm”
Thông tin về các giải pháp đã triển khai, bà Đinh Thị Nương cho hay Bộ Tài chính đã tham mưu các biện pháp tăng cường quản lý điều hành giá. Ví dụ, bộ đã trình Chính phủ ban hành công điện chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương kiểm soát chặt chẽ giá cả dịch vụ và hàng hóa khi giá xăng dầu giảm trong các kỳ điều hành vừa qua.
Đồng thời, Bộ Tài chính cũng đang trình Chính phủ phương án điều chỉnh thuế giá trị gia tăng (VAT), thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu và thuế nhập khẩu đối với xăng động cơ không pha chì nhằm giảm chi phí nhập khẩu xăng cũng như đa dạng hóa nguồn cung nhập khẩu.
Trong khi đó, ông Trần Bảo Ngọc cho rằng biện pháp mạnh hiện nay và sắp tới là phải tăng cường thanh tra, kiểm tra. Khi phát hiện có vi phạm sẽ áp dụng quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực quản lý giá hoặc quy định về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực vận tải để xử lý nghiêm. “Chúng ta đã có đầy đủ công cụ, có nghị định quy định về xử lý vi phạm trong lĩnh vực quản lý giá” - ông Ngọc nhấn mạnh.
Ngoài ra, đối với xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ, ông Ngọc cho rằng doanh nghiệp vi phạm có thể phải trả lại tiền cho hành khách nếu thu quá, thậm chí các đơn vị chức năng sẽ thu hồi phù hiệu.
Phải có giải pháp đồng bộ
Chuyên gia Vũ Vinh Phú cho rằng vấn đề giá có phạm vi rộng, ngoài kinh tế và kỹ thuật nên có thêm các giải pháp khác. Vấn đề đầu tiên là cung cầu hàng hóa, không được để đứt gãy chuỗi cung ứng và giảm các khâu trung gian.
“1 kg thịt heo từ trang trại đến bán lẻ tăng giá lên tới 170% do các khâu trung gian. Đó là yếu tố tồn tại lâu rồi, phải khắc phục để giải quyết bài toán giá” - ông Phú nói.
Chuyên gia Cấn Văn Lực góp ý cần tính cả hai nhóm giải pháp trước mắt và lâu dài, bảo đảm tính bền vững chính sách. Đồng thời cần tăng cường ý thức của cả nhà kinh doanh và người dân, phải tạo văn hóa kinh doanh, đạo đức kinh doanh của Việt Nam cả trước mắt và lâu dài.
“Bên cạnh đó, Chính phủ đang chỉ đạo quyết liệt để giảm chi phí logistics bởi vì sẽ giải quyết được nhiều vấn đề, nhất là câu chuyện liên quan đến giá cả, từ giá đầu cho đến giá cuối qua khâu trung gian. Đồng thời giảm bớt những chi phí thủ tục hành chính vẫn còn cao” - TS Lực nói.
Giá các mặt hàng chiến lược diễn biến phức tạp
Phó Cục trưởng Cục Quản lý giá Đinh Thị Nương nhận định: Với các mặt hàng thiết yếu, dự báo cuối năm có những biến động phức tạp, khó lường. Nguyên nhân, do giá các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới, các nguyên liệu như xăng dầu, vật tư công nghiệp… nhập khẩu phục vụ sản xuất trong nước sẽ có những biến đổi phức tạp.
Mặt khác, chúng ta thực hiện lộ trình giá thị trường với mặt hàng Nhà nước quản lý theo Nghị định 60 của Chính phủ như giá dịch vụ khám chữa bệnh, giá dịch vụ GTVT, giáo dục dạy nghề.
“Trường hợp có mặt hàng biến động giá lớn, căn cứ các pháp luật về giá, Bộ Tài chính sẽ chủ trì, phối hợp với bộ quản lý chuyên ngành tham mưu cho Chính phủ, báo cáo Quốc hội đưa những mặt hàng đó vào danh mục bình ổn giá” - bà Nương cho hay.
Theo PLO
Tin liên quan
- Trước khi được đề xuất chuyển về Bộ Công an quản lý, MobiFone làm ăn thế nào?
- Thủ đoạn đánh cắp thẻ ngân hàng khiến nạn nhân không chỉ mất tiền mà còn bị lợi dụng lừa đảo người khác, đối mặt nguy cơ pháp lý
- Ngành kinh tế sẽ bùng nổ tại Việt Nam trong năm nay, có đóng góp lớn từ dự án được đầu tư 200 triệu USD
- Mẫu điện thoại giá nhỉnh hơn 5 triệu đồng: Camera "khủng" 108MP, pin trâu khó có đối thủ