clock

Danh mục gốc

14:44 19-10-2024

DN có doanh thu gần 80 tỷ USD muốn làm đường sắt, dự án nối hai bờ sông Hồng: Phó Thủ tướng yêu cầu gì?

Tập đoàn này muốn tham gia vào dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 5), xây dựng cây cầu trị giá hơn 19.000 tỷ đồng nối hai bờ sông Hồng.

 

 
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tiếp bà Ngô Tĩnh, Tổng Giám đốc Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc). Ảnh: VGP

Đây là một trong những thông tin đáng chú ý được lãnh đạo của Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương (Trung Quốc) đề cập tới trong cuộc gặp với Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà.

Theo đó, vào sáng qua (18/10), Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã tiếp bà Ngô Tĩnh, Tổng Giám đốc của Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương.

Tại buổi tiếp, theo bà Ngô Tĩnh thông tin, Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương là doanh nghiệp đầu tư, xây dựng, vận hành, quản lý cơ sở hạ tẩng. Trong 10 năm liên tiếp, tập đoàn nằm trong bảng xếp hạng 500 doanh nghiệp lớn nhất trên toàn cầu. Đặc biệt, Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương đã trực tiếp tham gia vào hơn 1.000 dự án đầu tư, xây dựng, đồng thời quản lý các dự án hạ tầng, khu công nghiệp, với các hình thức đầu tư khác nhau.

Tại Việt Nam, Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương đã tiến hành ký Biên bản ghi nhớ với UBND TP Hà Nội về việc đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng trong 5 năm. Đồng thời, tập đoàn cùng với Vinaconex ký kết biên bản hợp tác với Sở Giao thông vận tải Hà Nội về những dự án đầu tư xây dựng cầu Tứ Liên (có tổng vốn đầu tư sơ bộ là hơn 19.000 tỷ đồng) và phần đường cao tốc, dự án Đường sắt đô thị Hà Nội (tuyến số 5)...

Lãnh đạo Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương khẳng định, tập đoàn tự coi mình là một doanh nghiệp Việt Nam. Do đó, tập đoàn không chỉ quan tâm đến hoạt động đầu tư, kinh doanh mà còn chú trọng tới nghiên cứu cũng như công tác chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực.

Phó Thủ tướng yêu cầu các dự án, công trình cần có gì?

 
Phó Thủ tướng yêu cầu các dự án, công trình của Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương phải thể hiện được tính hiện đại, bền vững, tiếp cận xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số. Ảnh: VGP
Sau khi lắng nghe các ý kiến của lãnh đạo Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà hoan nghênh các tập đoàn, doanh nghiệp hàng đầu của Trung Quốc đến tìm hiểu cơ hội hợp tác đầu tư, kinh doanh tại Việt Nam, đặc biệt là tham gia vào các dự án, công trình lớn, tiêu biểu cho trình độ phát triển công nghệ của Trung Quốc và phù hợp với nhu cầu của Việt Nam.

Những việc này góp phần thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo cấp cao hai nước trong củng cố, phát triển mối quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Trung Quốc ngày càng thực chất, hiệu quả.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng, Chính phủ hai nước rất quan tâm đến các dự án, công trình hạ tầng giao thông kết nối chiến lược giữa hai nước. Trong đó, trọng tâm là kết nối giao thông đường sắt; thúc đẩy xây dựng các tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới (bao gồm 3 tuyến: Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Đồng Đăng - Hà Nội, Móng Cái - Hạ Long - Hải Phòng).

Đây là những công trình mang ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển của hai nền kinh tế, đồng thời kết nối Việt Nam, Trung Quốc với các quốc gia trong khu vực theo sáng kiến "Một vành đai, một con đường", xây dựng Cộng đồng chia sẻ tương lai Việt Nam - Trung Quốc.

Đặc biệt, Phó Thủ tướng đề nghị Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương lựa chọn những đối tác Việt Nam phù hợp để cùng thiết kế, quản trị, thi công, gắn với chuyển giao công nghệ, đào tạo nhân lực trong quá trình thực hiện đầu tư các dự án, công trình. Phó Thủ tướng nhấn mạnh rằng, các dự án, công trình của tập đoàn phải thể hiện được tính hiện đại, bền vững, tiếp cận xu thế chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Ngoài ra, theo Phó Thủ tướng, Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương còn có thể chia sẻ những kinh nghiệm có được trong quá trình hoạt động, những cơ chế, chính sách đầu tư, quản lý các dự án đầu tư hợp tác công tư tại Trung Quốc.

Phối cảnh cầu Tứ Liên, dự án nối liền hai bờ sông Hồng, có tổng vốn đầu tư sơ bộ lên tới hơn 19.000 tỷ đồng. Ảnh: ĐVTK
Trước đó, vào sáng 27/6, nhân dịp dự Hội nghị thường niên các nhà tiên phong lần thứ 15 của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF Đại Liên 2024) và làm việc tại Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tiếp lãnh đạo một số Tập đoàn trong lĩnh vực phát triển hạ tầng, năng lượng, môi trường hàng đầu của Trung Quốc. Trong đó, có lãnh đạo của Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương.
Sáng 27/6, tại Trung Quốc, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp ông Nghiêm Giới Hoà, người sáng lập Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương. Ảnh: VGP

Gặp Thủ tướng, ông Nghiêm Giới Hòa, người sáng lập của Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương, bày tỏ tập đoàn đang tiến hành nghiên cứu, tham gia các dự án xây dựng cầu Tứ Liên, tuyến đường sắt đô thị thành phố Hà Nội đoạn Văn Cao - Ngọc Khánh - Láng - Hoà Lạc…

Đồng thời, người đứng đầu Tập đoàn Thái Bình Dương mong muốn Chính phủ Việt Nam chỉ đạo đẩy nhanh việc tìm kiếm các mô hình hợp tác đổi mới sáng tạo, đẩy nhanh thu hút đầu tư nước ngoài và triển khai vào các dự án cụ thể; cũng như có chính sách ưu đãi hơn cho các doanh nghiệp xây dựng.

Tập đoàn xây dựng Thái Bình Dương được coi là doanh nghiệp tư nhân hàng đầu thế giới trong ngành công trình và xây dựng. Trong năm 2023, tập đoàn đạt doanh thu 79,478 tỷ USD và có lợi nhuận 5,188 tỷ USD.

 

Minh Hằng