clock

Doanh Nghiệp

07:59 14-05-2016

Dự án xơ sợi 7.000 tỷ đồng... hấp hối

Đầu tư tới 7.000 tỷ đồng nhưng sau hơn một năm đưa vào hoạt động Nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ (Công ty CP Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí - PVTex phải tạm dừng hoạt động, 2.000 tỷ đồng vốn chủ sở hữu gần như mất.

Một góc nhà máy sản xuất xơ sợi Đình Vũ. Ảnh: Nguyễn Bằng

Dù Bộ Công Thương kiến nghị Chính phủ, các bộ ngành đã ra tay giải quyết nhiều ưu đãi nhưng con tàu PVTex có nguy cơ khó trụ trước những sóng gió cạnh tranh của thương trường.

Hoạt động gần 2 năm, đắp chiếu 14 tháng

Nhà máy sản xuất xơ Polyester Đình Vũ, do PVTex làm chủ đầu tư với công suất thiết kế đạt 500 tấn xơ sợi/ngày (175 nghìn tấn/năm), tổng mức đầu tư được phê duyệt gần 325 triệu USD (tương đương 7.000 tỷ đồng). Đây là nhà máy sản xuất xơ sợi tổng hợp đầu tiên được xây dựng ở miền Bắc với kỳ vọng sau khi đi vào hoạt động, sẽ cung cấp xơ sợi nhằm thay thế nguồn nguyên liệu nhập khẩu có giá trị lên tới 1,6 tỷ USD/năm để phục vụ cho ngành công nghiệp dệt may Việt Nam. Đầu tư khủng nhưng việc triển khai dự án liên tục gặp trục trặc ngay trong quá trình xây dựng.

Theo tiến độ hợp đồng, nhà máy bắt đầu được nạp nhiên liệu từ 23/5, nghiệm thu ngày 23/8/2011 nhưng thực tế việc nghiệm thu bị chậm gần 2 năm so với quy định của hợp đồng EPC (nghiệm thu có điều kiện ngày 19/8/2013). Sau khi hoàn thành chạy nghiệm thu sơ bộ, 29/8/2013, nhà máy phải dừng hoạt động để thu xếp vốn lưu động cho vận hành thương mại.

9 tháng sau tìm kiếm vốn, 29/5/2014 nhà máy chính thức vận hành thương mại với công suất trung bình 239 tấn/ngày. Đến cuối năm, lãnh đạo nhà máy cho biết sản xuất được hơn 51,6 nghìn tấn xơ, sợi và đối diện ngay lập tức với khó khăn khi doanh thu chỉ đạt 992 tỷ đồng, không đủ bù chi phí biến động. Tính đến cuối năm 2014, công ty bị lỗ 1.085 tỷ đồng. Riêng lỗ biến phí (chi phí biến động) lên tới hơn 185,4 tỷ đồng.

Trước sức ép lỗ lớn, để giảm thiểu thiệt hại về tài chính, nhà máy tiếp tục phải dừng hoạt động trong ba tháng đầu năm 2015 để tìm cách tiêu thụ sản phẩm. Sau nhiều nỗ lực cải thiện chất lượng sản phẩm, nâng cao năng lực quản trị sản xuất, đến 13/3/2015 nhà máy vận hành trở lại với 100% công suất. Tuy nhiên, bất chấp mọi nỗ lực, khó khăn vẫn đeo đẳng. Mỗi tấn sản phẩm sản xuất ra, PVTex lỗ 3,34 triệu đồng. Để thoát khỏi khó khăn, đơn vị đã tìm mọi cách hạ giá thành và bán ra một lượng hàng không nhỏ với mức giá thấp nhưng tình hình không cải thiện.

Trong báo cáo gửi Bộ Công Thương, Phó tổng giám đốc PVTex Bùi Việt Hà cho biết, tính đến 31/3/2015 lỗ lũy kế của đơn vị lên tới 1.732 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu cũng giảm còn 520 tỷ đồng. Còn theo kế hoạch năm đã được duyệt, tình hình sản xuất kinh doanh của PVTex càng khó khăn hơn. Doanh nghiệp dự báo đến cuối năm 2015 tiếp tục bị lỗ hơn 687 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu đến 31/12/2015 chỉ còn 42,31 tỷ đồng (vốn đầu tư của chủ sở hữu ban đầu 2.165 tỷ đồng) và sẽ lỗ kéo dài đến hết năm 2017.

Để hỗ trợ, Tập đoàn Dầu khí quốc gia đã thực hiện 4 gói hỗ trợ khẩn cấp trên mọi phương diện cho PVTex, từ đào tạo lại nguồn nhân lực, tối ưu hóa sản xuất kinh doanh và sự giúp đỡ bằng cả nhân sự lẫn chi phí của các đơn vị thành viên, nhưng đến cuối năm, PVTex là một trong hai đơn vị của tập đoàn không hoàn thành kế hoạch, các chỉ tiêu về doanh thu, chi phí, bù lỗ biến phí được giao. Và đến tháng 10/2015 nhà máy lại tiếp tục phải tạm ngừng hoạt động một lần nữa.

Nhằm vực dậy con thuyền PVTex, đưa Nhà máy Xơ sợi Đình Vũ hoạt động trở lại đạt hiệu quả, nhanh chóng bù lỗ, ngày 4/4/2016, Chủ tịch Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) Nguyễn Quốc Khánh bổ nhiệm ông Phạm Văn Chất (Phó Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Lọc hóa dầu Bình Sơn) đảm nhiệm chức vụ Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hóa dầu và Xơ sợi Dầu khí (PVTex).

Bài toán khó

Trước tình hình hoạt động khó khăn của PVTex, cuối năm 2015, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề nghị một loạt các ưu đãi nhằm cứu con thuyền mới hoạt động nhưng có nguy cơ bị đắm này.

Lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, dù PVN đã có những biện pháp quyết liệt trong công tác tổ chức, cơ cấu lại nhân sự, tiết kiệm chi phí sản xuất, đảm bảo chất lượng của nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ nhưng việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm đang chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ hàng nhập khẩu dẫn đến hiệu quả tổng thể về sản xuất, kinh doanh của nhà máy hết sức khó khăn và thua lỗ.

Theo tính toán, với phương án tối ưu nhất về sản xuất kinh doanh, phải đến cuối năm 2018 doanh thu nhà máy mới có thể bù biến phí và định phí.

Sau gần 2 năm kể từ khi đi vào hoạt động, PVTex đã mất gần hết vốn chủ sở hữu tại dự án. Ảnh: Đỗ Hoàng

“Theo đánh giá của Bộ Công Thương tình hình tài chính của PVTex hết sức khó khăn do thiếu vốn lưu động và không có nguồn để trả các nghĩa vụ tài chính đáo hạn, thậm chí có nguy cơ phá sản. Giải pháp cấp bách hiện nay là phải hỗ trợ vốn cho PVTex xử lý các tồn tại tài chính, cấp vốn lưu động để duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh”, Thứ trưởng Cao Quốc Hưng cho biết trong báo cáo.

Trao đổi với PV Tiền Phong, một chuyên gia am hiểu về dệt may cho rằng, việc PVTex đối mặt khó khăn là điều dễ hiểu. Ngay cả khi bỏ qua những yếu tố khác về mặt đầu tư, đơn vị gặp khó khăn do địa điểm đặt nhà máy xa vùng sản xuất nguyên liệu và tiêu thụ sản phẩm, nên chi phí vận chuyển nguyên liệu bị đội lên nhiều.

Ước tính chi phí vận chuyển sản phẩm của PVTex từ Hải Phòng vào TPHCM cũng cao hơn các đối thủ khác khoảng 2% doanh thu, tương đương 40 tỷ đồng/năm. Cùng đó, sản phẩm xơ sợi của PVTex mới gia nhập thị trường lại không thuộc chuỗi sản phẩm của ngành dệt may nên không được hưởng các chính sách ưu đãi.

Nhưng, điều quan trọng nhất chính là phần chất lượng sản phẩm thời gian đầu sản xuất gặp nhiều vấn đề, chưa kể giá bán cao hơn so với sản phẩm cùng loại nhập khẩu khiến doanh nghiệp sản xuất trong nước không mặn mà.

Theo tìm hiểu của phóng viên, nguyên nhân chính dẫn đến hiệu quả của dự án giảm mạnh khi đưa vào vận hành thương mại là do định mức và chi phí vận hành thực tế tăng hơn so với tính toán và năng lực vận hành còn hạn chế nên chất lượng sản phẩm chưa ổn định, uy tín thương hiệu thấp. Lý do khác là do giá thành sản xuất xơ của đơn vị tính trung bình 3 tháng cuối năm 2014 theo báo cáo là 30,8 triệu đồng/tấn (tương đương 1.434 USD/tấn), cao hơn rất nhiều so với các sản phẩm nhập khẩu tại thời điểm đó (giá nhập khẩu trung bình năm 2014 đối với xơ polyester từ Trung Quốc là 1.215 USD/tấn, từ Đài Loan (Trung Quốc) là 1.268 USD/tấn và từ Thái Lan là 1.227 USD/tấn). Hàng không bán được, nhà máy chỉ vận hành được 49% công suất nên ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tài chính của đơn vị.

Theo Nguyễn Bằng - Thục Quyên/Tiền phong