clock

Tài Chính

06:11 11-11-2015

FSB: Các ngân hàng lớn nhất thế giới cần tăng vốn dự phòng lên 1.200 tỷ USD

Ủy ban Ổn định Tài chính (FSB), cơ quan tư vấn uy tín cho Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) về cải cách ngân hàng, đã đưa ra các đề xuất cuối cùng vào ngày 9/11, cho rằng các ngân hàng lớn nhất thế giới phải tăng dự trữ tiền mặt tới 1.100 tỷ EUR (1.200 tỷ USD), đề phòng bất kỳ một cuộc khủng hoảng tài chính nào trong tương lai.

Chủ tịch FSB, đồng thời là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, Mark Carney - Nguồn: Reuters

FSB cho rằng các ngân hàng được cho là "quá lớn không thể bị phá sản" vẫn chưa đủ nỗ lực sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 để đảm bảo sự tồn tại nếu một cuộc khủng hoảng lại xảy ra.

FSB nhận định để không phải dùng tiền thuế vào việc cứu trợ các ngân hàng, các ngân hàng lớn nhất thế giới phải huy động thêm khoảng 457-1.100 tỷ EUR tiền mặt.

Theo FSB, cho đến năm 2019, 30 ngân hàng lớn nhất thế giới, tức là những ngân hàng có vị trí quan trọng trong hệ thống tài chính toàn cầu (G-SIB), cần thiết lập đệm vốn tương đương 16% giá trị tài sản. Con số này sẽ tăng lên 18% vào năm 2022.

Chủ tịch FSB, người đồng thời là Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh, Mark Carney, cho biết cơ quan này đã nhất trí việc để các G-SIB có thể phá sản mà không đặt cả hệ thống tài chính và ngân sách nhà nước trước rủi ro.

Trong một lá thư gửi tới các chính phủ G20, ông Carney nói thêm rằng không có cải cách nhằm bảo vệ tuyệt đối trước các cú sốc đối với hệ thống ngân hàng, nhưng việc tăng vốn dự phòng sẽ đảm bảo rằng, trong tương lai, các ngân hàng, chứ không phải người đóng thuế, phải chịu hậu quả từ hành động của họ.

 
LÊ MINH/TTXVN - Vietnam+