clock

Doanh Nghiệp

09:45 04-08-2022

Giá xăng dầu phi mã, lợi nhuận các ông lớn phân phối phân hóa mạnh

Trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine, giá dầu thế giới bị đẩy lên cao, bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp phân phối xăng dầu có sự phân hóa mạnh. Trong đó, Petrolimex, Dầu khí Nam Sông Hậu ghi nhận lỗ, PV OIL lãi kỷ lục và sắp về đích kế hoạch lợi nhuận.

Lợi nhuận của Petrolimex, Dầu khí Nam Sông Hậu trượt dốc, PV OIL bứt phá
Trong nửa đầu năm 2022, thị trường xăng dầu của Việt Nam biến động mạnh do ảnh hưởng của căng thẳng Nga – Ukraine cùng với việc nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất, ảnh hưởng đến nguồn cung trong nước.

Từ đầu năm đến nay, giá xăng dầu trong nước đã trải qua 20 kỳ điều chỉnh giá, trong đó có 13 lần tăng và 7 lần giảm.

Giá xăng dầu trong quý II liên tục phá kỷ lục, đỉnh điểm trong kỳ điều chỉnh ngày 21/6, giá xăng RON 95 chạm mức 32.873 đồng/lít, tăng gần 40% so với đầu năm.

(Số liệu: Bộ Công Thương, Biểu đồ: Phạm Mơ)

Trong bối cảnh căng thẳng Nga - Ukraine, giá dầu thế giới bị đẩy lên cao, bức tranh kinh doanh của các doanh nghiệp phân phối xăng dầu có sự phân hóa mạnh. Trong đó, Petrolimex, Dầu khí Nam Sông Hậu ghi nhận lỗ, PV OIL lãi kỷ lục và sắp về đích kế hoạch lợi nhuận.

Theo đó, doanh thu thuần quý II của Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex, Mã: PLX) 84.367 tỷ đồng doanh thu thuần, tăng 80% so với cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế lại âm 141 tỷ đồng trong khi quý II/2021 lãi 1.594 tỷ đồng. Đây là quý thứ hai liên tiếp, lợi nhuận của Petrolimex đi xuống.

Giải trình về nguyên nhân lợi nhuận sau thuế quý II của công ty mẹ giảm mạnh so với cùng kỳ và phát sinh lỗ, lãnh đạo Petrolimex cho biết trong quý này, giá dầu thô chịu ảnh hưởng trực tiếp xung đột quân sự giữa Nga và Ukraine, các nước Tây Âu và Mỹ cấm vận dầu Nga đã làm cho giá xăng dầu thế giới biến động bất thường.

Theo đó, giá dầu ngọt nhẹ (WTI) tăng từ 99,4 USD/thùng vào đầu quý II lên mức 122 USD/thùng (tăng 23%), sau đó giảm sâu còn 105,8 USD/thùng vào cuối tháng 6.

Bên cạnh đó, Petrolimex phải tăng cường nhập khẩu bù đắp nhu cầu tiêu dùng xã hội trong chu kỳ giá thế giới tăng cao khiến biên lợi nhuận gộp của hoạt động kinh doanh xăng dầu trong quý II suy giảm mạnh.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần của tập đoàn đạt 151.387 tỷ đồng, tăng 78% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế 6 tháng vẫn trượt dốc 87% còn 302 tỷ đồng.

Năm 2022, Petrolimex đặt mục tiêu doanh thu hợp nhất 186.000 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế hợp nhất đạt 3.060 tỷ đồng. Với 293 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế 6 tháng, doanh nghiệp mới đạt chưa tới 10% chỉ tiêu lợi nhuận năm đề ra, còn doanh thu đã hoàn thành 81% kế hoạch doanh thu cả năm.

Ảnh minh họa

Tương tự như Petrolimex, CTCP Thương mại Đầu tư Dầu khí Nam Sông Hậu (Mã: PSH) cũng ghi nhận doanh thu đi lên, lợi nhuận đi xuống.

Theo báo cáo tài chính quý II, doanh thu thuần của dầu khí Nam Sông Hậu đạt 1.732 tỷ đồng, tăng 43% so với quý II/2021. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán tăng 79% lên 1.920 tỷ đồng khiến lợi nhuận gộp của công ty âm 188 tỷ đồng.

Trong quý II, giá xăng dầu trên thế giới và trong nước có nhiều biến động làm ảnh hưởng trực tiếp đến giá thành nguyên vật liệu đầu vào của PSH dẫn đến giá vốn tăng cao.

Bên cạnh đó, chi phí lãi vay cũng tăng 67% lên 70 tỷ đồng khiến lợi nhuận của doanh nghiệp này âm 265 tỷ đồng so với mức lãi 52,5 tỷ đồng trong quý II/2021.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, dầu khí Nam Sông Hậu ghi nhận doanh thu thuần đạt 4.085 tỷ đồng, tăng 38%; lỗ sau thuế khoảng 251 tỷ đồng so với khoản lãi 97 tỷ đồng cùng kỳ 2021.

Năm 2022, doanh nghiệp đặt kế hoạch doanh thu thuần đạt 14.476 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 348 tỷ đồng. Với kết quả này, dầu khí Nam Sông Hậu mới đạt 28% kế hoạch doanh thu và còn cách xa mục tiêu có lãi.

ảnh minh họa
Khác với Petrolimex và Dầu khí Nam Sông Hậu, bức tranh kinh doanh Tổng Công ty Dầu Việt Nam - CTCP (PV OIL, Mã: OIL) lại có một quý II khá tươi sáng.

Theo đó, doanh thu thuần trong quý II của PV OIL đạt 30.412 tỷ đồng, tăng 127% so với cùng kỳ năm ngoái, lợi nhuận sau thuế tăng 88%, lên mức 510 tỷ đồng.

Lãnh đạo PV OIL lý giải trong nửa đầu năm, trước diễn biến nguồn cung dầu sụt giảm mạnh trong khi lượng cầu tăng nhanh do nhu cầu đi lại gia tăng, các quốc gia đồng loạt mở cửa khiến giá dầu liên tiếp lập đỉnh.

Trung bình 6 tháng đầu năm, giá dầu Brent ở mức 108,2 USD/thùng, tăng 67% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 40% so với cuối năm 2021.

"Theo biến động thị trường, giá các mặt hàng xăng dầu đều tăng mạnh 65-94%. Diễn biến này tạo nhiều thuận lợi đối với tình hình sản xuất của công ty, làm cho lợi nhuận sau thuế quý II và nửa đầu năm tăng mạnh", đại diện PV OIL cho biết.

Luỹ kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần và lợi nhuận sau thuế của PV OIL lần lượt đạt 53.700 tỷ đồng và 793 tỷ đồng, tăng 113% và 71% so với cùng kỳ năm ngoái.

Năm 2022, tổng công ty đặt kế hoạch doanh thu hợp nhất khoảng 45.000 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 400 tỷ đồng. Kết thúc nửa năm 2022, PV OIL đã vượt 19% kế hoạch doanh thu và hoàn thành 98% mục tiêu lợi nhuận cả năm.

Ảnh minh họa
Điều gì khiến Petrolimex dành khoản tiền lớn cho trích lập dự phòng?
Theo báo cáo tài chính quý II, Petrolimex ghi nhận lỗ sau thuế 141 tỷ đồng. Đây được coi là "lỗ kỹ thuật".

Tính đến ngày 30/6, khoản dự phòng giảm giá hàng tồn kho của Petrolimex ở mức 1.330 tỷ đồng trong khi PV OIL chỉ hơn 31 tỷ đồng, dầu khí Nam Sông Hậu không trích lập.

Đại diện Petrolimex cũng cho biết kể từ tháng 7, giá xăng dầu được điều chỉnh giảm với biên độ lớn. Để đảm bảo nguyên tắc thận trọng theo chuẩn mực kế toán và cung cấp thông tin minh bạch tình hình tài chính cho nhà đầu tư, công ty mẹ đã trích lập dự phòng giảm giá hàng tồn kho tại ngày 30/6 đối với lượng hàng tồn kho, giá trị trích lập dự phòng là 1.259 tỷ đồng.

“Nếu không trích lập dự phòng giảm giá này thì lợi nhuận trước thuế 6 tháng là 295 tỉ đồng", đại diện Petrolimex thông tin.

Trong nửa đầu năm 2022, khi nhà máy lọc dầu Nghi Sơn giảm công suất, nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng, Petrolimex là 1 trong 10 doanh nghiệp xăng dầu được Bộ Công Thương yêu cầu nhập khẩu bổ sung 2,4 triệu m3 cho quý II. Doanh nghiệp này không chỉ phải tăng tỷ lệ nhập khẩu, mà còn phải nhập khẩu xăng dầu giao ngay, giá cao.

Tại ĐHĐCĐ năm 2022, ông Đào Nam Hải, Tổng Giám đốc cho biết tỷ lệ nhập khẩu của tập đoàn trong cơ cấu tạo nguồn đối với các năm 2021 trở về trước chiếm khoảng 30% còn 70% nguồn trong nước.

Tuy nhiên từ năm 2022, với diễn biến phức tạp cua thị trường xăng dầu, đặc biệt là sự cố của nhà máy Nghi Sơn không thể đảm bảo nguồn cung ứng cho Petrolimex thì tỷ lệ nhập khẩu trong 6 tháng đầu năm ước khoảng 46%, nguồn trong nước là 54%.

Ảnh minh họa
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm, nhập khẩu xăng dầu các loại đạt gần 4,8 triệu m3, tương đương 5 tỷ USD, tăng 18% về lượng và tăng gần 2,3 lần về giá trị so với cùng kỳ năm 2021. Bình quân giá xăng dầu nhập khẩu lên tới 1.031 USD/m3, tăng 92% so với cùng kỳ năm 2021.

Trong khi đó, giá dầu thế giới đang có xu hướng hạ nhiệt sau khi phá kỷ lục ở mức 130 USD/thùng vào đầu tháng 3. Giá dầu Brent vào thời điểm 10h30 hôm nay ở mức 99,5 USD/thùng, giảm hơn 30% so với mức đỉnh.

Diễn biến giá dầu Brent trong vòng 6 tháng qua. (Nguồn: Trading View)

Trong bối cảnh giá dầu thế giới phập phồng, Petrolimex, doanh nghiệp phân phối 48% xăng dầu cho cả nước dành một khoản tiền lớn cho trích lập khoản dự phòng hàng tồn kho cũng là điều dễ hiểu.
Tại cuộc họp với Bộ Công Thương gần đây, ông Trần Ngọc Năm, Phó Tổng giám đốc Petrolimex nhận định thị trường xăng dầu thời gian tới còn biến động rất phức tạp và có nhiều thông tin tác động trực tiếp đến nguồn cung, giá cả như chiến sự Nga - Ukraine, thông tin châu Âu cắt giảm khí đốt, các phân tích liên quan đến áp giá trần của Nga…

Thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều vấn đề khó đoán, song ông Trần Ngọc Năm khẳng định về cơ bản, nguồn cung sẽ ổn định.

Theo VietNamBiz