Trong Nước
11:36 01-06-2023Giai đoạn 2021 - 2023, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt bao nhiêu?
Tỷ lệ huy động vào Ngân sách nhà nước đạt 17,7% GDP, riêng huy động từ thuế, phí đạt 14,5% GDP, đạt mục tiêu đề ra.
Nền kinh tế nước ta sau 2 năm chịu tác động nặng nề của dịch COVID-19 đã vực dậy mạnh mẽ nhờ kiểm soát hiệu quả đại dịch và triển khai quyết liệt, hiệu quả Chương trình phục hồi và phát triển KTXH.
Tăng trưởng kinh tế đạt kết quả khá tích cực trên nhiều ngành, lĩnh vực trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế thế giới trên đà suy giảm do chịu tác động nặng nề từ 2 năm dịch COVID-19.
Trong đó, năm 2021 mặc dù tốc độ tăng GDP chỉ đạt 2,56% nhưng vẫn được thế giới đánh giá là tích cực do nhiều nền kinh tế có mức tăng trưởng âm; năm 2022 phục hồi mạnh mẽ, đạt mức tăng cao 8,02%. Thương hiệu quốc gia tăng 11% từ 388 tỷ USD năm 2021 lên 431 tỷ USD năm 2022, là mức tăng trưởng nhanh nhất thế giới.
Những tháng đầu năm 2023, trong bối cảnh thế giới tiếp tục có nhiều bất ổn, ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế nước ta, nhất là xung đột Nga - Ukraine kéo dài, lạm phát cao, xu hướng thắt chặt chính sách tiền tệ, các hoạt động kinh tế, nhu cầu tiêu dùng phục hồi chậm, tăng trưởng kinh tế nhiều nước trên đà suy giảm. Quý 1/2023, do tác động suy giảm kinh tế toàn cầu nên mức tăng trưởng chỉ đạt 3,32%.
Quy mô nền kinh tế tiếp tục mở rộng, GDP bình quân đầu người tăng từ 3.552 USD năm 2020 lên 4.109 USD năm 2022. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế tiếp tục đúng hướng, giảm tỷ trọng khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, tăng tỷ trọng khu vực công nghiệp, xây dựng và khu vực dịch vụ.
Lạm phát cơ bản được kiểm soát phù hợp. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân cả năm 2021 tăng 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2016 và năm 2022 tăng 3,15%, đều thấp hơn mục tiêu Quốc hội đề ra (khoảng 4%); 4 tháng năm 2023 tăng 3,84%.
Trong bối cảnh giá cả hàng giá cả hàng hóa thế giới, nhất là giá xăng dầu biến động liên tục và có xu hướng tăng mạnh, áp lực lạm phát lớn từ nhiễu nền kinh tế lớn và là đối tác thương mại của Việt Nam, giá cả các hàng hóa, dịch vụ quan trọng, thiết yếu được kiểm soát hiệu quả, tương đối ổn định góp phần ổn định mặt bằng giả cả, hạn chế tác động tiêu cực đến phát triển KTXH.
Trong điều kiện phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, những vấn đề mới phát sinh chưa có tiền lệ, phức tạp so với dự báo; phải triển khai nhiều chính sách miễn, giảm, giãn thuế và các khoản thu ngân sách Nhà nước (NSNN) với thời gian dài để hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức kinh tế vượt qua khó khăn và tăng chi để kích cầu nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội; tình hình thực hiện thu, chi NSNN vẫn tích cực và tương đối toàn diện.
Tại báo cáo đánh giá giữa kỳ tình hình thực hiện Kế hoạch phát triển KTXH 5 năm 2021 - 2025 do Bộ kế hoạch Đầu tư vừa công bố, tổng thu NSNN 3 năm 2021 – 2023 đạt 5.027,6 nghìn tỷ đồng, bằng 60,1% dự kiến cả 5 năm; thu NSNN hằng năm vượt dự toán được giao, đáp ứng kịp thời, đầy đủ các nhiệm vụ chi đầu tư phát triển, công tác phòng chống. kiểm soát dịch bệnh, thực hiện chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương và các nhiệm vụ cấp thiết khác...
Tỷ lệ huy động vào NSNN đạt 17,7% GDP, riêng huy động từ thuế, phí đạt 14,5% GDP, đạt mục tiêu đề ra (tương ứng là trên 16%/GDP và 13-14% GDP). Cơ cấu thu tiếp tục được củng cố, tỷ trọng thu nội địa duy trì ở mức 83- 84% tổng thu NSNN, tỷ trọng thu dầu thô và thu từ hoạt động xuất nhập khẩu tăng nhẹ do tác động tăng giá trên thị trường thế giới. Tỷ trọng thu NSĐP bình quân 3 năm chiếm khoảng 50% tổng thu NSNN.
Tổng chi NSNN 3 năm (bao gồm cả nhiệm vụ chi cho Chương trình phục hối và phát triển kinh tế) đạt 5.952,6 nghìn tỷ đồng, bằng 58% dự kiến cả 5 năm, đáp ứng cao nhất yêu cầu về vốn đầu tư phát triển, đảm bảo kinh phí cho công tác phòng chống, kiểm soát dịch bệnh, thực hiện các chính sách an sinh xã hội, cải cách tiền lương cơ sở và các nhiệm vụ cấp thiết khác.
Tỷ trọng chi đầu tư phát triển bình quân trên 30% tổng chi NSNN (riêng dự toán năm 2023 là 35%), tỷ trọng chi thưởng xuyên khoảng 57 - 58% tổng chi NSNN, trong phạm vi mục tiêu đề ra cho cả 5 năm.
Bội chi NSNN 3 năm ở mức 3,6% GDP (đã bao gồm bội chi cho Chương trình phục hồi và phát triển KTXH), trong phạm vi mục tiêu đề ra (3,7% GDP). Các chỉ tiêu an toàn nợ công 3 năm 2021 - 2023 đều trong giới hạn cho phép. Đến hết năm 2022, dư nợ công là 38% GDP, dư nợ Chính phủ là 34,7%GDP, dư nợ nước ngoài của quốc gia khoảng 36,8% GDP, thấp hơn ngưỡng cảnh báo quy định của Quốc hội”, góp phần củng cố xếp hạng tín nhiệm quốc gia”.
Đã chủ động thực hiện đồng bộ các giải pháp cơ cấu danh mục nợ công theo hướng tăng tỷ trọng vốn vay trong nước, giảm dần tỷ trọng nợ nước ngoài để giảm thiểu rủi ro tỷ giá, kéo dài kỳ hạn phát hành trái phiếu chính phủ.
Tin liên quan
- Tỷ phú Thái Lan quyết tâm theo đuổi Vinamilk sau thương vụ chi 5 tỷ USD thâu tóm Sabeco
- Đám hỏi của con trai tỷ phú Phạm Nhật Vượng: Lần đầu tiên một hôn lễ hào môn ở Việt Nam làm điều này
- Việt Nam vừa có thêm một khu kinh tế rộng gần 14.000 ha, cách Hà Nội chưa tới 100 km
- Doanh nhân Phạm Nhật Minh Hoàng là ai?