clock

Doanh Nghiệp

06:11 12-10-2015

Gỗ Trường Thành bắt đầu quay lại thời huy hoàng?

Thị giá cổ phiếu TTF của Gỗ Trường Thành tăng trưởng tốt trong thời gian gần đây, gần chạm đến mức giá của thời kỳ bắt đầu niêm yết trên sàn chứng khoán khiến nhà đầu tư kỳ vọng một sự đột phá mới từ doanh nghiệp ngành gỗ này.

Từng lao đao vì nợ

Gỗ Trường Thành được hình thành từ một cơ sở chế biến gỗ nhỏ của ông Võ Trường Thành – người vẫn đang đồng hành trong từng bước đi của TTF cho đến thời điểm hiện tại.

Đến năm 1993, cơ sở này được nâng lên là doanh nghiệp, lấy tên là Xí nghiệp Tư doanh Chế biến Gỗ Trường Thành. Năm 2000, ông Võ Trường Thành mua lại nhà máy Vinaprimart tại Bình Dương, vốn chuyên sản xuất đũa gỗ để chuyển sang chế biến ván sàn và đồ gia dụng nội – ngoại thất bằng gỗ cho thị trường xuất khẩu, chính thức thành lập Công ty TNHH Kỹ nghệ Gỗ Trường Thành.

Trải qua nhiều năm chinh chiến và mở rộng quy mô, đến năm 2012, TTF bắt đầu chững lại. Công ty rơi vào giai đoạn khủng hoảng nhất từ khi thành lập bởi sự thắt chặt tiền tệ của các ngân hàng. Công ty không thể hoàn tất đơn hàng và xuất hàng đúng hẹn cho khách, đây cũng là năm đầu tiên doanh thu và lợi nhuận của TTF sụt giảm mạnh, công ty lỗ hơn 2,9 tỷ đồng thời gian này.

Năm 2013 công ty tiếp tục thua lỗ. Hàng tồn kho lớn và dư nợ vay cao là nỗi lo lớn nhất của TTF. Trong bối cảnh lãi suất cho vay quá cao, công ty phải chịu đựng khoản lãi vay quá lớn để trả ngân hàng, chưa kể một số ngân hàng đã cắt giảm hạn mức trong năm 2012 và 2013 khiến khó khăn càng chồng chất khó khăn. Cùng với đó là việc mất uy tín với bạn hàng, dòng tiền thiếu hụt đến mức không kịp trả lương cho công nhân và mua nguyên liệu sản xuất.

Trước tình hình nguy cấp khiến công ty có thể phải dừng hoạt động, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Bình Dương đã họp các ngân hàng chủ nợ của TTF để có thể giãn nợ và lãi vay cho công ty, giúp doanh nghiệp có vốn hoạt động. Từ tháng 11/2013, TTF bắt đầu bước vào giai đoạn tái cơ cấu tài chính.

TTF bắt đầu đẩy mạnh hoạt động tái cơ cấu tài chính của mình. Trong thàng 6/2014, TTF đã thực hiện thành công việc DATC mua 543 tỷ nợ của Vietcombank tại công ty mẹ và cá công ty con, trong tháng 12, DATC tiếp tục mua thêm 254 tỷ tiền nợ của MB. Sau tái cơ cấu, dự kiến công ty chỉ còn dư nợ tại 5 ngân hàng thay vì 11 ngân hàng như trước đây.

Hiệu quả quá trình tái cơ cấu nợ của TTF đã được phản ánh vào kết quả kinh doanh của doanh nghiệp. Nhờ đó quá trình leo dốc của thị giá TTF trên sàn chứng khoán cũng khá rõ rệt, trong vòng 3 tháng qua, giá cổ phiếu TTF đã tăng 51%.

Kỳ vọng quay lại vị thế người dẫn đầu

Sau khi thoát bớt nỗi nặng nợ tài chính, trên thực tế triển vọng tái cơ cấu của TTF vẫn còn khả quan khi vị thế ngành của TTF vẫn tốt, triển vọng ngành gỗ xuất khẩu và năng lực sản xuất của TTF còn nguyên vẹn.

Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan Việt Nam, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam trong năm 2014 đạt 6,2 tỷ USD, tăng 10% so với năm 2013. Đây là kim ngạch đạt được cao nhất từ trước tới nay, đưa ngành gỗ Việt Nam vượt qua Malaysia và đứng đầu khu vực Đông Nam Á. Tính đến thời điểm hiện nay, các mặt hàng đồ gỗ Việt Nam đã có mặt hơn 150 nước, trong đó thị trường Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản chiếm tới hơn 70%.

Xuất khẩu mặt hàng gỗ và sản phẩm gỗ hiện đứng thứ 5 trong 10 ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam. 

Từng là một trong những doanh nghiệp dẫn đầu về xuất khẩu đồ gỗ, doanh nghiệp này cũng không hề giấu diếm mong muốn trở lại vị trí này khi vừa đẩy mạnh xuất khẩu, vừa mở rộng thị trường nội địa.

Hiệp định TPP được ký kết sẽ đưa thuế suất của các mặt hàng đồ gỗ từ mức thuế 3%-7% về 0%. Trong cơ cấu doanh thu gỗ của TTF, hai thị trường Nhật Bản và Mỹ có sự đóng góp tỷ trọng lớn (khoảng 60%). Ngoài ra, nhờ TPP, công ty có thể đẩy mạnh hoạt động kinh doanh ra các nước khác khi được hậu thuẫn về thuế.

Ngoài ra, những doanh nghiệp trong nước, có nguồn gỗ từ rừng tự trồng như TTF, sẽ có giá bán cạnh tranh so với các doanh nghiệp Trung Quốc từ 2-5%. 

 

Nguyên Minh/ Bizlive.vn