clock

Thời Trang

11:52 07-01-2016

H&M, DKNY đua nhau nhảy vào thị trường thời trang cho người theo đạo Hồi

Tính đến năm 2014, số người theo đại Hồi đang ở mức 1,6 tỷ dân, chiếm 23% trên toàn thế giới. Thế nhưng các nhãn hiệu thời trang cao cấp vẫn vô cùng dè dặt và chưa chú trọng đến thị trường rộng lớn này.

Năm ngoái, thiết kế Burkini dành riêng cho các cô gái Hồi giáo đã gây sốt toàn thế giới khi nhà thiết kế người Úc Aheda Zanetti kết hợp giữa trang phục kín đáo và bộ đồ bó sát cách điệu để phù hợp với việc bơi lội.

Burkini đã mang lai tên tuổi cho NKT Aheda Zanetti

Vẫn giữ nguyên sự kín đáo từ tóc đến chân nên Burkini nhanh chóng gây sốt trên các trang bán hàng và được đông đảo các cô gái Hồi giáo đón nhận.

Lần đầu tiên cộng đồng “kín tiếng” này lại thích thú và hưởng ứng một trào lưu thời trang vốn không có trong từ điển của họ.

Theo tạp chí Fortune: Trong năm 2013, chỉ riêng phụ nữ Hồi giáo đã đóng góp cho ngành may mặc và giày dép hơn 266 tỷ USD, chưa dừng lại ở đó, dự kiến con số sẽ tăng theo cấp số nhân lên 484 tỷ USD vào năm 2019.

Một mỏ vàng chưa được khai quật hàng chục năm trời!

Bước đầu tiếp cận với thị trường lạ lẫm này, H&M hay DKNY, Tommy Hilfiger đều mạnh dạn tuyển chọn những phụ nữ Hồi giáo để tham gia chiến dịch thời trang đa tôn giáo, sắc tộc. Tuy nhiên, các thiết kế dành cho họ vẫn vô cùng mờ nhạt và họ cảm thấy bị bỏ qua hay gu ăn mặc không được đề cao trên thế giới.

Cô người mẫu Marial Idrissi từng gây sốt khi quảng cáo H&M

Chiến dịch thu đông của H&M năm nay đã chọn mặt gửi vàng vào cô người mẫu đạo Hồi Marial Idrissi để quảng bá nét đẹp của những chiếc áo choàng dài bẫm gót hay khăn trùm đầu phong phú sắc màu. Mặc dù mong muốn truyền tải thông điệp đổi mới và cởi mở hơn với những kiểu dáng biến tấu nho nhỏ nhưng xem ra H&M vẫn còn dè dặt khi chỉ để Mariah đại diện cho những trang phục được sử dụng từ nguyên liệu tái chế và thân thiện với môi trường.

H&M vẫn e dè bị ném đá nên chọn giải pháp an toàn để Mariah đại diện cho BST tái chế, thân thiện với môi trường?

Năm 2014 ghi nhận 108 triệu lượt khách Hồi giáo viếng thăm các quốc gia khác và ít nhiều quan niệm ăn mặc của họ đã thay đổi.

Và giờ đây, cô người mẫu 23 tuổi này đang viết nên một trang sử mới cho H&M và truyền không ít cảm hứng cho những cô gái mới lớn mạnh dạn điều chỉnh những bộ trang phục truyền thống của mình theo hướng hiện đại, tích cực hơn.

Tiến sâu thêm một bước, Dolce & Gabbana đang biến những set đồ đắt đỏ của mình được bày bán quanh năm trên các gian hàng may mặc dành cho phụ nữ Hồi giáo ở Trung Đông.

Trước đây, những nhãn hàng cao cấp chỉ được tung ra vào các dịp lễ hội trọng thể của người Hồi giáo nên việc tìm kiếm được những set đồ sang trọng này vào các dịp thông thường như việc mò kim đáy bể, có thể phải sang tận London để mua chúng.

Thế nhưng, không chỉ nhu cầu ở vùng Trung Đông đang dâng cao mà ngay cả Nhật Bản, Trung Quốc hay các quốc gia có người Hồi giáo khác cũng đang háo hức tiếp cận với thời trang cách tân trong khuôn khổ những chuẩn mực của tôn giáo họ.

Ngoài ra, Dolce & Gabbana còn mạnh dạn kết hợp thêm những chiếc túi xách hài hòa với tổng thể trang phục và lối trang điểm nhẹ nhàng, khiêm tốn giúp các cô gái tự tin diện trang phục mà không hề bị la ó hay phàn nàn.

Vẫn giữ gam màu tối và thiết kế tinh tế vừa kín đáo mà vẫn khoe được hương sắc của những phụ nữ Hồi giáo.

Với tinh thần tôn vinh vẻ đẹp phụ nữ Hồi giáo, D&G muốn tô điểm cho phái đẹp những chiếc túi xách hài hòa và bộ trang sức đá quý lộng lẫy mà trước nay họ chưa hề thử qua.

D&G mong muốn tạo ra bước đột phá trong thay đổi quan niệm thời trang của phụ nữ Hồi giáo và họ còn đang nuôi tham vọng khai phá tiếp nửa còn lại nhằm đánh chiếm mỏ vàng hàng trăm tỷ đô kia.

 

Theo Trí Thức Trẻ