clock

Thời Trang

16:38 20-10-2022

Thời trang nhanh ngày càng hợp gu người dùng - đây là những cái tên đang đe dọa H&M, Zara, Uniqlo

Tại thị trường lớn nhất thế giới, những chuỗi cửa hàng quần áo giá rẻ đang ngày càng thu hút người tiêu dùng trong thời kì lạm phát. Primark, GU và Shein là một trong những nhà bán lẻ quần áo đang mở rộng thị phần và giành được tình cảm của những người tiêu dùng trước đây vốn chỉ săn hàng hiệu

Primark, Shein và các nhà bán lẻ giá rẻ khác đang giành chiến thắng với những người mua sắm ở Mỹ đang thay đổi thói quen với lạm phát tăng cao.

GU vào đầu tháng 10 vừa qua đã mở cửa hàng đầu tiên tại Mỹ và bán các mặt hàng như áo len với giá 30 USD và áo khoác lông với giá 60 USD, một mức giá quá hấp dẫn so với người tiêu dùng Mỹ. Thuộc sở hữu của Japan's Fast Retailing Co, GU cung cấp quần áo và phụ kiện rẻ hơn khoảng 20% so với quần áo được bán bởi chuỗi bán lẻ Uniqlo.

Giám đốc điều hành GU, ông Osamu Yunoki cho biết trong một cuộc phỏng vấn tại cửa hàng mới ở khu SoHo của Manhattan: "Đây là thời điểm hoàn hảo để GU thâm nhập vào thị trường Mỹ bởi những giá trị mà chúng tôi mang lại."

Cuộc đổ bộ của các nhà bán lẻ giá rẻ này đang hướng tới mục tiêu làm "rung chuyển" thị trường thời trang Mỹ giống như cách mà các chuỗi cửa hàng thời trang nhanh như H&M và Zara đã làm cách đây một thế hệ. Shein, Primark và GU đưa ra mức giá thấp mỗi ngày thay vì yêu cầu người tiêu dùng phải chờ các đợt giảm giá.

Các nhà bán lẻ quần áo giá rẻ khác ở Mỹ như Walmart, T.J.Maxx và Ross Stores đã giành được khách hàng từ các chuỗi thời trang bán giá cao trong những năm gần đây. Theo hãng nghiên cứu GlobalData, các chuỗi cửa hàng giá rẻ chiếm 22,4% trong tổng chi tiêu cho hàng may mặc ở Mỹ vào năm 2021, tăng từ 19,1% vào năm 2014.

Primark không chi tiền cho các chiến dịch quảng cáo truyền thống và không bán hàng trực tuyến.Ảnh: WSJ

Xu hướng mở rộng thị phần này đang gây sức ép cho cho các nhà bán lẻ thời trang cao cấp hơn như Gap và Macy's khi họ đối mặt triển vọng chi tiêu không chắc chắn của người tiêu dùng đang bị tác động của lạm phát.

Chi tiêu của người mua sắm ở Mỹ đã chậm lại trong tháng 9 do giá cả tăng cao khiến mọi thứ từ thực phẩm đến thiết bị điện tử trở thành những món hàng không còn phù hợp với túi tiền của họ. Chỉ số giá tiêu dùng, không bao gồm thực phẩm và năng lượng, tăng với tốc độ hàng năm nhanh nhất trong bốn thập kỷ gần đây. Giá quần áo vào tháng trước đã tăng 5,5% so với cùng kì năm 2021.

Thương hiệu Primark, thuộc sở hữu của Associated British Foods PLC, có kế hoạch sẽ mở 60 cửa hàng tại Mỹ vào tháng 10 năm 2026, tăng so với con số 13 hiện tại. Shein, nhà bán lẻ trực tuyến của Trung Quốc nổi tiếng với hàng may mặc hợp thời trang và giá rẻ, đang tạo ra một cú hích lớn hơn ở Mỹ bằng cách mở các trung tâm phân phối mới ở đây.

Sau khi phá sản vào năm 2020 với các chủ sở hữu mới, nhà bán lẻ giá rẻ Forever 21 tuần trước cho biết họ có kế hoạch mở 14 cửa hàng mới ở Mỹ đến tháng 6 năm 2023. Không chỉ vậy, người mua sắm cũng tiếp tục đổ xô đến các chuỗi thời trang nhanh như Zara và H&M.

Melissa Sheer, chủ sở hữu một công ty tại Summit, gần đây đã chuyển sang mua áo phông tại Shein thay vì Gap như trước đây, cho biết: "Khi tôi có thể mua áo phông với giá chỉ 5 USD tại Shein, vì sao tôi phải bỏ ra 25 USD để mua 1 chiếc áo của Gap?"

Cô nói rằng mặc dù những chiếc áo Shein có chất lượng thấp hơn, được làm từ hỗn hợp polyester chứ không phải cotton như Gap nhưng nó vẫn đủ tốt cho người tiêu dùng. Với bối cảnh lạm phát , giá cả luôn được ưu tiên hơn là chất lượng.

So sánh giá cả trung bình dựa trên các mặt hàng bán chạy của các thương hiệu có mặt tại thị trường Mỹ. Đồ họa: WSJ

Một phân tích của Neil Saunders, Giám đốc điều hành của GlobalData, cho thấy rằng Primark có giá thấp nhất trong số những thương hiệu cùng phân khúc, tiếp theo là Shein, H&M và Forever 21. Các thương hiệu như Old Navy, Gap và Uniqlo đắt hơn, đôi khi lên đến 4 lần.

Được thành lập vào năm 2006, GU có khoảng 450 cửa hàng, chủ yếu ở Nhật Bản và các nơi khác ở Châu Á.

Ông Yunoki cho biết hợp đồng cho thuê của nhà bán lẻ ở khu SoHo của Thành phố New York là một năm. GU đang tìm kiếm một địa điểm khác ở New York có diện tích lớn gấp ba lần cửa hàng SoHo hiện nay, giống với quy mô của các cửa hàng ở Nhật Bản hơn.

Ông Yunoki nói, GU giảm chi phí bằng cách sản xuất ít mẫu quần áo hơn so với các dây chuyền truyền thống có thể làm ra hàng chục nghìn loại sản phẩm mỗi mùa. Ông cho biết việc sản xuất quy mô nhỏ hơn cũng làm giảm thiệt hại cho môi trường, đồng thời giúp người mua sắm phối hợp trang phục dễ dàng hơn.

Các nhà bán lẻ từ Target Corp cho đến Kohl's Corp đang đứng trước tình trạng dư thừa hàng tồn kho, kết quả của sự tồn đọng của chuỗi cung ứng và sự thay đổi chi tiêu của người tiêu dùng chi nhiều hơn cho đi du lịch, ăn uống và tham dự các sự kiện ngoài trời.

Sự không phù hợp giữa cung và cầu này đang khiến các nhà bán lẻ tăng cường giảm giá để giải phóng lượng hàng tồn kho.

Ông Yunoki nói: "Cạnh tranh về giá ở Mỹ đang rất gay gắt", nhưng ông nói thêm rằng GU đang cố gắng đạt được chỗ đứng hơn là chỉ dựa vào giá thấp. Với những mặt hàng như quần ống rộng hay áo len croptop, GU mang đến nhiều sự lựa chọn hơn Uniqlo.

Primark không chi tiền cho các chiến dịch quảng cáo truyền thống và không bán hàng trực tuyến, điều này giúp giữ chi phí thấp cho họ. John Bason, Giám đốc tài chính của Associated British Foods cho biết: "Thương mại điện tử là một cách cung cấp sản phẩm rất tốn kém cho khách hàng."

Theo WSJ

Theo Như Quỳnh

Nhịp sống kinh tế