clock

Doanh Nghiệp

06:17 26-02-2016

Hàng trăm nghìn công nhân mất việc vì giá dầu lao dốc

Từ năm 2014, hơn 258.000 lao động làm việc liên quan đến lĩnh vực khai thác dầu bị sa thải và hơn 1.000 giàn khoan ngừng hoạt động trên toàn thế giới.

Ánh mặt trời len qua tấm rèm, sưởi ấm căn hộ và những gì còn lại trong cuộc sống của Devin Meurer. Trong phòng, con chó của anh đang uể oải nằm cạnh đống quần áo chất đống trên chiếc ghế dài.

Meurer từng có một công việc được trả lương khá tốt ở một công ty vận chuyển chất thải dầu mỏ tại bang Texas, Mỹ.

Tuy nhiên, một ngày nọ, ông chủ của Meurer gọi anh đến và thông báo rằng công ty có thể bị đóng cửa. Giá dầu thô giảm mạnh và các nhà đầu tư đang hoảng sợ. Anh nằm trong danh sách tinh giảm biên chế.

“Cuộc sống của tôi đang ở đáy vực. Tôi chỉ hy vọng rằng tôi không bị mất công việc đó”, người đàn ông này nói.

Cuộc sống của Meurer trở nên tăm tối sau khi công ty sa thải anh. Ảnh: Express News

Sau 8 năm phục vụ trong hải quân với 2 lần tại Iraq cùng những vết thương trên cánh tay, Meurer trở về bang Mississippi, Mỹ với mẹ và cố gắng tìm một công việc ổn định.

Tháng 2/2014, anh nhận được công việc làm giám sát viên của cửa hàng cho một công ty vận tải chân không chuyên vận chuyển các sản phẩm dầu.

Tuy nhiên, 10 tháng sau, anh bị sa thải cùng hàng trăm nhân viên khác của công ty.

“Tôi mất phương hướng và muốn trở lại Iraq. Ít nhất tại đó, tôi biết ai đang bắn tôi. Ở đây, dường như mọi người đều đang nhắm vào bạn”, người đàn ông này nói.

Meurer không phải là nạn nhân duy nhất của tình trạng giá dầu lao dốc.

"Tôi đã rất hạnh phúc. Cuộc sống của tôi đã bắt đầu hình thành. Và rồi nó đến", Sean Gross, một nhân viên 35 tuổi của Schlumberger - một công ty hoạt động trong lĩnh vực dầu khí, chia sẻ.

Cắt giảm lao động hàng loạt

Emmanuel Osakwe, một người gắn bó nhiều năm với ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt, cho biết, giá dầu xuống thấp gây ra hậu quả lớn với hàng nghìn công nhân bị sa thải.

"Đối với ngành công nghiệp dầu mỏ và khí đốt, nó thật đáng sợ. Tôi cảm thấy choáng váng", ông nói.

Tại Mỹ, số lao động bị sa thải trong tháng 1 năm nay tăng cao, khoảng 300.000 người mỗi tuần (tương đương 1,2 triệu người trong một tháng).

Số người nộp đơn xin thất nghiệp ở mức cao nhất trong 7 tháng qua. Và phần lớn là những công nhân thuộc ngành dầu khí, The Guardian đưa tin.

“Do điều kiện thị trường thay đổi nhanh, chúng tôi phải giảm chi phí và sắp xếp lại cơ cấu tổ chức nhằm phù hợp với môi trường mới”, Weatherford International Plc, tập đoàn dầu mỏ có trụ sở tại Thuỵ Sĩ giải thích trong một bản tuyên bố.

Theo AP, đầu năm ngoái, tập đoàn này cắt giảm 5.000 vị trí vào cuối quý I của năm 2015. Việc cắt giảm này diễn ra chủ yếu tại các hoạt động ở vùng Tây bán cầu, tiết kiệm khoảng 350 triệu USD mỗi năm.

Weatherford không phải là nơi duy nhất muốn giảm nhân công.

Theo Upi, trong năm 2015, Chevron Corp, tập đoàn năng lượng đứng thứ 2 về mặt doanh thu tại Mỹ, tuyên bố cắt giảm khoảng 8.000 lao động của tập đoàn trước bối cảnh giá dầu tiếp tục giảm.

Đây là đợt giảm biên chế lớn nhất kể từ khi sáp nhập Texaco vào năm 2001.

“Chúng tôi dự kiến vốn và các chi phí thăm dò trong năm 2016 sẽ là khoảng 25 tỷ - 28 tỷ USD, thấp hơn so với ngân sách năm 2015 khoảng 25%.

Chi tiêu có thể tiếp tục giảm vào năm 2017 và 2018 với khoảng 20 tỷ đến 24 tỷ USD, tuỳ thuộc vào điều kiện kinh doanh tại thời điểm đó”, John Watson, chủ tịch kiêm giám đốc điều hành của Chevron, nói.

Cuối năm 2015, Shell công bố kế hoạch sa thải 2.800 nhân viên vào năm 2016, tương đương 3% lực lượng lao động của tập đoàn.

Cuối tháng 1, họ tiếp tục cho biết sẽ giảm hơn 10.000 việc làm trong nỗ lực thúc đẩy lợi nhuận.

Gần đây, hôm 12/1, BP, tập đoàn năng lượng của Anh, tuyên bố giảm 4.000 nhân công, từ 24.000 về 20.000, trên toàn thế giới trong 2 năm vì giá dầu giảm mạnh.

Việc cắt giảm lao động bao gồm 600 người tại khu vực hoạt động của BP tại vùng Biển Bắc, AFP đưa tin.

Mark Thomas, chủ tịch khu vực Biển Bắc của BP, cho hay: “Quyết định này đưa ra dựa trên những thách thức cũng như tài liệu hoạt động trong khu vực và điều kiện của thị trường.

Chúng tôi cần phải có những bước đi cụ thể để đảm bảo công việc kinh doanh. Việc cắt giảm nhân viên là điều không thể tránh khỏi.

Tiến trình sẽ diễn ra từ nay cho tới cuối năm 2017, đa phần là trong năm nay”, ông nói.

Ngoài ra, Cnooc Ltd., nhà sản xuất dầu mỏ và khí đốt ngoài khơi lớn nhất của Trung Quốc, cũng lên kế hoạch cắt giảm sản lượng lần đầu tiên kể từ năm 1999.

Tập đoàn có trụ sở tại Bắc Kinh dự kiến sản xuất khoảng 470 triệu đến 485 triệu thùng dầu trong năm nay, thấp hơn năm ngoái khoảng 20 triệu – 25 triệu thùng. Chi phí tối đa dành cho năm nay chỉ là 9,1 tỷ USD.

Theo Bloomberg, từ năm 2014, hơn 258.000 lao động làm việc liên quan đến lĩnh vực khai thác dầu bị sa thải trên toàn thế giới.

Hơn 1.000 giàn khoan ngừng hoạt động và các tập đoàn cắt giảm hơn 100 tỷ USD về chi tiêu để đối phó với giá dầu giảm mạnh.

Những công ty hoạt động trong mảng cung cấp, khai thác và dịch vụ về dầu đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất, 79% lao động bị sa thải là của họ.

“Xu hướng sa thải sẽ tiếp tục”, Carol Howes, phó chủ tịch truyền thông của Enform, cho hay sau khi phát hành báo cáo Thông tin Thị trường Lao động Dầu khí.

Tiếp tục giảm sản lượng

Hôm 20/1, giá dầu thô xuống dưới 27 USD/thùng, mức thấp nhất trong vòng 12 năm.

Hiện tại, giá loại nguyên liệu này đã phục hồi ở mức 31,18 USD/ thùng. Tuy nhiên, con số này vẫn thấp hơn so với giá hồi giữa năm 2014 khoảng 70%.

Theo CNN, giá dầu tăng sau khi Saudi Arabia, lãnh đạo của Tổ chức các Nước Sản xuất Dầu mỏ (OPEC), đạt một thoả thuận tạm thời với Nga nhằm giảm sản lượng ở mức cao như hồi tháng 1.

Tuy nhiên, thoả thuận chỉ thực sự đạt hiệu quả khi các nhà sản xuất lớn khác cũng tuân theo. Iran và Iraq là 2 yếu tố chủ chốt.

Hôm 22/2, lãnh đạo OPEC cho biết, thoả thuận tạm thời là “bước đầu tiên” để nhìn thấy những gì có thể đạt đến.

“Nếu thành công, chúng ta có thể thực hiện các bước tiếp theo trong tương lai”, Abdalla Salem el-Badri, quan chức hàng đầu của OPEC, nói tại hội nghị dầu IHS CeraWeek ở thành phố Houston, bang Texas, Mỹ.

Ông cho hay, động thái tương tự có thể diễn ra sau 3 hoặc 4 tháng.

OPEC đang thảo luận với các nhà sản xuất dầu mỏ, bao gồm cả các nước không thuộc vùng Vịnh như Brazil, Mexico, Oman và Mỹ.

“Chúng tôi sẵn sàng nói chuyện với họ. Chúng tôi không tìm cách cắt giảm sản lượng hay bất cứ điều gì. Hãy nói chuyện cùng nhau", Abdalla Salem el-Badri nói.

theo Zing