Công Nghệ
06:23 05-10-2015Hành trình bá chủ thế giới PC của Microsoft qua 20 bức ảnh
Có rất nhiều điều để kể về hành trình chinh phục thế giới của "gã khổng lồ" Microsoft qua 20 dấu mốc quan trọng dưới đây.
Lịch sử hình thành và phát triển của Microsoft trong suốt 40 năm “trường kỳ” sẽ được tóm gọn lại trong chùm ảnh dưới đây, với mỗi bức ảnh là một dấu mốc quan trọng trong sự nghiệp của những con người đã góp phần tạo nên cái tên huyền thoại này.
Khai sinh ra Microsoft
Microsoft được thành lập vào ngày 4/4/1975 ở Albuquerque, New Mexico bởi 2 chàng thanh niên cùng có chung niềm đam mê máy tính: Paul Allen và Bill Gates sau khi lần lượt bỏ ngang sự nghiệp học hành tại Đại học Washington và Havard.
Nơi làm việc đầu tiên
Căn nhà khiêm tốn này chính là “trụ sở” làm việc đầu tiên của Microsoft tại Albuquerque. Họ “đóng đô” tại đây từ năm 1975 đến 1979 và sau đó chuyển tới Bellevue, Washington.
Chiếc máy tính đầu tiên
Một sự thật thú vị không nhiều người biết: Thực ra Microsoft không phải thành tựu chung đầu tiên của 2 chàng thanh niên này. Allen và Gates đã từng bắt tay hợp tác chế tạo Traf-O-Data vào năm 1972, một thiết bị có khả năng xử lý thông tin từ các bộ đếm giao thông trong thành phố và cung cấp số liệu cho các kỹ sư. Dù chỉ thu được thành công khá khiêm tốn nhưng đây chính là tiền đề cho sự hình thành nên Microsoft ngày nay.
Sản phẩm đầu tiên “cộp mác” Microsoft
Đó chính là phiên bản mới của ngôn ngữ lập trình BASIC dành cho máy vi tính Altair 8800 ra mắt vào năm 1975. Allen và Gates đã nảy ra ý tưởng này khi tìm hiểu về chiếc máy tính này trên tạp chí Popular Mechanics.
Ảnh hồ sơ tội phạm của Bill Gates
Bill Gates bị bắt vào tháng 12/1977 tại Albuquerque, New Mexico và cho ra đời tấm hình hồ sơ tội phạm kinh điển này. Chi tiết chính xác về vụ bắt giữ không được tiết lộ, nhưng có người cho rằng đó là hành vi vi phạm giao thông. Trước đó, Bill Gates từng bị bắt năm 1975 vì lái xe quá tốc độ và không có bằng lái. Trong thời gian đó, Microsoft vẫn tiếp tục phát triển và mở rộng quy mô lên đến 11 người.
MS DOS
Vào năm 1980, không lâu sau khi Microsoft chuyển trụ sở tới Washington, IBM đang có nhu cầu tìm kiếm lập trình viên nhằm sáng tạo hệ điều hành cho sản phẩm máy tính PC sắp ra mắt của hãng. Chớp lấy cơ hội vàng, Microsoft ngay lập tức thuyết phục IBM với hệ điều hành MS DOS sẵn có. Chỉ trong một thời gian ngắn, “siêu phẩm” PC của IBM đã nhanh chóng đánh chiếm thành công thị trường lúc đó, với công lao không nhỏ đến từ hệ điều hành MS DOS của Microsoft..
Steve Ballmer gia nhập đội ngũ Microsoft
Cùng trong năm 1980, Bill Gates đã thuê một cậu bạn cùng lớp ở Đại học Harvard có tên Steve Ballmer vào làm cho Microsoft, mà không hay biết rằng cả 2 sẽ là những người lèo lái con tàu Microsoft trong suốt hàng chục năm sau. Không may, Paul Allen đã rời khỏi Microsoft sau đó 3 năm do biến chứng ngày một phức tạp của căn bệnh ung thư hạch.
Phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO)
Đợt IPO của Microsoft diễn ra khi công ty này bắt đầu nhận được sự quan tâm sâu sắc của dư luận bởi những thành tựu đã đạt được. Vào năm 1986, Microsoft phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng, góp phần đưa vào túi Bill Gates 350 triệu USD.
Windows 1.0 ra đời
Năm 1985, Microsoft cho ra mắt hệ điều hành Windows 1.0. Về bản chất, đây là phiên bản sử dụng nhiều đồ họa hơn so với MS DOS, giúp người dùng phổ thông dễ dàng sử dụng.
Doanh thu cán mức tỷ đô
2 năm sau, Windows 2.0 ra đời, đơn thuần chỉ là một phiên bản cập nhật của hệ điều hành trước đó. Tuy nhiên, sự xuất hiện của hệ điều hành Windows 3.0 mới chính là bệ phóng đưa Microsoft trở thành cái tên của mọi nhà. Vào năm 1990, Microsoft trở thành công ty đầu tiên trên thế giới cán mốc doanh thu 1 tỷ USD sau khi bán hết 2 triệu bản chỉ trong vòng 2 tuần đầu.
Microsoft Office lần đầu ra mắt
Tuy nhiên, hệ điều hành Windows 3.0 chưa phải sản phẩm duy nhất của Microsoft trong năm 1990. Theo đó, phần mềm Microsoft Office là cái tên tiếp theo đi vào lịch sử với doanh số bán hàng tăng chóng mặt không ngừng trong suốt 26 năm qua, với những gương mặt quen thuộc như Word, Power Point, Excel.
Những năm tháng “vàng son” và cuộc đối đầu với Apple
Vào đầu thập niên 90, Microsoft đang là “ông hoàng” trên địa hạt máy tính cá nhân. Trong khi IBM đặt ra tiêu chuẩn cho khả năng tương thích của PC, thì Microsoft Windows vẫn luôn là hệ điều hành xuất hiện trên mọi thiết bị máy tính. Nhiều ý kiến cho rằng đây cũng chính là thời điểm xảy ra cuộc “chạm trán” giữa Microsoft và Apple, thương hiệu tuy kén chọn người dùng nhưng sở hữu lượng tín đồ rất trung thành. Tuy giờ đã là những người đồng nghiệp tốt, thế nhưng trên thương trường, họ vẫn chưa từng một ngày thôi đối đầu.
Windows 95 ra mắt
Windows 95 được coi như một “cuộc đại tu” cho hệ điều hành máy tính khi phát hành vào năm 1995. Được biết, nhiều người thậm chí còn… tổ chức liên hoan ăn mừng nhân ngày ra mắt Windows 95. Thêm vào đó, đoạn phim quảng cáo cho hệ điều hành mới này còn có sự xuất hiện của ca khúc “Start Me Up” đến từ nhóm nhạc đình đám Rolling Stones, nhằm thu hút mọi sự chú ý vào nút “Start” mang tính cách mạng của hệ điều hành mới sau này.
Làn sóng Internet đổ bộ
Ngay từ những năm đầu thập niên 90, Bill Gates đã nhận thức được tầm quan trọng của Internet và coi đây là một nguồn tài nguyên vô tận. Tư duy này cũng được ông áp dụng ngay với hệ điều hành Windows 95, nhằm mở ra lối đi vào thị trường Internet bao la đó. Phiên bản Windows này bao gồm một bản thử nghiệm dịch vụ Internet có tên Microsoft Network. Trình duyệt web Internet Explorer cũng xuất hiện sau đó không lâu trong một bản cập nhật của Windows 95.
Những rắc rối về pháp lý
Ngày 20/10/1997, Bộ Tư pháp Mỹ kiện Microsoft vì tội vi phạm thỏa thuận dàn xếp năm 1994, khi yêu cầu các hãng sản xuất máy tính phải sử dụng trình duyệt IE như một điều kiện bắt buộc, nếu muốn cài đặt hệ điều hành Windows. Sau đó 1 năm, Bộ Tư pháp Mỹ và 20 bang cùng đâm đơn kiện Microsoft, cáo buộc hãng chèn ép đối thủ một cách trái phép. Không lâu sau đó, phiên tòa xét xử vụ kiện chống độc quyền khai màn và kéo dài đến tận mùa hè năm 1999.
Bill Gates tự bào chữa trong phiên tòa xét xử vụ kiện chống độc quyền mà Bộ Tư pháp Mỹ cùng 20 bang đâm đơn cáo buộc cho Microsoft.
Cuối cùng, tháng 11/1999, Microsoft bị kết án lợi dụng vị thế độc quyền để lũng đoạn thị trường. Điều đáng nói là khi đứng trước tòa, bộ óc thiên tài Bill Gates lại bỗng dưng mắc chứng đãng trí trầm trọng khi 6 lần nói: "Tôi không nhớ", 14 lần lặp lại: "Tôi không nghĩ ra" và đến 22 lần tuyên bố: "Tôi không biết" cùng những lời giải thích vòng vo khiến vị thẩm phán phải bật cười.
Steve Ballmer trở thành CEO
Ngày 13/1/2000, Bill Gates từ chức CEO và chuyển giao lại vị trí này cho người đồng nghiệp lâu năm Steve Ballmer. Tuy nhiên, Gates vẫn giữ chức vụ Chủ tịch kiêm Kiến trúc sư trưởng mảng phần mềm của Microsoft. Từ đây mở ra một giai đoạn hoàn toàn mới mẻ cho cỗ máy Microsoft đang dần trở nên chậm chạp.
Trong 13 năm lãnh đạo Microsoft, Ballmer đã lèo lái con thuyền khổng lồ này trải qua rất nhiều sóng gió, trong đó có những thành công vượt mong đợi và cũng có những thất bại ê chề. Dẫu biết Ballmer không thực sự là một CEO được nhiều người yêu thích, một phần là do tính cách "điên" và "ngông" của ông, thế nhưng tất cả chúng ta đều không thể phủ nhận tầm quan trọng và sức ảnh hưởng to lớn của Ballmer trong việc đổi mới Microsoft, giúp công ty này luôn đạt doanh thu và lợi nhuận ở mức cao.
Bill Gates gửi lời chào tạm biệt đến Microsoft sau hơn 30 năm cống hiến
Sau hơn 3 thập kỷ gắn bó với Microsoft, Bill Gates đã quyết định tạm dừng sự nghiệp của mình tại đây và rẽ sang một hướng đi mới. Ông khẳng định quyết tâm rời Microsoft: "Đã đến lúc tôi cần nhường đường để cho những bước tiến mới diễn ra". Kể từ đó, chiếc kính trắng và nụ cười - vốn là biểu tượng của kỹ nghệ gia đại tài này - hiếm khi xuất hiện tại những cuộc hội thảo công nghệ. Thay vào đó, hình ảnh ông ngày một trở nên thân quen trong các chiến dịch chống bệnh tật và đói nghèo trên toàn thế giới.
Giã từ Microsoft, Bill Gates bước vào "Cuộc đời 2.0".
Còn với riêng bản thân Bill Gates, có lẽ ông còn bận rộn hơn cả những ngày lèo lái đầu tàu Microsoft khi dành tới 80% thời gian cho công tác từ thiện của tổ chức Bill & Melinda Gates Foundation. Như những gì giới phân tích nhận định, không ai đo đếm được tầm ảnh hưởng của nhà đồng sáng lập Microsoft đối với nền kinh tế và thế giới điện toán nói chung. Ông đã là một huyền thoại với những giai thoại khó quên trong suốt hơn 30 năm song hành cùng tập đoàn phần mềm Microsoft, hay còn gọi là "Phiên bản Bill Gates 1.0" (1975 - 2008).
Trí thức trẻ/GenK