clock

Thế Giới

13:23 10-06-2024

Hơn 40 nước quan tâm gia nhập BRICS, Nga, Trung Quốc nhất trí ủng hộ, vì sao một quốc gia châu Á “thờ ơ”?

Nhiều quốc gia bày tỏ sự quan tâm đến việc gia nhập BRICS trong năm 2024 nhằm giảm phụ thuộc vào đồng USD.

Trong số 40 quốc gia đang xếp hàng để chờ tham gia, đã có 7 nước nộp đơn đăng ký để gia nhập BRICS trong năm 2024. Các quốc gia này cho rằng việc gia nhập BRICS là lựa chọn phù hợp trong bối cảnh hiện nay để giảm sự phụ thuộc vào đồng USD.

Thế nhưng, có một thành viên của BRICS là Ấn Độ lại dường như lo lắng về việc một số quốc gia như Thái Lan, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ xếp hàng để trở thành thành viên của nhóm nay, ngay sau khi một nhóm 5 nước được phê chuẩn gia nhập vào tháng 1 năm nay.

Theo các nguồn tinẤn Độ đang muốn giảm tốc độ kết nạp những thành viên mới của BRICS. Quốc gia châu Á này muốn có một khoảng cách, tốt nhất là 5 năm, trước khi có thêm thành viên mới được kết nạp.

Trong khi đó, chỉ có Nga, Trung Quốc là mong muốn mở rộng BRICS, cũng như tạo ra đồng tiền chung nhằm cạnh tranh được với đồng USD và những chính sách đối ngoại của Mỹ.

Các nhà lãnh đạo của khối BRICS (từ trái sang) bao gồm: Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Nam Phi Cyril Ramaphosa, năm 2019. Ảnh: AP

"Ấn Độ muốn có khoảng thời gian chừng 5 năm trước khi kết nạp nhóm quốc gia thứ 2 vào BRICS. Ấn Độ tin rằng cần có thời gian tối thiểu để BRICS tiến hành điều chỉnh lại hoạt động của mình sau khi tiếp nhận thêm những thành viên mới vào đầu năm nay. Quốc gia này cũng đã nhấn mạnh điều này trong những cuộc họp gần đây của các quan chức cấp cao", một nguồn tin chia sẻ với tờ Businessline.

Nga, Trung Quốc ủng hộ việc mở rộng BRICS

Hiện nay có nhiều quốc gia đang xếp hàng chờ được gia nhập BRICS. Ảnh: Cointribune

Trên thực tế, với khoảng 40 quốc gia đang xếp hàng để chờ được gia nhập, vấn đề mở rộng BRICS hơn nữa có thể sẽ được đề cập đến trong cuộc họp với các Bộ trưởng Ngoại giao BRICS ở Nizhny Novgorod tại Nga vào ngày 10 – 11/6.

Theo nguồn tin của Businessline, ngày càng rõ ràng thông qua việc mở rộng khối, Trung Quốc muốn biến BRICS gồm những quốc gia đang phát triển lớn trở thành một giải pháp thay thế cho G20 và các nhóm do Mỹ dẫn đầu, đồng thời tăng ảnh hưởng của chính mình. Trung Quốc muốn thách thức phương Tây hơn nữa thông qua khối và đây là điều mà Ấn Độ có thể không mong muốn. Ấn Độ muốn BRICS giữ lại bản chất ban đầu của mối quan hệ đối tác bình đẳng.

Trên thực tế, với 5 quốc gia ban đầu là Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi, BRICS đã kết nạp thêm 5 thành viên mới kể từ ngày 1/1/2024, bao gồm Iran, Saudi Arabia, Ai Cập, UAE và Ethiopia. Việc có thêm các thành viên mới giúp GDP của BRICS chiếm khoảng 30% GDP toàn cầu, với 46% dân số thế giới.

Theo các chuyên gia phân tích, sở dĩ nhiều quốc gia hiện nay mong muốn gia nhập BRICS vì đây là khối duy nhất đang tìm cách để thiết lập đồng tiền chung hoặc giao dịch bằng nội tệ nhằm đẩy nhanh nỗ lực về phi USD hóa.

Ấn Độ muốn trì hoãn việc kết nạp thêm thành viên mới vào khối sẽ được coi là một trận chiến khó khăn, bởi vì Trung Quốc và Nga được cho là sẽ tiến hành khuyến khích sự mở rộng của khối.

Mặt khác, hiện nay, hàng chục quốc gia đang xếp hàng gia nhập khối đã bày tỏ nguyện vọng trở thành thành viên của BRICS và họ không muốn chờ đợi. Ngoài ra, theo nguồn tin của Businessline, Ấn Độ là quốc gia có quan hệ ngoại giao tốt với hầu hết những nước đang phát triển muốn trở thành một phần của liên minh BRICS. Do đó, sẽ rất khó để bắt những nước này phải chờ đợi suốt 5 năm.

Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế quốc tế St. Petersburg ngày 7/6. Ảnh: TASS

Việc BRICS mở rộng khiến cán cân kinh tế toàn cầu đang dần dịch chuyển từ những nền kinh tế phát triển sang những nền kinh tế mới nổi. Điều này phản ánh một xu thế hướng tới một thế giới đa cực, từ đó tăng cường vai trò của các quốc gia đang phát triển trong trật tự thế giới mới.

2024 là năm đầu tiên mà BRICS mở rộng lên thành 10 thành viên. Trong năm nay, nước giữ vai trò chủ tịch luân phiên của khối này là Nga. Về vai trò chủ tịch luân phiên trong năm đầu tiên đánh dấu bước ngoặt quan trọng của BRICS, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh rằng, Nga sẽ làm mọi cách có thể để giúp những thành viên mới hội nhập hài hòa với phương thức hoạt động của khối này.

Kể từ đầu năm nay, việc BRICS mở rộng và có các quốc gia chiếm 80% sản lượng dầu mỏ thế giới đã đưa khối này trở thành một trong những khối dẫn đầu trong lĩnh vực năng lượng trên toàn cầu.

 

 

Minh Hằng