CEO Thế Giới
09:03 14-04-2023Jack Ma và Masayoshi Son: Tiệc tàn tình tan người đi đôi ngả, Softbank chính thức rút gần hết vốn khỏi Alibaba
Hơn 20 năm trước, Masayoshi Son từng đổ 20 triệu USD cho dự án "chẳng có gì cả" của Jack Ma vì một "đôi mắt sáng". Giờ đây, vị tỷ phú này chẳng còn tin vào đôi mắt đó nữa vì phải "thân ai nấy lo".
Theo tờ Financial Times (FT), Softbank đã rút gần hết vốn khỏi Alibaba, đồng thời giới hạn các khoản đầu tư vào Trung Quốc để tập trung gom tiền mặt trong bối cảnh thị trường có nhiều biến động khiến các dự án đầu tư công nghệ của hãng bị giảm giá tị.
Cụ thể, nhà sáng lập Masayoshi Son của Softbank đã bán 7,2 tỷ USD cổ phiếu của Alibaba trong năm vừa qua. Vào năm 2021, Softbank cũng đã bán kỷ lục 29 tỷ USD cổ phiếu Alibaba.
Từ những tài liệu của Ủy ban chứng khoán và sàn giao dịch Mỹ (SEC) mà FT phân tích được, động thái bán cổ phiếu trên của Masayoshi Son khiến Softbank chỉ còn nắm giữ khoảng 3,8% cổ phần trong đế chế 262 tỷ USD của Alibaba. Đây là con số thấp hơn rất nhiều so với 34% mà tỷ phú Son từng nắm giữ trước đây trong đế chế nhà Jack Ma.
Một số chuyên gia nhận định việc Softbank cần vốn để giải quyết rắc rối cho việc niêm yết trên sàn chứng khoán của hãng thiết kế chip Arm đến từ Anh là một trong những nguyên nhân khiến họ rút vốn khỏi Alibaba.
Thế nhưng hầu hết những chuyên gia khác nhận định đây là dấu hiệu “tiệc tàn” giữa Masayoshi Son và Jack Ma sau nhiều năm hợp tác, khi Alibaba bị chính phủ Trung Quốc siết chặt kiểm soát đến mức buộc phải tách thành 6 doanh nghiệp nhỏ, còn Softbank thì cũng gặp nhiều khó khăn do đầu tư thất bát trong mảng startup.
Tiệc tàn tình tan
Động thái rút vốn của Softbak khỏi một trong những dự án công nghệ thành công nhất trong sự nghiệp Masayoshi Son được đánh giá là gây thất vọng lớn cho thị trường. Giá cổ phiếu của Alibaba ngay lập tức giảm xuống mức thấp nhất 6 năm qua.
Cách đây hơn 20 năm, tỷ phú Masayoshi Son đã đầu tư 20 triệu USD để sở hữu cổ phần của Alibaba dù khi đó đế chế nhà Jack Ma chẳng có gì ngoài “khí chất” của nhà sáng lập.
“Cậu ấy (Jack Ma) chẳng có kế hoạch kinh doanh gì mà doanh thu thì cũng bằng 0, nhân viên thì chỉ vào khoảng 35-40 người. Thế nhưng ánh mắt của cậu ấy lại rất mạnh mẽ, một đôi mắt sáng đầy mạnh mẽ. Tôi có thể khẳng định từ việc cậu ấy thuyết trình, cách cậu ấy nhìn nhận sự việc cho thấy chàng trai này có sức hút và thực sự là một nhà lãnh đạo”, Masayoshi Son nhớ lại trong buổi phỏng vấn với hãng tin Bloomberg.
Thế rồi sự thành công của Alibaba đã đem lại danh tiếng cho Masayoshi Son và được coi là khoản đầu tư thành công nhất sự nghiệp tỷ phú này khi dám đổ lượng lớn tiền cho một startup hầu như chẳng có gì trong tay.
Tuy nhiên khi Jack Ma “vạ miệng” vào năm 2020 để rồi phải đi ở ẩn, còn Alibaba thì bị siết chặt kiểm soát thì mọi thứ đã dần thay đổi. Chính quyền Bắc Kinh không chỉ dừng việc phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) của Ant, công ty con thuộc Alibaba, mà còn thực hiện chiến dịch càn quét, truy tra trong ngành công nghệ.
Sự việc này đã khiến cổ phiếu của Alibaba mất đến 70% giá trị và buộc Softbank phải bán phần lớn cổ phần với mức giá tương đương giá trị khi Alibaba IPO trên sàn New York cách đây 8 năm.
Trong suốt 14 tháng qua, Softbank bán được bình quân 92 USD/cổ cho 389 triệu cổ phiếu Alibaba, thấp hơn rất nhiều so với mức giá đỉnh cao 317 USD/cổ của đế chế nhà Jack Ma.
Số liệu của The Washington Service cho thấy lần gần đây nhất Softbank bán cổ phiếu Alibaba là vào tháng 2/2023, thu về 4,5 tỷ USD cho 46 triệu cổ phiếu, tương đương 98 USD/cổ. Trước đó tỷ phú Son cũng đã bán 30 triệu cổ phiếu vào tháng 12/2022, thu về 2,7 tỷ USD, tương đương 73 USD/cổ.
Dù không bình luận gì về động thái này nhưng phía Softbank cho biết họ đang dịch chuyển sang “trạng thái phòng thủ” nhằm đối phó với tình hình kinh tế bất ổn hiện nay.
“Chúng tôi đang gia tăng sự ổn định tình hình tài chính của công ty bằng cách nâng tính thanh khoản thông qua tích trữ tiền mặt”, phía Softbank cho biết.
Ngoài ra, đế chế nhà Masayoshi Son cũng thừa nhận họ sẽ còn tiếp tục bán ra cổ phiếu của Aliababa. Thông tin chi tiết sẽ được công bố trong báo cáo kết quả kinh doanh tháng 5/2023.
Thân ai nấy lo
Nếu cách đây hơn 20 năm, Masayoshi Son và Jack Ma đã có cú bắt tay để đời tạo nên 2 đế chế thương mại điện tử lẫn quỹ đầu tư sừng sỏ trên thế giới thì tình hình giờ đây đã khác khi thân ai nấy lo. Trong khi Jack Ma đau đầu với việc cố gắng khôi phục lại hoạt động của Alibaba thì Masayoshi Son cũng gặp phản đối dữ dội vì làm ăn thua lỗ.
Tờ FT cho biết việc bán cổ phiếu Alibaba là để thu tiền về trả nợ cũng như tái cơ cấu quỹ đầu tư mạo hiểm Vision Fund II của đế chế nhà Son. Việc đầu tư quá dàn trải, đổ tiền vào vô số startup, đợi họ lên sàn rồi bán lại đã không còn thành công khi mảng công nghệ gặp nhiều khó khăn hậu đại dịch. Nếu trước đây chỉ cần 2-3 dự án thành công là có thể bù tiền cho hàng loạt startup đầu tư thất bại khác thì nay sự đi xuống của toàn ngành công nghệ đã làm thay đổi tình hình.
Hàng loạt những thất bại của WeWork và Arm đã khiến các cổ đông nghi ngờ tầm nhìn của Masayoshi Son khi ông tiếp tục chiến lược đầu tư dựa vào “khí chất” như đã từng làm với Jack Ma.
Trước sự phản đối mạnh mẽ trong nội bộ cũng như tình hình bất ổn của ngành công nghệ, lạm phát lên cao kèm với sự gia tăng lãi suất ngân hàng đã buộc tỷ phú Son phải chuyển hướng tích trữ vốn thay vì đổ tiền đầu tư dàn trải startup như trước đây.
Tính đến tháng 12/2022, Softbank đã tích trữ đến 5,8 nghìn tỷ Yên tiền mặt, tương đương 43 tỷ USD trong bảng cân đối kế toán.
Theo ước tính của FT, Softbank chỉ còn khoảng 98 triệu cổ phiếu Aliababa khả dụng để bán tính đến cuối tháng 2/2023.
*Nguồn: FT, CNBC
Tin liên quan
- CEO NVIDIA Jensen Huang: Việt Nam có 1 triệu người làm CNTT, nếu chuyển đổi sang 1 triệu người làm bán dẫn thì Việt Nam sẽ tiến nhanh hơn rất nhiều
- Bán nước lọc làm giàu: Vị đại gia 4 năm liền giữ ngôi giàu nhất Trung Quốc từ sản phẩm có giá chưa đến 7 nghìn đồng
- Có cả nghìn tỷ đồng ở tuổi U80, người đàn ông vẫn thích ăn mì gói, mặc quần áo đến 10 năm mới chịu bỏ đi: Nguyên do chỉ từ một câu nói của mẹ
- Kỳ lạ tỷ phú tự thân đi ngược số đông, từ chối chi tiền mua du thuyền và thuê nhân viên chỉ vì 1 lý do