Thời Trang
05:39 24-10-2015Không chỉ là tuyệt tác đồng hồ, đó là cả một 'bầu trời sao' thu nhỏ trên cổ tay của bạn
Bầu trời đêm đầy sao có điều gì quyến rũ đến vậy ,mà ngay cả đến những chiếc đồng hồ cũng muốn thu nó về tầm mắt?
Năm nay, thế giới đã ghi nhận một số hiện tượng thiên văn kỳ thú. Hễ cứ mở tivi, bật radio là thế nào cũng có vài dòng nói về những gì đang diễn ra ngoài không gian bao la kia.
Tháng chin vừa qua, “mặt trăng máu” đã thắp sáng cả ngân hà cũng như các phương tiện truyền thông. Trước đó là sự kiện tàu thăm dò New Horizons của NASA gửi về những hình ảnh của sao Diêm Vương và tiết lộ những chi tiết mới về bầu khí quyển, núi, sông băng và đồng bằng của hành tinh bí ẩn này…
Vì vậy, tôi nghĩ có lẽ bạn cũng thấy ngán ngẩm nghe mấy bài về sao trời, vũ trụ lắm rồi. Nhưng trong bài viết này, tôi vẫn sẽ xin liều mình được bàn luận về sao và tôi nghĩ, tôi có căn cứ để liều. Những vì sao mà tôi nói ở đây – là sao được “gói”trong những chiếc đồng hồ đeo tay tuyệt đẹp dành cho những quý ông đích thực.
Bí ẩn của bầu trời đêm đầy sao có điều gì quyến rũ đến vậy ,mà ngay cả đến những chiếc đồng hồ cũng muốn thu nó về tầm mắt? Bạn hẳn cũng không thấy ngạc nhiên khi nhìn thấy nhiều chiếc đồng hồ với những hình ảnh về vũ trụ hay trăng sao…Thật tuyệt diệu! Cả một thế giới và những khái niệm phức tạp của không gian đều được thể hiện hoàn hảo trong mô hình thu nhỏ của một chiếc đồng hồ đeo tay.
Từ những bước đi đầu đời trong quá trình tiến hoá, loài người chưa bao giờ thôi nỗ lực để phát triển nhận thức của mình. Một trong những điều tuyệt diệu nhất đó là chúng ta đã nhận thức sự chi phối của toán học đối với các vật thể trong không gian, và nhận thức ấy cứ lớn dần cho đến một ngày con người phát minh ra chiếc đồng hồ đầu tiên trong lịch sử.
Những người thợ đồng hồ thật khéo léo, tài tình làm sao khi họ đã mang nhịp đập của vũ trụ vào nhịp kim của những chiếc đồng hồ và nó còn nhỏ đến nỗi nằm gọn được cả trên cổ tay của người đeo.
Chiếc đồng hồ đeo tay đầu tiên được trang bị chức năng lịch tuần trăng (Chức năng này để theo dõi và hiển thị các giai đoạn của tháng âm lịch (mặt trăng) được cho là chiếc Breguet Perpetual Calendar số 4244, ra đời năm 1929. Tuy nhiên, trước mẫu này chức năng lịch tuần trăng đã có trên đồng hồ bỏ túi và đồng hồ để bàn rồi.
Hằng thập kỷ sau đó, những nhà chế tác đồng hồ nổi tiếng như Patek Philippe, Audemars Piguet, Universal Genève và Breguet đã nỗ lực để cho ra đời những chiếc đồng hồ có chức năng lịch tuần trăng ngày càng phức tạp. Quả thực là một chặng đường dài của không chỉ những chuyển động của trăng, sao và hành tinh trong không gian, mà hành trình của chúng “hiện diện” trên mặt đồng hồ cũng không hề ngắn chút nào.
Bài viết sau đây sẽ mang đến cho bạn một trong những minh chứng tiêu biểu nhất về những chiếc đồng hồ đêm-đầy-sao tuyệt vời ấy.
Chiếc Patek Philippe Sky Moon Tourbillon
Một chiếc đồng hồ bạn không thể không nghĩ tới khi nói đến những chiếc đồng hồ mà mặt của nó hiển thị sự chuyển động của các thiên thể, đó là chiếc Patek Philippe Sky Moon Tourbillon.
Nó được coi là một kiệt tác với không hề ít các chức năng vô cùng phức tạp, hiếm thấy. Chiếc Sky Moon Tourbillon phiên bản.5002 ra đời năm 2001 và gần đây hơn là phiên bản.6002. Thiết kế của những chiếc đồng hồ này thực sự phức tạp. Nhưng chắc chắn các bạn cũng sẽ phải khẳng định rằng đó thực sự là một thành quá vô cùng xuất sắc của nhiều năm thai nghén rồi chế tác thì mới có thể cho ra đời những kiệt tác tuyệt vời như vậy.
Mặt đồng hồ được làm từ một đĩa vàng mỏng. Các thợ đồng hồ đã dùng đôi tay điêu luyện của mình để tạo nên hình dạng lồi lõm của bề mặt mặt trăng với các màu đen, trắng và màu ghi một cách tỉ mỉ theo kỹ thuật tráng men cổ-men khảm. Vỏ ngoài của đồng hồ được khắc rất tinh xảo trên một đĩa vàng trắng. Mọi thứ đều hoàn hảo đến từng chi tiết và cứ thế những bước đi uyển chuyển của vũ trụ cứ từng bước “đi vào quỹ đạo” một cách chính xác đến kinh ngạc.
Một mặt được trang trí hình ảnh một bầu trời sao, còn mặt kia gồm lịch tuần trăng, thời gian thiên văn và các đường kinh tuyến của Sirius. Đây thực sự là một kiệt tác của nghệ thuật chế tạo đồng hồ mà giá trị của nó lên đến 1 triệu USD.
Chiếc đồng hồ thiên văn Christian Van der Klaauw’s Planetarium
“Vũ trụ nhỏ nhất trên thế giới” là cái tên mà người ta đặt cho chiếc đồng hồ đeo tay này. Nhắc đến nó là tôi lại nhớ đến một người thợ đồng hồ rất đặc biệt mà cái tên của ông ta cũng chính là tên của chiếc đồng hồ này- Christiaan van der Klaauw.
Mỗi năm, ông chỉ tạo ra rất ít đồng hồ, nhưng mỗi chiếc ông cho ra đời thì đều là những chiếc “để đời. Mặt số phụ của chiếc này thể hiện sự chuyển động theo thời gian thực của 6 hành tinh Thuỷ-Kim-Thổ-Hoả-Mộc và Trái đất của chúng ta.
Mặt hiển thị chính là môt bầu trời đầy sao. Mặt số phụ là mô hình vũ trụ với Mặt Trời và Trái Đất đứng tách ra so với các hành tinh khác. Sao Thuỷ gần mặt trời nhất, nó hoàn thành chuyến hành trình hoàn chỉnh của mình xung quanh mặt trời trong 87,97 ngày. Trong khi đó, người chị em chậm chạp của nó là sao Thổ phải mất đến 29,46 năm mới đi hết quỹ đạo xung quanh quả cầu lửa.
Nơi sinh ra chiếc Christian Van der Klaauw’s Planetarium ấy là xưởng chế tác tại Heerenveen, Hà Lan, nơi quy tụ những người thợ giỏi nhất với những bàn tay khéo léo và tỉ mỉ nhất. Tất cả những tác phẩm của Van der Klaauw đều có ít nhất một chức năng nào đó liên quan đến vũ trụ. Đó cũng chính là “chữ ký” của ông!
Đây thực sự là một chiếc đồng hồ đáng ngưỡng mộ. Các bạn biết không, tôi vốn rất kiên nhẫn. Nhưng lần này thì tôi sợ là mình không có đủ sự kiên nhẫn để đợi xem những kiệt tác tiếp theo mà các bậc thầy về chế tác đồng hồ này mang đến cho thế giới nữa.
Và giả như sao Diêm Vương có tìm được đường vào quỹ đạo mặt trời trong những chiếc đồng hồ của ông thì tôi cũng vẫn cứ không lấy làm ngạc nhiên đâu!
Chiếc Sarpaneva Watches’ Korona KO Northern Lights
Ngoài vũ trụ bí hiểm và bao la kia không chỉ có trăng, sao, mặt trời và các hành tinh. Hoạt động của Mặt Trời còn tạo ra một sự phản ứng lại với từ trường của Trái Đất, tạo ra vô vàn những màn trình diễn ánh sáng ngoạn mục có thể nhìn thấy ở cực Bắc và Nam mà hẳn nhiểu người trong số bạn đọc ở đây chỉ mơ một lần trong đời được chiêm ngưỡng.
Từ cảm hứng đó, người thợ Stepan Sarpaneva đã tạo ra một chiếc đồng hồ có thể tái hiện lại màn trình diễn đáng kinh ngạc ấy của tự nhiên. Tôi biết các bạn đang nóng lòng muốn biết lắm. Nhưng hãy cứ từ từ thưởng thức thôi nhé, bạn đâu cần phải vội vàng mua vì sợ hết vé máy bay đến Bắc cực để xem show diễn đó mà có thể xem ngay tại đây, phải không nào?
Điều khiến cho chiếc đồng hồ này độc đáo đến thế đó là nó có thể phát quang- hiệu ứng này là một trong những phát triển mà người sáng chế ra nó đã cùng hợp tác với công ty Ambient Glow Technology của Canada là để tạo ra. Thay vì chỉ có mỗi kim đồng hồ phát sáng thì toàn bộ mặt đồng hồ đều có thể phát ra hiệu ứng này.
Nó có 3 màu biến thể và khung được làm bằng thép không gỉ. Ngoài ra, chiếc đồng hồ đình đám này còn có thêm chức năng lịch tuần trăng mà nhìn vào đó, ta có thể hình dung ra được cả người chế tạo ra nó nữa!
Chiếc Citizen’s Astrodea Range
Chiếc đồng hồ thú vị này không phải là để dành cho bất cứ nhà thiên văn nào. Thực tế, nó có thêm một chiếc kính lúp giúp người đeo thấy được những chi tiết cực nhỏ trên mặt đồng hồ. Nó quay theo thời gian thực và hiển thị 1109 vì sao và 169 cụm thiên hà. Nhưng như thế chưa hết đâu! Nó còn cho biết các điểm thu phân, bình minh, hoàng hôn, kinh tuyến, đường hoàng đạo và còn nhiều nữa.
Nếu bạn là một nhà thiên văn chuyên nghiệp hay nghiệp dư đi chăng nữa, thì đây chính là chiếc đồng hồ dành cho bạn! Cùng trong bộ sưu tập Citizen’s Astrodea nhưngmỗi chiếc cho một diện mạo khác nhau về bầu trời – như chiếc Astrodea Moon Phase vậy, đúng như cái tên của nó, chủ yếu hướng đến các chức năng liên quan đến mặt trăng.
Chiếc Cyrus Klepcy’s Mars
Năm 2012, tàu thăm dò sao Mars Rover hạ cánh xuống sao Hoả và đã gửi về Trái Đất những hình ảnh vô cùng kỳ thú của hành tinh này. Thành tựu đáng tự hào ấy đã tác động vào trí tưởng tưởng không biên giới của tất cả loài người chúng ta và những nhà sáng chế đồng hồ cũng không nằm ngoài số đó.
Nguồn cảm hứng từ hành tinh Đỏ đã đưa đường cho Cyrus klepcy bay vào không gian của trí tưởng tượng để sáng tạo ra chiếc đồng hồ độc đáo mang tên Cyrus Klepcy’s Mars. Hành tinh thứ ba trong hệ Mặt Trời được ông vẽ bằng tay tỉ mỉ đến từng hạt bụi và đặc biệt hơn, nó quay cùng tốc độ thực của nó ngoài vũ trụ. Với đường kính chỉ 7,6mm và được bảo vệ bằng một lớp vỏ bằng saphire quý giá, mặt số cũng thể hiện bề mặt của sao hoả ở vị trí 9 giờ và 10 giờ.
Bề mặt của sao Hoả vốn là đề tài muôn thuở của giới khoa học, những người đã đưa không ít những lý thuyết hay giả thuyết về quả bóng kỳ quặc này. Và cảm giác thật tuyệt vời khi giờ đây, bạn được cầm trên tay “quả bóng” ấy. Điều đặc biệt là mặt sau của chiếc đồng hồ này được khắc lên một truyền thuyết cổ của Hoàng tử Ba Tư, cưỡi trên lưng con tuấn mã có cánh đi chinh phục sao Hoả. Các bạn biết không? Chỉ 33 chiếc đồng hồ như thế này được tạo ra thôi đấy!
Tất cả những chiếc đồng hồ này đều có một điểm chung đó là, chúng được lấy cảm hứng từ những nhịp điệu mà chúng ta quan sát được trong tự nhiên.
Từ những chiếc đồng hồ đeo tay có lịch tuần trăng đầu tiên cho đến chiếc Sky Moon Tourbillon phức tạp và chiếc đồng hồ đại diện cho hành tinh Đỏ này nữa, chúng đều cho ta thấy được trí tưởng tượng và sức sáng tạo không giới hạn của những người thợ đồng hồ tài hoa.
Chẳng biết tự bao giờ mà những chiếc đồng hồ lại có một sức cuốn hút đến kỳ lạ và gieo vào trong tôi niềm đam mê khó cưỡng đối với chúng đến như vậy.
Càng tìm hiểu về những bí ẩn của vũ trụ, chúng ta lại càng thấy mình bé nhỏ. Và cùng với những người yêu thiên văn khác, những người thợ đồng hồ vẫn đang mải miết giúp chúng ta thu nhỏ cái khoảng không gian ấy lại và để lại cho đời những “kiệt tác thời gian” đi-cùng-năm-tháng!
Tin liên quan
- Hình ảnh mới nhất của đương kim Hoa hậu Hoàn vũ Harnaaz Sandhu
- Thời trang nhanh ngày càng hợp gu người dùng - đây là những cái tên đang đe dọa H&M, Zara, Uniqlo
- BIM làm xiêu lòng phái đẹp với loạt thiết kế thời trang hiện đại và đầy quyến rũ
- Khấu hao như BMW 750 Li 2007: Sau 13 năm giá xe rẻ hơn tiền đóng phí trước bạ khi mua mới