Bất Động Sản
10:16 30-09-2015Khu đô thị Thủ Thiêm: Loay hoay chuyện đầu tư, trả lãi
Sau nhiều năm loay hoay với công tác đền bù, quy hoạch, thời gian gần đây, Khu đô thị Thủ Thiêm bắt đầu có sự chuyển động mạnh với nhiều công trình được khởi động, đồng thời thu hút được sự quan tâm khá lớn của các nhà đầu tư trong và ngoài nước. Tuy nhiên, để Thủ Thiêm thực sự phát triển mạnh, vẫn còn khá nhiều vấn đề đang chờ được giải quyết.
Ai đang rót vốn vào Thủ Thiêm?
Theo Ban quản lý Khu đô thị Thủ Thiêm, tính đến thời điểm hiện nay, công tác giải tỏa, đền bù Dự án Khu đô thị Thủ Thiêm đã đạt 99%.
Chỉ tính từ đầu năm 2014 đến nay, gần 100 nhà đầu tư trong và ngoài nước, trong đó có nhiều tập đoàn uy tín trên thế giới, đã đến Thủ Thiêm để tìm hiểu và quyết định đầu tư.
Mới đây, UBND TP. HCM đã chính thức trao Giấy Chứng nhận đầu tư cho Công ty TNHH Liên doanh Thành phố Đế vương thực hiện Dự án Khu phức hợp Tháp quan sát (còn gọi là Dự án Empire City) trong Khu Lõi trung tâm của Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Theo quy hoạch được duyệt, mục tiêu của dự án là xây dựng hoàn chỉnh hệ thống hạ tầng kỹ thuật trên khu đất diện tích khoảng 14,5 ha, nằm dọc theo trục đường Mai Chí Thọ và ven sông Sài Gòn; phát triển và vận hành một khu phức hợp bao gồm trung tâm thương mại cao cấp, khách sạn 5 sao, văn phòng làm việc và căn hộ dịch vụ, bãi đậu xe ngầm… theo tiêu chuẩn quốc tế, với tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 730.000 m2.
Trong đó, có 1 tòa nhà đa chức năng cao 86 tầng với kiểu dáng kiến trúc độc đáo mang tính biểu tượng và là công trình điểm nhấn cao nhất Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Dự án có tổng mức đầu tư dự kiến 26.000 tỷ đồng (tương đương 1,2 tỷ USD), được triển khai xây dựng từ năm 2015 và hoàn thành toàn bộ vào năm 2022 theo 4 giai đoạn.
Công ty TNHH Liên doanh Thành phố Đế vương, chủ đầu tư dự án là công ty liên doanh giữa CTCP Bất động sản Tiến Phước, Công ty TNHH Bất động sản Trần Thái và đối tác nước ngoài là Công ty Denver Power Ltd (Vương quốc Anh) trực thuộc Tập đoàn tài chính đa quốc gia Gaw Capital Partners.
Tỷ lệ góp vốn của liên doanh của doanh nghiệp trong nước và nước ngoài là 50/50.
Trước đó, một siêu dự án khác là cũng được đầu tư vào Thủ Thiêm là Dự án Thu Thiem Eco Smart City, trị giá tới 2 tỷ USD do liên danh Tập đoàn Lotte Hàn Quốc làm chủ đầu tư.
Dự án được kỳ vọng sẽ biến khu vực này trở thành trung tâm tài chính, thương mại, dịch vụ cao cấp, hiện đại nhất khu vực, trong đó có một khu cửa hàng bách hóa và khu phố thương mại tiêu chuẩn quốc tế.
Được biết, Lotte ký quỹ 2.000 tỷ đồng để triển khai dự án, dự kiến khởi công đầu năm 2016.
Cũng mới đây, CTCP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP. HCM (CII) đã quyết định sẽ rót khoảng 2.600 tỷ đồng để đầu tư hạ tầng vào khu 3, khu 4 Thủ Thiêm.
Đổi lại, CII được làm chủ đầu tư quỹ đất Dự án Maria Bay và Dự án Thủ Thiêm Lake View khoảng 84.255m2 với tổng giá trị được xác định là 2.343 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, hiện khu chức năng số 1, khu được quy hoạch làm khu trung tâm tài chính - ngân hàng, thương mại, dịch vụ mang tầm cỡ quốc tế cũng đang được TP. HCM kiến nghị Chính phủ cho chỉ định CTCP Quốc Lộc Phát nghiên cứu đầu tư Dự án Khu tổ hợp Sóng Việt, với tổng vốn đầu tư 7.050 tỷ đồng.
Theo báo cáo của TP. HCM, nhà đầu tư này cam kết sẽ ký quỹ 100 tỷ đồng, đồng thời nộp tiền sử dụng đất ước tính 2.000 tỷ đồng nếu được chọn làm chủ đầu tư. Dự kiến, Khu phức hợp Sóng Việt cũng sẽ được khởi động từ đầu 2016.
Song có lẽ doanh nghiệp tiên phong và là đơn vị đang làm thay đổi diện mạo rõ nét nhất của Khu đô thị Thủ Thiêm hiện nay phải kế đến là Công ty Đại Quang Minh.
Công ty này bỏ ra 8.265 tỷ đồng để đầu tư 4 tuyến đường tại Thủ Thiêm và cầu Thủ Thiêm 2 theo hình thức BT và đã được khởi công xây dựng.
Đổi lại, Đại Quang Minh được giao làm chủ đầu tư khoảng 106 ha để đầu tư xây dựng Dự án Khu đô thị Sa La. Hiện dự án này cũng được xây dựng khá mạnh và đã đưa sản phẩm căn hộ chào bán ra thị trường.
Theo ông Trần Bá Dương - Tổng giám đốc Công ty Đại Quang Minh, đến nay, Công ty đã rót hơn 7.000 tỷ đồng xây dựng hạ tầng cho khu đô thị mới này.
Ngoài những nhà đầu tư kể trên, hiện có nhiều nhà đầu tư uy tín khác như Tập đoàn Vingroup, Công ty Thái Bình Dương và nhiều nhà đầu tư quốc tế khác cũng đang xúc tiến kế hoạch đầu tư vào Thủ Thiêm.
Còn nhiều nút thắt
Hiện nay, Khu đô thị Thủ Thiêm đang có sự chuyển động tích cực. Tuy nhiên, để Thủ Thiêm thực sự trở thành một khu đô thị mang tầm quốc tế như quy hoạch vẫn còn xa.
Mới đây, trong một văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ, báo cáo về tình hình đầu tư Khu đô thị Thủ Thiêm, UBND TP. HCM cho biết, tính đến thời điểm hiện nay, tổng vốn đã đầu tư vào Khu đô thị mới Thủ Thiêm để chi bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư; chi đầu tư xây dựng một phần hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và trả các khoản lãi vay là hơn 29.000 tỷ đồng.
Trong đó, khoảng 12.000 tỷ đồng là vốn vay thương mại từ các tổ chức tín dụng, nên phát sinh tiền lãi khoảng 2,9 tỷ đồng mỗi ngày.
Áp lực trả nợ gốc và lãi vay trong thời gian tới là rất lớn, năm nay là hơn 902 tỷ đồng, năm tới trả nợ gốc đến hạn là hơn 5.200 tỷ đồng và lãi vay phát sinh là 829 tỷ đồng.
Không chỉ chịu áp lực từ việc trả lãi, mà Thành phố cũng đang cần nguồn vốn rất lớn để đầu tư cho khu đô thị này, như chi cho bồi thường giải phóng mặt bằng đối với các trường hợp còn lại; đầu tư cơ sở hạ tầng; xây dựng quỹ nhà thuộc Chương trình 12.500 căn hộ phục vụ tái định cư (năm nay phải thanh toán hơn 5.000 tỷ đồng, năm 2016 là hơn 8.000 tỷ đồng).
Trong khi đó, ngân sách Thành phố rất hạn chế, khả năng vay vốn từ những ngân hàng lớn khó khăn vì đã hết hạn mức vay.
Do vậy, TP. HCM kiến nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép UBND Thành phố được lựa chọn nhà đầu tư theo hình thức chỉ định nhà đầu tư thực hiện một số dự án, thay vì đấu thầu nhằm sớm tạo nguồn thu lớn cho ngân sách Thành phố để sử dụng trả một phần nợ vay, giảm bớt số lãi vay đang phát sinh hằng ngày.
Cụ thể, Thành phố kiến nghị Thủ tướng cho phép chỉ định một nhà đầu tư trong nước đầu tư Dự án Khu phức hợp Sóng Việt trong Khu chức năng số 1 của Khu đô thị Thủ Thiêm với tổng vốn khoảng 7.000 tỷ đồng.
Tin liên quan
- Bỏ phố về quê mua nhà: “Có 3,5 tỷ mà vẫn khó mua căn chung cư mới ở Hà Nội, vợ chồng tôi quyết định về quê mua căn nhà đất 80m2 khang trang, rộng rãi”
- Một quận diện tích chỉ hơn 5 km2 nhưng thu ngân sách năm 2024 bằng 8 tỉnh cộng lại
- Cách Hà Nội 50km, tỉnh này 2 năm liên tiếp tăng trưởng cao nhất cả nước
- Tỉnh đông dân nhất Việt Nam vừa bỏ tên một huyện trên bản đồ