clock

Bất Động Sản

06:47 21-10-2015

Làm thế nào để phát triển khu đô thị vệ tinh?

LTS: Việc gia tăng dân số cơ học một cách nhanh chóng tại những đô thị lớn như TP.HCM đã khiến cơ sở hạ tầng (giao thông, cấp thoát nước, điện...) bị quá tải. Đây là yếu tố thôi thúc sự hình thành các khu đô thị vệ tinh liền kề TP.HCM. Những khu đô thị này một mặt sẽ giải quyết được việc giãn dân, giải tỏa được áp lực cho hạ tầng, mặt khác sẽ tạo nên không gian phát triển bền vững trong tương lai. Liên quan đến vấn đề phát triển các khu đô thị vệ tinh (hay khu đô thị mới), ông Chad Ovel - Tổng giám đốc Mekong Capital, Công ty Tư vấn quản lý quỹ cổ phần tư nhân chưa niêm yết, đã chia sẻ quan điểm với Doanh Nhân Sài Gòn.

Giải pháp trọng tâm để thúc đẩy sự quan tâm của người mua tiếp cận nhà ở tại những đô thị vệ tinh chính là việc cải thiện sự kết nối giữa khu đô thị này với những khu thương mại trung tâm của TP.HCM.

Ở một số nước trong khu vực đã có những thành phố, những khu đô thị vệ tinh khá thành công và phát triển phồn vinh như Manila (Philippines), Bangkok (Thái Lan), Kuala Lumpur (Malaysia).

Các cơ quan quản lý của những quốc gia này đã đầu tư vào cơ sở hạ tầng thông qua việc xây dựng những tuyến đường cao tốc cũng như hệ thống giao thông công cộng, tạo điều kiện thuận lợi để người dân di chuyển đến khu vực trung tâm làm việc hằng ngày.

Riêng với TP.HCM, hiện nay, phương tiện di chuyển chủ yếu vẫn là xe máy, nếu phải di chuyển cả một đoạn đường dài từ đô thị vệ tinh vào trung tâm thành phố mỗi ngày sẽ không mấy thuận tiện và không an toàn.

Cho nên, nếu có cao tốc cũng khó giải quyết được nút thắt này. Do vậy, việc đẩy mạnh đầu tư vào hệ thống giao thông công cộng như xe buýt hoặc tàu điện ngầm được xem là giải pháp khả thi.

Kinh nghiệm ở nhiều nước cho thấy, ngay như trường hợp của Tập đoàn Nishi Nippon Railroad (Nhật Bản) vào những năm 1950 của thế kỷ trước đã phát triển thành công nhiều khu đô thị mới xung quanh thủ đô Tokyo.

Họ thu hút dân cư về định cư ở các khu đô thị mới này bằng cách đầu tư các tuyến đường sắt nối trực tiếp đến Tokyo và các khu vực xung quanh.

Những tập đoàn như Nishi Nippon Railroad có tiềm lực tài chính và năng lực để thực hiện chiến lược này nhưng liệu với doanh nghiệp Việt Nam, điều này có thể thực thi?

Tôi nhận thấy, các nhà phát triển bất động sản (BĐS) lớn và giàu kinh nghiệm của Việt Nam hoàn toàn có khả năng tiếp cận được nguồn vốn cả ở thị trường trong nước và nước ngoài để hỗ trợ tài chính cho phát triển các khu đô thị vệ tinh mà không cần dựa vào sự hợp tác của các đối tác nước ngoài.

Tuy nhiên, ở giai đoạn này, vì những nhà phát triển BĐS Việt Nam còn hạn chế về kinh nghiệm trong việc xây dựng những đô thị vệ tinh nên hợp tác với đối tác ngoại có thể giúp doanh nghiệp ít nhất là tiếp cận thiết kế dự án, cơ cấu dân cư và chiến lược tổng thể.

Hơn 10 năm qua, các nhà phát triển BĐS trong nước đã tích lũy được nhiều kinh nghiệm, sản phẩm và giá cả cũng được cải thiện đáng kể ở mỗi dự án được xây dựng.

Ở Việt Nam, việc phát triển các khu đô thị vệ tinh, đặc biệt là ở những thành phố lớn, nơi có thể nhận thấy rõ ràng về lợi ích của việc có một khu đô thị phát triển với mật độ dân cư đông đúc, trong phạm vi quyền hạn của mình, trước mắt, các cơ quản lý nhà nước có thể hỗ trợ bằng các hạng mục đầu tư ban đầu như giao thông công cộng, giáo dục và y tế, đồng thời có thể cung cấp sự hỗ trợ cho các nhà phát triển bằng cách gia hạn tiền sử dụng đất.

Thời gian qua, ở nhiều khu vực của Việt Nam, vẫn có những khu đô thị mới, đô thị vệ tinh hình thành nhưng cũng có khu chưa thu hút được cư dân hoặc thậm chí, có khu đã xây nhà ở nhưng bị bỏ hoang.

Theo tôi, những khu vực xây dựng dở dang và đang trong tình trạng "thành phố ma" thì không thể làm gì khác ngoài việc bắt đầu lại và tái định hình về sản phẩm cũng như tiện ích sinh sống.

Người tiêu dùng Việt Nam có nhiều sự lựa chọn và nếu chỉ cung cấp nhà phố hay biệt thự tiêu chuẩn đơn thuần thì chưa đủ.

Một khu đô thị vệ tinh đúng nghĩa ở TP.HCM chí ít phải thực thi lời hứa với khách hàng về những tiện ích mà người ta không thể có được khi sống ở những khu vực trung tâm thành phố đông dân cư.

Những yếu tố để tạo nên sự cạnh tranh của khu đô thị vệ tinh có thể kể đến như không gian, sự yên tĩnh, cây xanh, cảnh quan, tiện ích thể thao, an toàn và ý thức của cộng đồng dân cư.

Điều này rất cần thiết để bù đắp chi phí của việc tăng thời gian khi di chuyển vào khu vực trung tâm và phải là những nhân tố chính khi bắt đầu tiến hành công đoạn thiết kế của bất kỳ khu đô thị vệ tinh nào.

 

CHAD OVEL - Tổng giám đốc Mekong Capital/ DNSG